Rộ thử thách 'không chi tiêu'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Năm 2015, ngôi sao mạng xã hội Canada - Alyssa Davies tuyên bố “không mua sắm”.

Trên toàn cầu, giới trẻ nô nức theo đuổi không chi tiêu.
Trên toàn cầu, giới trẻ nô nức theo đuổi không chi tiêu.

Cô bắt đầu “lệnh tự cấm” này vì nhận ra đã hoang phí tiền bạc hàng tuần. Alyssa không bao giờ ngờ, dưới ảnh hưởng của đại dịch và suy thoái kinh tế toàn cầu, hành động cá nhân của cô đã khơi dậy và bùng nổ trào lưu mới: Không chi tiêu (no spend).

Những “thánh keo kiệt” nổi danh

Cuối năm 2021, mạng xã hội Trung Quốc choáng váng vì video chia sẻ của Wang Shenai (32 tuổi). Tuy vẫn còn rất trẻ, cô đã mua được 2 căn hộ ở thành phố “bất động sản đắt như vàng” - Nam Kinh, chỉ bằng cách tiết kiệm tiền lương.

Trung Quốc không phải đất nước có thu nhập bình quân cao hàng đầu. Ngay cả năm 2021, thu nhập trung bình của họ cũng mới chỉ xấp xỉ 30 nghìn nhân dân tệ/người/năm (khoảng 103 triệu đồng).

Trong khi đó, giá thành bất động sản tại các thành phố lại cao ngất ngưởng. Làm thế nào Shenai mua nổi nhà chỉ bằng cách tiết kiệm tiền lương? Câu trả lời là tiết kiệm đến 90%.

Ngay từ thời sinh viên, Shenai đã siêu chắt bóp trong chi tiêu. Ngoài không mua sắm, cô còn đi làm thêm và tiết kiệm gần như toàn bộ tiền công. Cộng với 1 khoản vay, cô mua được 1 căn hộ nhỏ trước khi ra trường.

Sau khi đi làm và kết hôn, Shenai càng chắt bóp hơn nữa. Trừ tiền mua quần áo, cô không tiêu pha bất cứ đồng nào vào thời trang. Toàn bộ quần áo Shenai mặc đều là đồ cũ hoặc người khác cho. Ngoài các chi phí tối cần, cô tuyệt đối không lãng phí xu nào. Kết quả, căn nhà thứ 2 đã vào tay.

Trong video đăng tải trên mạng xã hội Weibo, Shenai chia sẻ các mẹo và cách sống siêu tiết kiệm. Rất nhanh, cô có 500 triệu lượt xem. Ai nấy bàng hoàng, ngưỡng mộ và ghen tỵ với Shenai, ước gì “sớm chi tiêu như cô ấy”.

Đầu năm 2022, Nicola Richardson (Anh) khoe thành công thực hiện thử thách “không chi tiêu”. Chỉ trong vòng tháng 1, chị đã tiết kiệm được 800 bảng Anh (khoảng 22,4 triệu), vừa trả được nợ vừa có tiền đầu tư tài chính. Chìa khóa của Nicola là không cà phê, không rượu, không ăn ngoài, không mua sắm… Nói tóm lại là “không chi tiêu” triệt để.

Gần đây, Kim Ji-yeon (29 tuổi), giáo viên tiểu học Hàn Quốc đột ngột thành “ngôi sao YouTube” nhờ video chia sẻ “thử thách không chi tiêu”. “Một ngày nọ, tôi kiểm tra tài khoản ngân hàng của mình và thấy chẳng dư đồng nào. Nếu không lo tiết kiệm, tôi sẽ thành dân khố rách áo ôm mất”, Ji-yeon nói trong đoạn tự quay. Vì nỗi lo này, cô điên cuồng cắt giảm chi tiêu. Chỉ trong 2 tuần, cô để dành được 200 nghìn won (tương đương 3,6 triệu đồng).

Wang Shenai, “thánh tiết kiệm” Trung Quốc.

Wang Shenai, “thánh tiết kiệm” Trung Quốc.

Trào lưu cho Gen M - Z

Chỉ trên Instagram Hàn Quốc, hiện có trên 3.300 bài viết gắn thẻ “không chi tiêu”. Đa phần người viết và người theo dõi thuộc Thế hệ M - Z (1980 – 2012). Họ chia sẻ với nhau các mẹo cắt giảm chi phí triệt để, quản lí ngân quỹ gia đình và khoe khoang kết quả.

Tại châu Âu và châu Mỹ, sau thành công “không mua sắm” của Alyssa, hàng loạt người nổi tiếng nhận ra bản thân “mắc bệnh tiêu hoang” và tham gia “thử thách không chi tiêu”.

“Chỉ trong 1 năm kiên định theo đuổi không chi tiêu, tôi đã tiết kiệm được hơn 22 nghìn bảng (khoảng 616 triệu đồng)”, nhà văn Michelle McGagh (Anh) nói trên truyền hình. Thực hiện “không chi tiêu” cũng rất dễ, chỉ bao gồm không mua quần áo mới, không mua phụ kiện, không thay đổi nội thất, không rượu bia… nói chung là “không” với những thứ không thiết yếu.

Gen M - Z ở châu Âu, Mỹ vốn khổ sở vì vòng lặp “làm - tiêu – nợ”. Chỉ thời gian ngắn làm theo “không chi tiêu”, họ đã thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Ngoài không chi tiêu, một số người còn khởi xướng phong trào Freegans (tận dụng đồ thừa). Họ nhặt nhạnh lại rác thực phẩm, may mặc, hỗ trợ tiết kiệm tối đa.

Lợi nhưng cũng hại

Một số Gen M - Z đang vui vẻ lọc rác thực phẩm lấy đồ ăn.

Một số Gen M - Z đang vui vẻ lọc rác thực phẩm lấy đồ ăn.

Danh mục phổ biến nhất của “không chi tiêu” là không mua quần áo và phụ kiện, không sắm mỹ phẩm, không thay đổi và trang trí nội thất, không ăn ngoài, không trò chơi điện tử…

“Sau 1 năm tự cấm chi tiêu, tôi nhận thấy trước đây mình không yêu thời trang mà chỉ cuồng mua sắm”, Alyssa thú nhận. Cô chỉ mua đồ vì thấy chúng đẹp, không bận tâm có hợp với bản thân hay có cần đến không. Với “không chi tiêu”, Alyssa chỉ ra 2 lợi thế lớn: Tiết kiệm và sửa thói xấu tiêu xài bừa bãi.

Khoảng 5% dân số thế giới bị “nghiện mua sắm”. Đa phần họ thuộc giới trẻ, đặc biệt là tuổi 18 – 24. Kết cục của nghiện mua sắm không dừng lại ở “viêm màng túi” mà còn kéo theo nợ nần (58%), hối tiếc (46%), thậm chí phạm pháp (8%). Nhiều Gen M - Z nhận thấy, không chi tiêu là giải pháp “nhất cử lưỡng tiện”. Không ít người đã thật sự thành công sống tối giản, tiết kiệm 80% thu nhập trở lên.

Tiết kiệm không bao giờ là tệ. Tuy nhiên, “cắt đứt quan hệ xã hội và cô lập bản thân để tiết kiệm thì không lành mạnh chút nào”, Giáo sư Lee Eun-hee (Hàn Quốc) cảnh báo. Trong tình trạng lạm phát tăng cao khắp thế giới ngày nay, mặc dù không chi tiêu có thể góp phần bảo vệ “ví” cho giới trẻ, nó tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe tinh thần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.