Thói quen cần thay đổi
Ngay sau giao thừa, người dân khắp nơi trên cả nước bắt đầu đổ về các đền, chùa, chốn tâm linh với mong muốn cầu mong cho một năm mới được bình an, may mắn, công việc làm ăn suôn sẻ. Ngoài đồ lễ, hương, hoa quả… rất nhiều tiền lẻ có mệnh giá: 500, 1.000, 2.000, 5.000 đồng cũng được mọi người mang theo như “vật bất ly thân”. Thay vì bỏ tiền trực tiếp vào hòm công đức, nhiều người lại cài cắm khắp mọi nơi, một cách vô tội vạ, từ các ban thờ, bàn tay Phật, cành cây, mái nhà…
Nói về vấn này TS Mĩ học Thế Hùng - Nguyên giảng viên Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đi lễ chùa là nét đẹp văn hóa từ xưa của người Việt, nhưng có không ít người đi lễ chùa với ý thức và thái độ chưa chuẩn mực. Họ vô tình trần tục hóa những điều tâm linh. Họ vẫn giữ quan niệm sai lầm là phải đặt tiền lẻ vào càng nhiều nơi thì Phật mới chứng giám lòng thành và ban cho nhiều bổng lộc.
“Thói quen mọi người gài tiền lên các ban, vào tay tượng, cành - gốc cây, mái nhà… là rất phản cảm, không đúng với văn hóa tín ngưỡng của người Việt, cần phải thay đổi. Người hiểu đạo Phật sẽ không làm thế, vì thói quen này không khác gì việc dùng tiền làm phương tiện để mua bán, trao đổi có điều kiện với Thần, Phật. Nếu mọi người có tâm muốn đóng góp cho nhà chùa hãy bỏ thẳng vào hòm công đức hoặc gửi ban quản lý đền chùa ghi sổ công đức. Đây mới là hành động văn minh, có văn hóa, đồng thời tránh được những hành động chen lấn, xô đẩy, cố gài, nhét tiền gây phản cảm tại các đền chùa như hiện nay…” - TS Thế Hùng nói.
Làm gì để loại thói quen xấu?
Tại Hội nghị Triển khai công tác tổ chức lễ hội năm 2019 được Bộ VH,TT&DL tổ chức mới đây, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, công tác tổ chức lễ hội những năm qua đã có những chuyển biến tích cực, nhưng một số hiện tượng xấu vẫn chưa khắc phục triệt để, như tình trạng đổi tiền lẻ mệnh giá thấp đi lễ chùa với chênh lệch cao. Nhiều hình ảnh phản cảm, chưa đẹp của những người đi lễ như: Tình trạng chen lấn, xô đẩy, để đặt tiền lẻ, tiền công đức không đúng nơi quy định vẫn thường xảy ra.
Những năm qua, Bộ VH,TT&DL đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia lễ hội, đặc biệt là sử dụng tiền mệnh giá nhỏ để đi lễ. Cụ thể, nhiều năm gần đây, vào dịp Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã không phát hành những loại tiền mệnh giá nhỏ 1.000, 2.000 và 5.000 đồng. Việc làm này được đang xem là một giải pháp tình thế, góp phần hạn chế việc người dân sử dụng tiền lẻ không đúng mục đích. Nhưng xem ra nạn rải tiền lẻ ở các đền chùa vẫn chưa mấy thuyên giảm.
TS Thế Hùng cho rằng, việc rải tiền lẻ ở đền chùa, những chốn linh thiêng dường như đã ăn sâu vào tâm trí của mỗi người đi lễ nên rất khó loại bỏ. Họ cảm thấy không yên lòng khi đi lễ mà chỉ đi bằng cái tâm và hai bàn tay không. Nếu không bỏ một chút tiền lên chỗ nọ, ban kia e sợ bị thánh thần quở phạt, hay những gì mình cầu nguyện sẽ không linh nghiệm.
“Để hoạt động tín ngưỡng đúng với bản chất, không bị bóp méo, biến dạng rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc, nghiêm cấm, xử lý nghiêm việc đổi tiền lẻ thu phí tại các đền chùa. Đồng thời, các đền chùa cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo, nhắc nhở người dân không nên rải tiền lẻ ở những nơi không đúng quy định. Tuy nhiên, nếu chỉ các cơ quan chức năng, các cấp ngành cố gắng, nhưng ý thức và thói quen mỗi người đi lễ không thay đổi thì để loại bỏ nạn rải tiền lẻ chốn đền chùa, chốn linh thiêng sẽ rất khó…” - TS Hùng nhấn mạnh.