Bởi việc tự học sẽ giúp trẻ luôn tự tin và phát huy được khả năng sáng tạo của mình. Thói quen này là cơ hội tốt để trẻ được rèn luyện trong môi trường năng động.
Thụ động là thói quen không tốt
Bước qua tuổi mầm non trẻ đã phát triển hơn về thể chất và tư duy. Trẻ có nhu cầu tìm hiểu và khám phá nhiều hơn về cuộc sống cũng như các lĩnh vực kiến thức khoa học.
Ở độ tuổi này bên cạnh việc hướng dẫn con học tập, cô giáo và các bậc phụ huynh cần tạo cho trẻ kỹ năng biết độc lập tự giác với thời gian biểu của mình. Nếu không tạo thói quen này ngay từ đầu, trẻ sẽ thụ động, lười suy nghĩ và luôn cần có cha mẹ hay thầy cô đốc thúc.
Trường hợp bé Tùng nhà chị Hương (Khu đô thị Nam Trung Yên) là một ví dụ. Chị cho biết buổi tối chị rất bận rộn, vì sau khi dọn dẹp xong lại phải “đánh vật” với con trai học lớp 3. Mặc dù chỉ có vài bài toán rất đơn giản nhưng con chị không hề động não suy nghĩ.
Thậm chí thường xuyên anh chị phải giục con trai mới mở sách vở ra để học. Những hôm bố mẹ về muộn, cu cậu cũng chẳng lo soạn sách vở theo đúng thời khóa biểu của lớp. Nhiều lúc chị lại nhận được tin nhắn của cô về việc con chị thiếu sách vở và dụng cụ học tập khi đến lớp.
Ngẫm nghĩ ra có lẽ cũng tại từ nhỏ cho đến giờ con trai chị lúc nào cũng có người nhắc nhở hay làm hộ mọi việc nên cu cậu sinh ra ỷ lại không biết tự xoay xở với bản thân.
Tất nhiên bé Tùng không phải trường hợp hiếm gặp. Trên thực tế, rất nhiều trẻ học tiểu học ở Việt Nam không có kĩ năng tự học, cha mẹ thường xuyên phải ngồi học cùng con. Điều này đã tạo ra những đứa trẻ thụ động, dựa dẫm, khó thành công khi học ở các cấp cao hơn.
Trẻ tự học sẽ phát huy sáng tạo
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ không tự tin thậm chí trở nên thụ động trong học tập đó là do được bố mẹ bao bọc quá nhiều. Nhiều gia đình thường dành thời gian buổi tối để “kèm thêm” con, để đảm bảo rằng con đã hoàn thành tốt mọi bài tập được giao.
Tuy nhiên, việc này có thể gây nên hai hậu quả sau: Trẻ thấy thường xuyên có người luôn nhắc nhở để đảm bảo mình hoàn thành bài tập đầy đủ nên không phải lo gì cả. Thậm chí trẻ sẽ nảy sinh cảm giác mình học là cho bố mẹ.
Bên cạnh đó, việc bố mẹ luôn bắc ghế ngồi cạnh để đảm bảo con tập trung làm bài khiến trẻ có tư tưởng đối phó, chúng chỉ học khi có người ngồi cạnh.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển cộng đồng) lo lắng không biết làm thế nào để con tự giác học tập là tình trạng chung của nhiều cha mẹ.
Soạn sách vở hộ con, nhắc con đi học, ngồi học hộ con, lâu dần hình thành thói quen chỉ khi có cha mẹ bên cạnh trẻ mới tập trung được.
Thói quen này khiến cho trẻ gặp nhiều khó khăn trong học tập khi lên cấp 2 và cấp 3. Vì vậy việc giúp con tự giác học tập là một nghệ thuật, cha mẹ cần áp dụng sớm, ngay từ khi trẻ vào lớp Một.
Trao đổi về điều này cô giáo Lê Thị Hậu, Trường Tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Việc tự học tạo cho trẻ hứng thú, hình thành thói quen học tập thường xuyên và suốt đời.
Tự học cũng giúp trẻ hình thành và rèn luyện đức tính tự lập, ít phụ thuộc vào người khác trong cả học tập lẫn cuộc sống. Dạy trẻ tự học bao gồm dạy trẻ một bộ kỹ năng quan trọng như kỹ năng ghi chép, kỹ năng lên lịch học, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng học qua từ điển (đối với việc tự học ngoại ngữ)…
Trong đó ghi chú là một kĩ năng cơ bản mà trẻ cần biết. Việc liên tục ghi chú khi học sẽ giúp trẻ ghi nhớ thông tin lâu hơn, và giúp xây dựng những kĩ năng sắp xếp quý giá.
Chẳng hạn, nếu bạn đang dạy trẻ bài học về các hiện tượng thiên nhiên, giáo viên sẽ hướng dẫn trẻ biết nhận biết sự khác biệt và đưa ra những ví dụ cụ thể về các hiện tượng thiên nhiên diễn ra trong cuộc sống.