Rèn kỹ năng cho học sinh từ bài toán phân số

GD&TĐ - Phân số là một dạng toán hay và khá hấp dẫn đối với học sinh lớp 6. Mỗi dạng toán, bên cạnh những cách giải đặc trưng còn chứa đựng nhiều cách giải khác liên quan đến các kiến thức khác trong chương trình.

Rèn kỹ năng cho học sinh từ bài toán phân số

Việc giảng dạy mỗi dạng toán giúp giáo viên có nhiều cơ hội để củng cố kiến thức, đồng thời rèn kỹ năng cho học sinh. Những bài toán về tỷ số phần trăm thường rất phong phú và đa dạng, chứa đựng nhiều nội dung của cuộc sống, cung cấp cho học sinh nhiều vốn sống, phát triển tốt các kĩ năng và khả năng tư duy.

Có rất nhiều dạng các bài toán về phân số, tỷ số phần trăm, qua thực tế giảng dạy và nghiên cứu nhiều năm, tôi xin nêu hệ thống một số các dạng bài cơ bản sau đây:

Các bài toán về phân số dạng cơ bản

Với bài toán về tìm giá trị phân số của một số cho trước, yêu cầu học sinh biết cách tìm m/n của một số b cho trước; biết vận dụng cách tính trên vào giải các bài toán về phần trăm; biết giải các bài toán có sự phối hợp giữa tìm tỉ số phần trăm của hai số và tìm giá trị một số phần trăm của một số.

Lưu ý: Giáo viên cần giúp học sinh xác định đúng tỉ số phần trăm của một số chưa biết với một số đã biết để thiết lập đúng các phép tính.

Phải hiểu rõ các tỉ số phần trăm có trong bài toán. Cần xác định rõ đơn vị so sánh (hay đơn vị gốc) để coi là 100 phần bằng nhau hay 100%.

Trong bài toán có nhiều đại lượng, có những đại lượng có thể vừa là đơn vị so sánh, vừa là đối tượng so sánh.

Với bài toán về tìm một số khi biết giá trị một phân số của số đó, yêu cầu chung là biết cách tìm một số khi biết m/n của số đó là a theo hai cách tính như sau: Số cần tìm là a:m.n hoặc a.n:m; biết vận dụng cách tính trên khi giải các bài toán về tỷ số phần trăm; biết giải các bài toán có sự kết hợp cả ba dạng toán cơ bản; biết phân biệt sự khác nhau giữa dạng I và dạng II để tránh nhầm lẫn khi vận dụng.

Sau khi học sinh đã nắm được ba dạng cơ bản của bài toán về tỷ số phần trăm, giáo viên cần tổ chức cho học sinh luyện tập các bài toán tổng hợp cả ba dạng để củng cố cách giải, rèn kĩ năng và phân biệt sự khác nhau của ba dạng bài đó.

Với bài toán về tìm tỷ số phần trăm của 2 số, yêu cầu chung là nắm chắc cách tìm tỉ số phần trăm của 2 số theo hai bước sau:

Bước 1: Tìm thương của hai số đó. Bước 2: Nhân thương đó với 100, rồi viết thêm kí hiệu phần trăm vào bên phải tích vừa tìm được.

Học sinh cũng phải biết đọc, biết viết các tỉ số phần trăm, làm tính với các tỉ số phần trăm; hiểu được các số liệu đơn giản về tỉ số phần trăm.

Một số lưu ý: Giáo viên cần giúp học sinh hiểu sâu sắc về các tỉ số phần trăm; nắm chắc cách tìm tỉ số phần trăm của hai số; có kĩ năng chuyển các tỉ số phần trăm về các phân số có mẫu là 100 trong quá trình giải;

Xác định rõ ràng đơn vị so sánh và đối tượng đem ra so sánh để có phép tính đúng. Xác định đúng được tỉ số phần trăm của 1 số cho trước với số chưa biết hoặc tỉ số % của số chưa biết so với số đã biết trong bài toán.

Các bài toán về phân số dạng không có bản

Dạng 1: Các bài toán về tỉ số phần trăm có chứa các yếu tố hình học.

Dạng 2: Các bài toán về tỉ số phần trăm liên quan đến tỉ lệ nghịch.

Khi giải các bài toán về tỷ số phần trăm dạng không cơ bản giáo viên cần chú ý: Để giải được các bài toán về tỷ số phần trăm liên quan đến các dạng toán điển hình đòi hỏi học sinh phải có kĩ năng biến đổi bài toán đó để đưa về các dạng toán điển hình đã học. Đồng thời, biết làm thành thạo các phép tính với các tỷ số phần trăm và các phép đổi tỷ số phần trăm ra phân số và ngược lại.

Khi thực hiện phép nhân và phép chia hai tỷ số phần trăm học sinh phải biết cách đổi các tỷ số phần trăm đó ra phân số sau đó thực hiện phép nhân, chia các phân số.

Khi giải các bài toán về tỷ số phần trăm dạng hai tỷ số học sinh thường hay mắc phải sai lầm là thiết lập các phép tình không cùng đơn vị. Để khắc phục tồn tại này, khi hướng dẫn học sinh giải giáo viên cần cho các em thảo luận để tìm ra đại lượng không đổi trong bài toán đó. Lấy đại lượng không đổi đó làm đơn vị so sánh để thiết lập tỷ số giữa các đại lượng liên quan với đại lượng không đổi đó.

Giáo viên cũng cần cho học sinh nắm chắc lại một số tính chất của phép cộng và phép trừ hai số như: Tổng hai số không đổi nếu ta thêm vào số này đồng thời bớt ở số kia đi cùng một số như nhau. Hiệu hai số không đổi nếu ta cùng thêm hoặc cùng bớt ở hai số đi một số như nhau.

Để giải được các bài toán phần trăm có chứa các yếu tố hình học nắm chắc các công thức liên quan đến tính chu vi ,diện tích và các yếu tố cạnh của các hình đó

Những lưu ý chung

Toán phân số là một dạng hay và khó có thể giải tốt các bài toán đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức cơ bản. Việc mở rộng và nâng cao kiến thức là cần thiết song trên cơ sở học sinh nắm chắc các yêu cầu cơ bản về kiến thức và kỹ năng của nội dung chương trình đảm bảo không quá tải với học sinh.

Qua thực tế giảng dạy nhiều năm tôi thấy có thể tổng kết được một số bài học kinh nghiệm sau:

Giúp các em phân biệt 3 bài toán cơ bản phân số đặc biệt học sinh hay nhầm lẫn bài toán 2 với bài toán 1. Bài toán 3 liên quan đến % nên hay tính toán sai.

Tổ chức tốt các hoạt động học tập trong các tiết học để học sinh giải quyết tốt các bài tập trong sách giáo khoa.

Thời lượng dành cho luyện tập trong mỗi tiết học chiếm từ 60% - 70% nên ta cần tận dụng để tăng cường thực hành.

Giáo viên giúp học sinh nắm chắc thuộc lòng các quy tắc các công thức mà sách giáo khoa đã cung cấp.

Việc nắm bắt kiến thức của học sinh phụ thuộc vào phương pháp giảng dạy của giáo viên trở thành người tổ chức hướng dẫn các hoạt động học sinh là người tiếp thu hoạt động để tìm tòi kiến thức.

Giáo viên biết lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh của lớp mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ