Rau má quý giá như tình mẹ

Rau má cũng là một loại dược thảo có nhiều sinh tố, khoáng chất, những chất chống ôxy hóa, có thể dùng để dưỡng âm, cải thiện trí nhớ, làm chậm sự lão hóa...

Rau má quý giá như tình mẹ

Rau má là cây nhỏ, mọc bò, thân rất mảnh, lá mọc so le - thường tụ họp 2-5 lá ở một mấu, mép khía tai bèo. Rau má còn có tên là tích tuyết thảo.

Phiến lá có gân dạng lưới hình chân vịt, Hoa mọc ở kẽ lá, Cánh hoa màu đỏ hoặc tía. Theo y học cổ truyền, rau má có vị đắng, hơi ngọt, tính bình, có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu...

Nước sắc từ lá rau má có tác dụng hạ huyết áp. Nước sắc này cũng được coi là một loại thuốc bổ dưỡng để có sức khỏe tốt (tăng trí nhớ, thị lực vì rau má có tác dụng sát trùng giải độc, thanh nhiệt lương huyết).

Ngoài ra, rau má cũng là một loại dược thảo có nhiều sinh tố, khoáng chất, những chất chống ôxy hóa, có thể dùng để dưỡng âm, cải thiện trí nhớ, làm chậm sự lão hóa, cải thiện vi tuần hoàn và chữa nhiều chứng bệnh về da.

Loại thuốc đắp từ lá rau má cũng được dùng để điều trị những chỗ đau, hạ sốt. Thường được dùng trong điều trị các chứng phù; viêm thanh quản, tĩnh mạch, phế quản; các bệnh trĩ, phong, chàm hay vảy nến; giải ngộ độc sắn và lợi tiểu.

Trong Đông y, rau má thường được phối hợp với đậu đen hoặc mè đen chế làm thuốc bổ dưỡng cho trẻ em, người già hoặc người ốm mới dậy.

Chữa cảm nắng, say nắng: Rau má tươi 60g, hương nhu 16g, lá tre 16g, lá sắn dây 16g. Nước 600ml. Sắc còn 300ml, chia uống 2 lần trong ngày, uống nóng.

Giải nhiệt, mát gan: Rau má 200g, nhân trần 100g, lá đinh lăng 200g, cam thảo 100g. Các dược liệu đều ở dạng khô. Cách dùng: Các vị thuốc sao giòn tán vụn trộn đều, bảo quản trong bình kín tránh ẩm. Ngày dùng 30 - 40g. Hãm với nước sôi, sau 10 phút có thể dùng được. Uống thay trà trong ngày có công dụng thanh nhiệt, nhuận gan, chống khát.

Hạ sốt: Lấy 30g rau má tươi, rửa sạch, giã nát, thêm nước sôi để nguội, vắt lấy nước, rồi hòa 10g bột sắn dây, thêm đường uống.

Chữa ho, viêm họng: Rau má rửa sạch, giã vắt lấy nước cốt đặc, hòa thêm với đường cho dễ uống. Trẻ em ngày hai lần, mỗi lần ½ bát ăn cơm; người lớn uống ngày hai lần, mỗi lần một bát ăn cơm. Uống liên tục 5 đến 7 ngày.

Giải độc khi bị say sắn: Rau má một nắm, lấy cả rễ rửa sạch, giã nát, hòa với nước ấm cho bệnh nhân uống, sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị.

Chữa mụn nhọt: Rau má và lá gấc mỗi thứ 50g rửa thật sạch, giã nhỏ, cho ít muối vào trộn đều, đắp lên chỗ đau rồi băng lại, ngày thay thuốc 2 lần, đắp cho đến khi khỏi.

Đối với da, nhiều công trình nghiên cứu và kết quả lâm sàng đều cho thấy dịch chiết rau má có khả năng kích hoạt các tiến trình sinh học trong việc phân chia tế bào và tái tạo mô liên kết, giúp vết thương chóng lành và mau lên da non.

Hiện nay, rau má được sử dụng rất đa dạng dưới hình thức thuốc tiêm, thuốc bột, thuốc mỡ để điều trị tất cả các chứng bệnh về da như vết phỏng, vết thương do chấn thương, giải phẫu, cấy ghép da, vết lở lâu lành, vết lở do ung thư, bệnh phong, vảy nến...

Những nghiên cứu gần đây cho rằng rau má chứa nhân tố trường thọ gọi là “vitamin X trẻ trung” có tác dụng bổ dưỡng cho não, các tuyến nội tiết; đồng thời xác nhận nước chiết từ rau má giúp cải thiện các vấn đề về hệ tuần hoàn và da.

Trên thực tế, rau má tác động lên hệ thần kinh trung ương, làm giảm căng thẳng, tăng cường khả năng tập trung tư tưởng, giúp cải thiện trí nhớ người già.

Người ta cho rằng dịch chiết rau má có hiệu quả tốt với bệnh Alzheimer nhờ những dẫn xuất của chất asiaticoside có khả năng bảo vệ tế bào thần kinh khỏi tác động của các độc tố beta-amyloid.

Đối với tuần hoàn huyết, những hoạt chất của rau má có tác dụng cải thiện vi tuần hoàn ở các tĩnh mạch, mao mạch, bảo vệ lớp áo trong của thành mạch và làm gia tăng tính đàn hồi của mạch máu.

Theo Nông Nghiệp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ