Bên trong 1 lớp học tiểu học ở thành phố Toda, tỉnh Saitama, 1 cậu bé lớp 6 đang nói chuyện với 1 chú robot nhỏ màu trắng có tai mèo và 2 cánh tay dài đang đứng trên bàn học bằng 2 chân.
“How was....,” - cậu bé học tại Trường Tiểu học Toda Daini ngập ngừng không nghĩ ra vế sau của câu tiếng Anh cậu định nói. “Thử lại đi” - robot trả lời bằng tiếng Anh.
“Tôi nghĩ ra rồi!” - cậu bé reo lên trước khi đưa ra câu trả lời tiếng Anh đúng: “How was it?”. “Rất tốt” – robot đáp lại, khiến cậu bé thốt lên một tiếng duy nhất: “Tuyệt!”.
Thành phố Toda không cách xa thủ đô Tokyo là mấy và được biết đến với các nỗ lực tạo điều kiện giảng dạy bằng tiếng Anh, mở các lớp học ngoại ngữ từ năm 2004, sớm hơn nhiều so với lịch trình mà quốc gia vạch ra.
Rô bốt Musio X đã được giới thiệu tại một số trường tiểu học và trung học cơ sở của thành phố trên cơ sở thử nghiệm. Đây là lần áp dụng thử nghiệm thực tế đầu tiên tại Nhật Bản. Một số học sinh tương tác với robot trao đổi rằng nói chuyện với robot thoải mái hơn là nói chuyện với giáo viên, trong khi một số khác cho biết robot giúp các em luyện tập phát biểu dễ dàng hơn.
AKA Corp., đơn vị tại Nhật Bản của nhà phát triển robot Mỹ cho biết robot Musio X có nhiều chế độ cho việc luyện tập các mẫu câu và tạo dựng hội thoại tự do ở các trình độ tiếng Anh khác nhau.
Tuy ban đầu được phát triển làm robot sử dụng tại nhà, chúng được giới thiệu lần đầu tiên tại một trường trung học cơ sở tư nhân ở Kyoto vào năm 2016 và tới nay đã được giới thiệu tại khoảng 30 trường học trên cả nước.
Công ty cho biết, họ hy vọng, sẽ tăng cường được khả năng đàm thoại của robot và cải thiện nhiều chức năng khác.
Trong năm 2011, Nhật Bản chính thức biến tiếng Anh thành môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 5 và lớp 6 như là một phần của các hoạt động ngoại ngữ ngoại khóa.
Vậy robot A.I sẽ đóng vai trò gì trong dự kiến biến tiếng Anh thành môn học chính thức cho học sinh tiểu học từ lớp 3 trở lên trong năm tài chính 2020 của Nhật Bản? Toshiyuki Kanamaru, Phó giáo sư đến từ Trường Đại học Kyoto cho biết, giáo viên ở các trường tiểu học đặc biệt cần được hỗ trợ thông qua các cuộc hội thảo và đào tạo. Ông cũng bày tỏ hy vọng robot sẽ giúp ích trong những nỗ lực này.
“Robot có thể bổ sung vai trò của giáo viên trong việc làm đối tác trò chuyện. Chính phủ, ngành và các học viện cần phải phối hợp tiến hành nghiên cứu để xóa bỏ các vấn đề về chất lượng và chi phí” - Kanamaru trao đổi.