Tại sao trẻ chưa ngoan?
Cuộc sống bận rộn khiến nhiều phụ huynh chưa thật chu đáo trong cách giáo dục trẻ. Bên cạnh đó, việc quá nuông chiều con cũng khiến trẻ tự cho mình có quyền đòi hỏi, thậm chí không biết quan tâm tới những người xung quanh mình. Chị Mai Liên ở khu đô thị Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) cảm thấy phiền lòng khi con gái mình năm nay 14 tuổi mà vẫn còn vô tâm.
Công việc hàng ngày một tay chị lo lắng, mỗi khi cần con giúp việc gì chị lại phải nhắc nhở thì con mới tham gia, song cũng không mấy hào hứng. Đáng buồn nhất là những khi nhà có khách con chưa biết ứng xử thế nào cho phải phép. Người lớn nói chuyện con vẫn ngồi nghe thậm chí còn nói leo, bố mẹ nhắc nhiều lần mà vẫn đâu đóng đó. Có lẽ, nguyên nhân sâu xa cũng bởi ngay từ nhỏ con chị đã không được rèn giũa cẩn thận.
Một số phụ huynh khác cũng than thở về việc con chưa biết cư xử lễ phép với người lớn, hay đến những chỗ công cộng ứng xử chưa văn minh mặc dù trước đó cha mẹ căn dặn. Việc xếp hàng mỗi khi phải chờ đợi khiến nhiều trẻ cảm thấy khó chịu, thậm chí nếu có cơ hội trẻ lại tìm cách chen ngang mà không cảm thấy ngại ngần.
Rõ ràng, sự tinh tế trong mỗi hành vi ứng xử của con trẻ phải được dạy dỗ ngay từ lúc còn nhỏ. Những nề nếp sẽ chỉ được hình thành và trở thành thói quen khi được thực hành thường xuyên trong mọi môi trường. Nếu khi nhỏ trẻ không được dạy dỗ theo những quy tắc lịch sự, cũng như cách ứng xử có văn hóa thì sau này trẻ sẽ khó trở thành những con người có lối sống lịch sự như mong muốn. Đặc biệt môi trường sống xung quanh sẽ có tác động không nhỏ tới sự quan sát và cách cư xử của từng đứa trẻ.
Giáo dục con ứng xử có văn hóa
Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương - Trung tâm Cá siêu quậy (Hà Nội), chia sẻ: Muốn con trở thành những đứa trẻ biết ứng xử đúng mực, văn minh, lịch sự, cha mẹ phải luôn quan tâm uốn nắn những hành vi của con. Những điều này nên dạy trẻ càng sớm càng tốt. Trước tiên cha mẹ cần nhắc nhở khi thấy con có thái độ và hành động chưa phù hợp. Nếu cần chấn chỉnh thì cha mẹ cũng nên chấn chỉnh ngay. Cần dạy cho con biết nói những lời cám ơn, xin lỗi cùng cách cư xử với từng tình huống khác nhau.
Để trẻ thực hiện nghiêm túc những điều này, cha mẹ cần xây dựng “luật riêng” để trẻ căn cứ vào đó mà thực hiện. Sau vài ngày nhắc nhở cho con ghi nhớ, chúng ta cần xây dựng luật lệ gia đình. Nếu ai làm sai sẽ bị phạt. Hình thức phạt có thể thiên về tập thể dục như đứng lên ngồi xuống, hít đất, nhảy cao, xa.... Cha mẹ sẽ phổ biến cho toàn thể các thành viên trong gia đình và cảnh báo những ai vi phạm sẽ bị phạt. Vì vậy nên thống nhất trong toàn gia đình trước để mọi người cùng nhớ thực hiện.
Khi trẻ biết nhận thức, cha mẹ cần nói cho con hiểu: Để được mọi người yêu quý và trở thành một đứa trẻ ngoan con hãy đối xử thật tốt với mọi người ở xung quanh con. Thông thường trẻ sẽ nhìn vào những người mà trẻ gần gũi và yêu mến nhất để học theo cách cư xử của người đó. Bởi vậy trong mỗi tình huống cha mẹ cần xử lý một cách khéo léo để con có thể học theo.
Cũng theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương, trong quá trình thực hiện phải tuyệt đối nghiêm túc. Cứ ai sai thì sẽ bị phạt và cần có sự giám sát của những người xung quanh. Các con đều có thể là người giám sát, chắc chắn các con cũng sẽ rất hào hứng về điều này. Cuối cùng cả nhà sẽ cùng nhắc nhở nhau để thực hiện cho thật tốt.