5 rối loạn ăn uống ít được biết đến

Chán ăn hoặc cuồng ăn đều là một trong những biểu hiện của chứng rối loạn ăn uống. Rối loạn ăn uống lành mạnh (Orthorexia Nervosa)

5 rối loạn ăn uống ít được biết đến

Chúng ta đều quan tâm tới việc ăn uống lành mạnh, nhưng có sự khác biệt lớn giữa việc lưu tâm tới chế độ ăn và để cho chế độ ăn kiểm soát tâm trạng.

Trong khi chứng chán ăn hoặc cuồng ăn đều nói về số lượng thực phẩm bạn ăn thì rối loạn ăn uống lành mạnh lại tập trung vào chất lượng của thực phẩm.

Một báo cáo trên tờ Journal of Human Sport & Exercise mô tả những người bị chứng rối loạn ăn uống lành mạnh là những người bị ám ảnh phải tránh những thực phẩm chứa màu, mùi nhân tạo, chất bảo quản, hóa chất bảo vệ thực vật hoặc các thành phần biến đổi gen, chất béo không lành mạnh, thực phẩm chứa quá nhiều muối hoặc quá nhiều đường và các thành phần khác.

Cuối cùng, những người này bắt đầu thực hiện theo cách của họ, đưa ra những quy tắc cứng nhắc và thường cô lập mình với xã hội.

Chán ăn do tập luyện (anorexia athletica AA)

Tình trạng này gặp chủ yếu ở các vận động viên, những người tập luyện thể thao. Trong khi những người mắc chứng biếng ăn hạn chế việc ăn uống và những người mắc chứng cuồng ăn phải gây nôn sau khi ăn, thì những người mắc chứng AA lại lao vào tập luyện để giữ cân, quan tâm đặc biệt tới số calo được đốt cháy.

Trong số tất cả các rối loạn ăn uống, thì ám ảnh tập luyện có liên quan tới mối quan tâm lớn hơn về cân nặng và vóc dáng được thúc đẩy bởi sự bất mãn với cơ thể.

Ám ảnh tập luyện cũng có thể bị thúc đẩy bởi các triệu chứng tiêu cực của việc không thể tập luyện. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, thậm chí chỉ sau 24 giờ không tập luyện, những người bị AA còn có cảm giác tội lỗi, lo âu, trầm cảm và bứt rứt.

Cuồng ăn tiểu đường (Diabulimia)

Theo nghiên cứu trên tờ Journal of Diabetes Science and Technology, những phụ nữ bị tiểu đường týp 1 dễ bị rối loạn ăn uống hơn gấp 2,4 lần những người không bị tiểu đường.

Nhưng thay vì ăn uống hạn chế hoặc gây nôn, những người bị rối loạn này lại hạn chế dùng insulin: giảm liều insulin cần thiết hoặc không dùng. Bằng cách này, đường và calo sẽ đổ trực tiếp vào nước tiểu và cuối cùng đưa ra ngoài, dẫn đến sụt cân nhanh chóng.

Tình trạng này khiến người bệnh có nguy cơ cao hơn bị nhiễm trùng và nhiễm toan xêtôn tiểu đường, có thể dẫn tới hôn mê tiểu đường.

Sự song hành giữa kiểm soát tiểu đường và rối loạn ăn uống (như theo dõi phần ăn, đường huyết, cân nặng và tập luyện) cũng khiến diabulima trở nên khó điều trị.

Chứng ăn bậy (pica)

Pica - ăn những thứ không phải thực phẩm như bụi bẩn, sơn hoặc giấy - thực sự là một rối loạn ăn uống khá phổ biến. Nó được phát hiện nhiều ở trẻ em, khoảng 10 tới 32% trẻ từ 1 tới 6 tuổi báo cáo bị chứng này.

Nhưng tình trạng này cũng phổ biến ở phụ nữ mang thai và những người bị thiếu sắt vì trong một số trường hợp rối loạn, thèm ăn bắt nguồn từ thiếu dinh dưỡng (như sắt).

Bên cạnh suy dinh dưỡng điển hình là nguyên nhân của nhiều rối loạn ăn uống, những người mắc chứng ăn bậy cũng có nguy cơ bị ngộ độc chì và tắc ruột do ăn uống những thực phẩm khó tiêu hóa.

Hội chứng ăn đêm

Hội chứng ăn đêm đặc trưng bởi việc ăn đêm quá nhiều mặc dù không cần thiết. Theo một nghiên cứu đăng trên Journal of the American Medical Association, những người bị hội chứng ăn đêm chỉ ăn khoảng 1/3 tổng lượng calo hàng ngày tính đến 6 giờ chiều, so với nhóm chứng ăn khoảng 3/4 lượng calo.

Tình hình đảo ngược từ 8 giờ chiều đến 6 giờ sáng, khi những người bị hội chứng ăn đêm nạp vào người 56% lượng calo, trong khi nhóm chứng chỉ nạp vào 15%.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hội chứng ăn đêm có liên quan mật thiết tới trầm cảm. Những người này thường ăn các loại thực phẩm giàu carbonhydrat như một cách tự chữa bệnh.

Theo suckhoedoisong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ