Tuy nhiên, điều quan trọng trong dinh dưỡng là yếu tố cân bằng. Một bữa ăn bình thường cần đảm bảo đủ 3 thành phần chính: Protein (thịt), Lipid (mỡ), Cacbohydrat (tinh bột).
Ép con ăn, để con vừa ăn, vừa xem tivi hay thiết bị điện tử là tình trạng phổ biến ở nhiều gia đình hiện nay. Theo các chuyên gia đây, những hành vi mà các bậc cha mẹ thường mắc khiến cho bữa ăn của trẻ nghèo nàn và kém hiệu quả, không tạo hứng khởi để trẻ thưởng thức bữa ăn của mình.
Để cơ thể luôn khỏe mạnh
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một chế độ ăn khoa học sẽ giúp cơ thể có được sức khỏe dẻo dai và hạn chế bệnh tật. Dinh dưỡng hợp lý là nguyên tắc sống cần thiết để giữ gìn sức khỏe, bền bỉ, dẻo dai trong lao động và hạn chế nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khi có tuổi.
Theo đó, lao động khiến tiêu hao năng lượng. Đặc biệt, lao động càng nặng, nhu cầu về năng lượng càng cao. Một chế độ ăn thiếu năng lượng sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, năng suất lao động thấp. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ra suy dinh dưỡng, hay còn có tên khoa học là “thiếu năng lượng trường diễn”.
Người thiếu năng lượng trường diễn có sức khỏe kém, năng suất lao động thấp và sức đề kháng với bệnh tật giảm.
Ngược lại, chế độ ăn quá dư thừa năng lượng trong thời gian dài sẽ dẫn tới tình trạng thừa cân béo phì. Người béo phì dễ mắc các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, xơ mỡ động mạch... Vì vậy, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, mỗi người nên cần theo dõi cân nặng thường kỳ để xem mình có bị béo hoặc gầy không?
Đặc biệt, tuỳ vào độ tuổi, mỗi người sẽ cần có chế độ dinh dưỡng khác nhau. Không chỉ riêng người trưởng thành, trẻ nhỏ cũng cần được chú trọng tới chế độ ăn uống. Điều quan trọng là bữa ăn của trẻ luôn cần đáp ứng yêu cầu: Đủ về nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm bột đường, vitamin và khoáng chất.
Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng khác là một chế độ ăn hợp lý. Đối với trẻ em, cha mẹ cần chuẩn bị bữa sáng cho con trước khi bé tới trường. Bởi, bữa sáng cung cấp cho cơ thể năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động buổi sáng, sau một đêm dài bụng đói.
Cha mẹ cần bảo đảm sự cân đối trong từng bữa ăn cho trẻ, chia ra làm bữa sáng, trưa, tối. Nên ăn tối trước khi đi ngủ từ 2 - 3 giờ. Ngoài ra, nước cũng là “chìa khóa” cho một cơ thể khoẻ mạnh, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng. Vì thế, tùy vào độ tuổi của trẻ, phụ huynh cần cho con bổ sung đủ lượng nước cơ thể cần.
Thói quen xấu ảnh hưởng tới dinh dưỡng
Theo các chuyên gia, dinh dưỡng cho trẻ em dưới 3 tuổi có ý nghĩa quan trọng tới sức khỏe và quá trình phát triển của bé. Trong những năm đầu đời, mô, các cơ quan, cũng như sinh lý và tinh thần của trẻ có tốc độ phát triển rất nhanh.
Khi dinh dưỡng của trẻ không đáp ứng đầy đủ, tình trạng chậm phát triển sẽ xảy ra. Bên cạnh đó, những biến đổi về hóa sinh sẽ ảnh hưởng đến cơ thể ở rất nhiều mức độ khác nhau. Do vậy, việc chú ý bổ sung dinh dưỡng đúng cách để trẻ khỏe mạnh và phát triển cân đối là yếu tố vô cùng quan trọng.
Dinh dưỡng là yếu tố hàng đầu quyết định sự phát triển của trẻ. Bé sẽ phát triển khỏe mạnh và thông minh khi được bú sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời vì sữa mẹ giúp cơ thể xây dựng hệ miễn dịch kháng lại bệnh tật.
Theo nhiều nghiên cứu, biếng ăn là tình trạng phổ biến ở trẻ em. Đặc biệt, có tới 30 - 40% trẻ trong độ tuổi từ 1 - 3 bị biếng ăn. Một trong nhiều nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn được cho là do hành vi của cha mẹ. Không ít ông bố bà mẹ có thói quen ép con ăn. Tuy nhiên, hành động này có thể khiến trẻ có thái độ chống đối, hoặc sợ hãi mỗi khi giờ ăn đến.
Bên cạnh đó, việc để con vừa ăn, vừa xem tivi hay thiết bị điện tử cũng là tình trạng phổ biến ở nhiều gia đình hiện nay. Chị Nguyễn Quỳnh Nga (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị thường xuyên cho con xem YouTube khi ăn cơm.
“Từ khi con còn nhỏ, tôi đã cho cháu xem điện thoại trong lúc ăn. Vì vậy, nếu không cho con cầm điện thoại, cháu sẽ không chịu ăn. Tôi cũng không còn cách nào khác”, nữ phụ huynh này cho hay.
Thậm chí, do quá nuông chiều con, nhiều gia đình thường xuyên cho trẻ ăn vặt trước bữa cơm. Tới khi ngồi vào bàn ăn, trẻ không còn hứng thú với bữa chính, bởi đã no bụng.
“Nhiều khi đi học về, con đòi ăn bim bim hoặc kẹo mút. Tôi cũng đáp ứng cho con. Tuy nhiên, lần nào ăn xong, con cũng uể oải khi đến giờ cơm. Vì thế, tôi quyết định không tạo cho con thói quen xấu như vậy. Và kể cả con có khóc đòi ăn vặt trước bữa cơm, tôi cũng kiên quyết không đáp ứng”, anh Mạnh Cường - một phụ huynh có 2 con tại Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ.
Cân bằng chế độ ăn
Bác sĩ Phí Văn Công - Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), nhấn mạnh, để con khỏe mạnh là kết quả từ sự phối hợp giữa nhiều biện pháp. Trong đó, bao gồm vệ sinh tay chân sạch sẽ, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, cũng như các hoạt động vận động thích hợp để trẻ làm quen với môi trường.
Đặc biệt, cha mẹ cần cho con ăn đầy đủ và cân bằng chất dinh dưỡng để trẻ phát triển tốt theo từng độ tuổi.
“Không phải cứ cho con ăn nhiều thịt, cá hay đồ ăn vặt là tốt. Điều quan trọng trong dinh dưỡng nằm ở cân bằng. Một bữa ăn bình thường cần đảm bảo đủ 3 thành phần chính: Protein (thịt), Lipid (mỡ), Cacbohydrat (tinh bột). Ngoài ra cần thêm rau, củ, hoa quả để bổ sung thêm vitamin và uống nhiều nước”, chuyên gia giải thích.
Đối với trẻ ở giai đoạn ăn dặm và trẻ lớn, cha mẹ cần cung cấp cho bé chế độ ăn đầy đủ, cân đối giữa các thành phần dinh dưỡng là chất đạm (thịt, cá, trứng...), tinh bột (gạo, khoai, ngô...), chất béo (dầu, mỡ...), rau củ trái cây và sữa. Chất đạm, chất béo và tinh bột sẽ cung cấp năng lượng cho trẻ.
Các chất dinh dưỡng từ rau quả sẽ giúp cơ thể bé sản xuất kháng thể, tăng cường khả năng miễn dịch như một hàng rào chống lại sự xâm nhập của virus vào cơ thể.
Bác sĩ Công chia sẻ, ngày nay, không ít loại thực phẩm được bổ sung thành phần là các chất giúp tăng đề kháng tự nhên. Tuy nhiên, điều đáng ngại hiện nay là thói quen ăn vặt.
“Nhiều người đang cho con mình ăn vặt quá nhiều. Nào bim bim, nước ngọt, kẹo, bánh… Trẻ nhỏ rất thích những đồ này. Nhưng chúng đều không tốt cho sức khỏe. Khi đó, dạ dày thường xuyên phải làm việc. Nếu lúc nào cũng ở trạng thái có đồ ăn, thì làm sao con có cảm giác đói, làm sao con thấy thèm ăn?”, bác sĩ Công cho hay.
Theo chuyên gia này, vào mùa đông, nhu cầu năng lượng của trẻ cao hơn. Trong số các thành phần chính cần có, các loại rau củ phải chiếm 20% khẩu phần ăn. Lý do là bởi, trong rau quả có nhiều chất xơ. Chúng có tác dụng kích thích nhu động ruột, điều hòa hệ vi sinh đường ruột, giảm táo bón và tăng đào thải “mỡ xấu”.
Không ít phụ huynh than phiền rằng, trẻ thường bị táo bón vào mùa đông. Bác sĩ Công lý giải, chất xơ là cụm từ hầu hết ai cũng nghe rất nhiều. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu chất xơ là gì.
“Chất xơ là chất mà bình thường cơ thể con người không tiêu hóa được. Nó đi vào ruột non, rồi đi qua ruột già, thải ra ngoài qua phân. Quá trình đó, chất xơ không được tiêu hóa, cũng không được hấp thu, nhưng lại làm tăng nhu động ruột khiến mọi người đi vệ sinh đều hơn.
Đồng thời, chất xơ là môi trường kích thích lợi khuẩn đường ruột phát triển. Từ đó hạn chế các vi khuẩn có hại của đường ruột, giảm thiểu nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch ruột của cơ thể. Nhìn chung, chất xơ vô cùng tốt”, chuyên gia giải thích.
Chất xơ có mặt ở nhiều loại rau, củ, quả như: Cam, táo, lê, bắp cải, bí đỏ, súp lơ xanh hay các loại đỗ… Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng ưa thích rau, củ quả. Vì vậy, bác sĩ Công gợi ý, cha mẹ có thể cho con bổ sung một số loại sữa chua nước.
Hiện nay, không ít sữa chua nước được bổ sung thêm Inulin - một dạng chất xơ.
Chuyên gia này chia sẻ, một số loại sữa chua uống có đầy đủ năng lượng tương tự như hầu hết các loại sữa trẻ nhỏ đang dùng. Cha mẹ có thể lựa chọn những loại sữa chua uống hạn chế lượng đường vào cơ thể, bổ sung thêm các vitamin và những khoáng chất khác. Những vitamin và khoáng chất này giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng cường chuyển hóa năng lượng, kích thích trẻ ăn ngon hơn.
Bác sĩ Phí Văn Công chia sẻ, cha mẹ cũng cần chú trọng tới việc bổ sung các loại vitamin và canxi. Chuyên gia này khuyến cáo, trẻ dưới 6 tháng tuổi cần 200 mg canxi/ngày: Toàn bộ lượng canxi này có đủ trong sữa mẹ. Nên trẻ bú mẹ hoàn toàn không cần bổ sung thêm canxi, chỉ cần bổ sung 400 UI vitamin D3/ngày để hấp thu được lượng canxi đó từ ruột vào cơ thể.
Trong khi đó, trẻ 6 - 11 tháng cần 260 mg canxi/ngày. Trẻ 1 - 3 tuổi cần 700 mg canxi/ngày. Trẻ 4 - 8 tuổi cần 1000 mg canxi/ngày. Lượng canxi một ngày trẻ từ 9 - 18 tuổi cần là 1.300 mg.