Khi vợ không kiểm soát được chi tiêu

Mỗi tháng tôi đưa vợ 15 triệu, lương người giúp việc tôi cũng đã trả, vậy mà tháng nào cũng chỉ được 20 ngày là vợ kêu hết tiền và bắt tôi đưa thêm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vợ tôi 25 tuổi, kém tôi 6 tuổi, chúng tôi cưới nhau được hơn 2 năm, có một con nhỏ. Vợ làm cơ quan nhà nước, lương mỗi tháng chưa được 3 triệu đồng. Tôi làm kinh doanh, thu nhập cũng ổn, vợ chồng tôi có nhà riêng tại một quận ở TP HCM, thuê giúp việc.

Tôi thắc mắc tiền tôi đưa đâu hết thì cô ấy cứ bảo nhà có con nhỏ, tiền bỉm, tiền sữa tốn kém. Tôi bảo cô ấy ghi các khoản ra để tôi xem chi tiêu những gì, có cần điều chỉnh không thì cô ấy không ghi, nói không có thời gian và không nhớ hết. Cô ấy còn nói vì không nhớ, nếu tôi cứ hỏi thì sẽ giao cho tôi việc đi chợ.

Tôi không phải là người đàn ông thích soi mói vợ hay keo kiệt, nhưng thú thật từ khi cưới nhau đến giờ không tháng nào là tôi không thấy vợ mua đồ mới. 

Có những bộ quần áo mua cả triệu bạc nhưng về nhà cô ấy lại không thích nên chỉ mặc vài lần rồi cứ để trong tủ hoặc cho ai đó. Khi tôi nói thì cô ấy cứ đem ra so sánh với bạn bè được chồng mua sắm nọ kia.

Thực sự là tôi không tiếc tiền, làm kinh doanh tôi hiểu kiếm tiền rất khó. Cô ấy chứ chi tiêu như thế này thì thử hỏi lúc ốm đau, bệnh tật hoặc công việc khó khăn, không làm ra tiền thì lấy tiền đâu mà trang trải? (Dũng)

Trả lời

Việc giải quyết những bất đồng trong vấn đề tài chính gia đình không bao giờ là dễ dàng vì nó liên quan đến rất nhiều yếu tố như quan điểm, hoàn cảnh, điều kiện sống cũng như tính cách và thói quen sử dụng tiền bạc của mỗi người.

Rõ ràng giữa bạn và vợ đang có cách nhìn nhận rất khác nhau về việc chi tiêu trong gia đình: chồng cho rằng vợ tiêu xài lãng phí, vợ lại kêu chồng chi li, khắt khe. Tìm kiếm một giải pháp để cả hai người có thể chấp nhận được đòi hỏi sự hiểu biết, kiên nhẫn và thấu hiểu trên tinh thần yêu thương và đối thoại chân thành với nhau.

Đầu tiên, bạn nên dành thời gian xem xét lại tất cả cuộc sống gia đình của mình từ nhu cầu sinh hoạt, thói quen chi tiêu cũng như các nguồn thu của gia đình.

Đặc biệt, bạn cần tìm hiểu kĩ hơn về cuộc sống trước đây của vợ liên quan đến việc sử dụng tiền bạc. Việc tiêu xài hiện tại của vợ là do thói quen trước đây hay chỉ xuất hiện khi lập gia đình? 

Có nhiều trường hợp người vợ cô đơn, gặp khó khăn trong việc chia sẻ với chồng con trong gia đình thì tìm đến việc mua sắm trang phục, trang sức bên ngoài để thu hút sự chú ý, ngưỡng mộ, thừa nhận của những người xung quanh. Vợ đã bao giờ tâm sự với bạn về những điều trong cuộc sống? Bạn đã thật sự quan tâm, chia sẻ và thấu hiểu những suy nghĩ của vợ mình?...

Sau khi suy xét lại tất cả, bạn nên có một cuộc trao đổi thẳng thắn, cụ thể với vợ về vấn đề chi tiêu trong gia đình. Nên động viên cô ấy chia sẻ và cùng nhau đi đến thống nhất là đưa ra giải pháp chung mà cả hai có thể chấp nhận được. 

Cái chính yếu là giúp vợ hiểu ra được cái khó khăn của việc kiếm ra đồng tiền cũng như ý nghĩa của việc chi tiêu tiết kiệm trong cuộc sống.

Sau cùng, vợ chồng bạn cũng nên dành thời gian tâm sự chia sẻ với nhau thường xuyên hơn để cả hai hiểu về nhu cầu, mong đợi cũng như những khó khăn mà mỗi người đang gặp phải.

Nhu cầu của con người là vô đáy và mỗi người lại có nhu cầu khác nhau. Sự kiên nhẫn, động viên khích lệ cũng như sự thấu hiểu và nâng đỡ của bạn sẽ giúp vợ hiểu ra và có sự những điều chỉnh phù hợp hơn trong vấn đề chi tiêu.

Chúc bạn kiên nhẫn và thành công,

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.