Sung Văn Chía (20 tuổi), ở bản Kéo Hượn, xã Nhi Sơn, huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt qua khó khăn trong cuộc sống, phấn đấu trở thành sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa.
Tuổi thơ khốn khó
Sinh ra trong gia đình nghèo khó, thế nhưng khi Sung Văn Chía lên 6 tuổi, bắt đầu bước vào lớp 1, thì bố em bị bệnh thần kinh, không giúp được việc gì cho gia đình. Lên lớp 2, lớp 3 Chía đã phải theo mẹ và anh trai đi nương rẫy để tìm cái măng rừng, hay bắp ngô, củ sắn về ăn.
Những năm sau đó, gia đình Chía nuôi được con trâu, con lợn nào đều phải bán đi để lấy tiền chữa bệnh cho bố. Nhưng rồi, bệnh tình ngày càng nặng và bố của Chía đã trút hơi thở cuối cùng khi mới tròn 40 tuổi. Đận ấy, Sung Văn Chía vừa bước vào lớp 10, Trường THPT Mường Lát. Người anh trai của Chía đang học Trường ĐH Nội vụ năm nhất phải về quê đội tang cha, rồi không bao giờ được trở lại trường nữa vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.
Bà Thao Thị Xia - mẹ của Chía - bảo, cuộc sống của gia đình bà vô cùng khó khăn. Những năm chồng bà bị bệnh, trong nhà không có tiền để đưa chồng đi chữa trị, nên đã khó lại càng khó hơn. “Rất thương con, vì hai anh em nó chịu khó học hành lắm. Thằng anh của Chía thi đậu vào Trường Đại học Nội vụ, nhưng khi bố mất, thì cháu nó cũng bỏ học luôn vì không có tiền. Tôi cũng không thể giúp được gì cho các cháu, chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng thôi. Sau khi bỏ học, cháu nó ở nhà giúp mẹ làm nương rẫy, kiếm tiền nuôi em Chía ăn học. Rồi sau đó, cháu lấy vợ và đưa vợ vào tỉnh Đồng Nai đi làm. Thi thoảng, vợ chồng chúng nó cũng gửi về cho mẹ và em ít tiền”, bà Xia kể.
Ba năm học tại Trường THPT Mường Lát, Sung Văn Chía được ở trong Làng học sinh của nhà trường. Những bữa cơm với muối trắng, rêu sông Mã khiến cậu học trò nghèo nhiều đêm xót ruột, ứa nước mắt nhưng không cản bước được ý chí học tập của Chía.
“Suốt ba năm học THPT ở trường huyện là những ngày gian khó nhất của em. Bố mất sớm, mẹ cũng đổ bệnh ốm yếu nên kinh tế gia đình ngày càng khó khăn. Anh trai phải bỏ học đại học giữa chừng. Nhưng từ trong gian khó ấy, em có quyết tâm hơn để thực hiện lời căn dặn của cha lúc còn sống là cố gắng học tập, phải có kiến thức, có cái nghề ổn định mới thay đổi cuộc đời”, Chía bộc bạch.
Bà Thao Thị Xia dặn dò con trai trước khi trở lại TP Thanh Hóa. (Ảnh: Thuỳ Linh) |
Quyết tâm đi tìm tri thức
Sau khi tốt nghiệp THPT, Sung Văn Chía học 1 năm ở Trường Dự bị đại học dân tộc Sầm Sơn (Thanh Hóa), để quyết tâm thi vào Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa. Chía bảo: “Kỳ thi đại học năm ngoái, điểm của em cũng đủ vào Khoa Du lịch của Trường Đại học Hồng Đức, nhưng em không vào học, mà chuyển về Trường Cao đẳng Y tế, học điều dưỡng viên, vì em yêu thích nghề này. Em sẽ cố gắng học thật tốt, để không phụ công lao của mẹ, anh trai và các thầy, cô giáo. Em cũng sẽ phấn đấu học thêm tiếng Nhật, để sau khi tốt nghiệp, em tìm kiếm cơ hội cho mình”.
Hồi đầu tháng 8/2022, khi nhận được giấy báo nhập học vào ngành Điều dưỡng của Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa, chàng trai Sung Văn Chía lại canh cánh nỗi lo vì gia đình nghèo khó. Nhưng với ý chí và nghị lực của mình, Sung Văn Chía vẫn quyết tâm đi học và dự định sẽ kiếm việc làm thêm, để trang trải sinh hoạt trong thời gian theo học.
“Lúc còn sống, bố em thường căn dặn rằng, cuộc đời của bố, mẹ không được học hành nhiều nên nghèo khó cứ bủa vây. Con trai gắng học tốt để sau này thay đổi cuộc đời. Thằng Chía phải vượt cổng trời Mường Lát để học hành và kiếm lấy cái nghề cho bản thân”, Chía tâm sự.
Ngày nhập học, mẹ của Chía phải vay mượn người thân để em có tiền đóng góp, mua sắm đồ dùng thiết yếu ban đầu. Về TP Thanh Hóa đi học, Chía ở cùng anh họ học cùng trường cho đỡ tiền thuê nhà. Hàng tháng, mẹ gửi gạo, bầu, bí, rau xanh từ quê xuống cho Chía tự nấu ăn với mức chi tiêu tằn tiện, mỗi ngày không quá 50 nghìn đồng.
Vào học ở Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa được vài tháng, Sung Văn Chía được bạn đọc của Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 16 triệu đồng học bổng. Nhận được số tiền đó, Chía đã dành để mua giáo trình, tài liệu phục vụ học tập, trang trải cuộc sống. Đồng thời, mua chiếc xe đạp để đi lại trong ngày làm thêm vào thứ 7, Chủ nhật.
“Mẹ em ngày càng ốm yếu, thu nhập lúa ngô từ nương rẫy cũng bấp bênh, phụ thuộc vào thời tiết nên việc chu cấp cho em học hành thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, em sẽ tự kiếm tiền bằng sức lực của mình để phụ giúp mẹ và đi hết chặng đường học ngành Điều dưỡng. Thực hiện ước mơ sang Nhật Bản làm việc, hoặc trở về quê phục vụ trong ngành Y tế, chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bà con ở bản, làng của mình”, Chía tâm sự.
Thầy Trần Anh Văn - Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát - cho biết: “Em Sung Văn Chía trước đây là học sinh của nhà trường. Những năm theo học THPT, em Chía là một học sinh chăm ngoan, lễ phép và chuyên cần. Trong thời gian học tại trường, em Chía được thầy cô, bạn bè hỗ trợ, giúp đỡ để em ấy vượt mọi khó khăn, tự tin bước vào cổng trường y khoa”.
Lúc chia tay mẹ, với túi hành lý gồm một bao gạo, dăm quả bí đỏ, Chía lên xe khách vượt hơn 200km về TP Thanh Hóa học nghề điều dưỡng. Từ nay, chàng trai Sung Văn Chía đã vượt qua “cổng trời” Mường Lát mây mù bao phủ, thực hiện lời căn dặn của bố mẹ, quyết tâm đi tìm tri thức để có cơ hội thay đổi cuộc đời, xóa đi cái đói nghèo bủa vây gia đình bấy lâu nay.
Ông Thao Văn Lênh - Chủ tịch UBND xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát - cho biết, gia đình em Sung Văn Chía thuộc diện hộ nghèo của xã, hiện nay nhà Chía rất khó khăn. Chính quyền địa phương từng phải hỗ trợ kinh phí để sửa chữa nhà ở cho gia đình Chía. Hàng năm, mỗi khi có đoàn từ thiện về địa phương tặng quà, chính quyền xã đều dành một suất cho gia đình cháu Chía. Mặc dù, cuộc sống của mẹ con nhà Chía đang rất khó khăn, nhưng anh em Chía luôn ham học. Dòng họ Sung ở đây cũng là một dòng họ hiếu học, có nhiều người đỗ đạt, có công ăn, việc làm ổn định.