Rộ mốt mua nồi gang nhập khẩu giá tới 7 triệu đồng

Giá của một chiếc nồi gang có thể lên tới 6 - 7 triệu, nhưng nhiều bà nội trợ cho rằng “đắt xắt ra miếng”, sẵn sàng sưu tập cả bộ.

Rộ mốt mua nồi gang nhập khẩu giá tới 7 triệu đồng

Nồi gang là đồ dùng quen thuộc của các gia đình từ thập niên 70 của thế kỷ trước, và đã thoái trào từ lâu. Nhưng gần đây loại nồi gang nhập khẩu thu hút sự chú ý, được bàn tán nhiều trên các diễn đàn về nấu ăn, fanpage đồ gia dụng.

Chị Nguyễn Yến Oanh, chủ một cửa hàng gia dụng ở Quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho hay: "Bộ nồi gang nhập khẩu từ một thương hiệu ở Đức, gồm 3 nồi, cỡ trung bình và nhỏ, thường có giá 10 - 12 triệu đồng/bộ. Giá cao nhưng nhiều khách hàng vẫn đặt chúng tôi nhập về".

Chị cũng cho biết nồi gang thô giá dao động tầm 2 triệu, trong khi nồi gang tráng men có thể tới 6-7 triệu đồng/chiếc.

Những chiếc nồi gang nhập khẩu kiểu dáng bắt mắt thu hút các bà nội trợ - Ảnh: facebook

Nồi gang "hồi mốt" có giá lên tới ngót chục triệu vẫn đắt hàng - Ảnh:  facebook.

Chị Lê Diệu Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) là một tín đồ mua sắm các đồ gia dụng, đồ bếp cho biết rất tò mò khi thấy các trang bán hàng online giới thiệu về tác dụng nhiều mặt của nồi gang nhập khẩu, như "nấu được nhiều món, dùng trên nhiều loại bếp cả bếp từ, bếp ga, bền và chống dính tốt".

Tuy nhiên, chị vẫn ngập ngừng chưa mua vì thấy giá nồi khá đắt. "Cái nồi to hơn cái bát ăn phở một chút mà giá đã hơn 2 triệu, bằng cả bộ nồi inox bình thường. Tôi định săn giảm giá đợt Black Friday vừa rồi nhưng không được", chị Diệu Anh chia sẻ.

Trên một diễn đàn, một thành viên chia sẻ về tác dụng của nồi gang mà chị đã mua: "Nồi gang thô vừa là nồi, vừa có cái nắp là chảo, một công hai chuyện. Cho nó ăn dầu rồi chiên, xào, hầm búa xua, không sợ "trầy là phải thay" như chống dính độc hại. Gang cũng là nguyên liệu nấu ăn từ xa xưa cả ngàn năm nay, khỏi sợ ảnh hưởng sức khỏe, và siêu bền". 

Bộ sưu tập nồi gang nhiều màu được một trang web bán đồ gia dụng quảng cáo.Ảnh: facebook.

Một thành viên khoe đã mua được chiếc nồi gang ưng ý. Ảnh:  facebook.

Một chủ tài khoản Facebook có tên Chi Anh thì nhấn mạnh về độ bền và đặc điểm nấu được nhiều món của nồi gang: "Đến giờ đã hơn 3 năm và Chi Anh vẫn dùng nồi đó để nấu hàng ngày các món hầm, súp, chiên thịt, bỏ lò, kể cả cơm rang, mỳ xào, pasta đều nấu trong nồi đấy hết".

Ưu điểm vượt trội mà nhiều chị em nhắc đến của nồi gang là khả năng giữ nhiệt và phân bổ nhiệt đều. "Với chảo chống dính, nhiệt chỉ tập trung ở lòng chảo, càng ra xa viền chảo nhiệt càng bị hao hụt nên dễ khiến thức ăn chỗ cháy, chỗ chưa chín. Tuy nhiên, rán bằng nồi, chảo gang thì thức ăn sẽ chín và vàng đều, đẹp mắt", một người dùng cho biết.

Một số website bán hàng cho rằng việc nấu nướng bằng nồi gang sẽ "đưa một lượng sắt nhỏ vào khẩu phần ăn của gia đình bạn, do đó có lợi cho sức khỏe".

Tuy nhiên, có không ít ý kiến trái chiều về loại sản phẩm gia dụng đang hot này.

Có một số điểm yếu của nồi gang (một hợp chất từ sắt và carbon) do chính người bán chỉ ra, như: nồi khá nặng (một nồi đường kính 28,7cm nặng 4-5 kg), với nồi gang đã dùng thời gian dài muốn đảm bảo khả năng chống dính thì phải "tôi dầu" tốn thời gian...

Nồi chảo gang thô có thể bị gỉ sét nếu sau khi dùng không lau khô. Ngoài ra, khi nấu các món ăn có chứa axit (tương cà chua, ninh nấu món có dấm...) thì thức ăn sẽ phản ứng với chất sắt có trong nồi, tạo ra mùi tanh.

Chia sẻ với VnExpress, chị Nguyên Anh (Hà Nội) người đã mua 4 chiếc nồi gang thô nhập khẩu, cho biết: "Mình dùng nồi, chảo gang nhiều lần nhưng khi rửa sạch lau lại bằng giấy ăn vẫn bị vàng. Lo nhất là ninh nước dùng có mùi tanh và nước dùng đen sì. Mình có hỏi bên đại lí và họ có bảo không hại cho sức khỏe nhưng mình thấy mất thẩm mĩ của món ăn quá".

Một số thành viên trong nhóm facebook mà chị tham gia cho hay cũng gặp tình huống tương tự.

Những người dùng nồi, chảo gang có kinh nghiệm phân biệt rõ: Nếu sản phẩm gang có tráng men thì sẽ không xảy ra tình trạng bị tanh khi ninh, nấu; nhưng với sản phẩm gang thô (như trường hợp của Nguyên Anh) thì chỉ nên dùng chiên, xào, còn nếu dùng ninh, nấu sẽ không tránh khỏi tình trạng nước dùng có mùi tanh.

Về tác dụng "cung cấp chất sắt", như một số trang bán quảng cáo, Phó Giáo sư Trần Hồng Côn (khoa Hóa, Đại học khoa học tự nhiên, ĐH quốc gia HN) cho rằng thông tin này là không có căn cứ khoa học.

"Cái mà người ta gọi là gang có thể chỉ là cách gọi của người nhập hàng về, chứ chưa chắc đã là gang. Nó có thể là một loại hợp kim nào đó mà ta chưa rõ. Khi chưa biết thành phần hóa học của sản phẩm là gì, thì việc khẳng định nó thôi ra chất gì không thể nói chính xác được.

Ngoài ra, trong những điều kiện nấu nướng khác nhau, như với muối, với axit, với kiềm... thì các loại chất liệu sẽ thôi ra các nguyên tố vi lượng khác nhau", Phó Giáo sư Côn cho biết.

Một chuyên gia Hóa thực phẩm tại Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng khi nói về tác dụng của nồi gang với sức khỏe, người bán hàng không nên so sánh trực tiếp với nồi, chảo chống dính để quảng cáo rằng "nồi gang nhập khẩu không thôi ra những chất độc hại gây ung thư như chảo chống dính khi bị trầy xước".

Theo vị chuyên gia này, so sánh như vậy vừa vi phạm nguyên tắc về quảng cáo, vừa không có căn cứ khoa học. 

Dù là người chuyên bán đồ gia dụng nhập khẩu, chị Nguyễn Yến Oanh nhấn mạnh nồi, chảo gang có nhiều ưu điểm nhưng cũng rất cầu kỳ trong cách bảo quản, sử dụng, nếu không cẩn thận nồi gang thô có thể bị gỉ sét, nồi gang tráng men có thể trầy xước lớp men.

Chị Oanh khuyên bà nội trợ chỉ nên mua nồi gang khi chắc chắn sẽ sử dụng hết công suất của nó. 

"Nếu bạn là chủ tiệm bánh, food blogger, có thể nên mua một vài chiếc nồi gang nhập khẩu để sử dụng, đồng thời chụp ảnh, quảng cáo cho cửa hàng. Còn với nhu cầu gia đình, tôi cho rằng không cần thiết. Giá thành của sản phẩm đắt, trọng lượng nặng, chức năng trùng với các loại đồ bếp khác như nồi hầm, chảo chống dính... nên không phù hợp sử dụng trong gia đình", chị Oanh chia sẻ.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.