Hiện nay, Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định chế độ làm việc của giáo viên tiểu học là 28 tiết/tuần; bên cạnh đó thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và các hoạt động giáo dục khác giáo viên phải tham gia nhiều, nên quy định định mức 1,5 giáo viên/lớp là không phù hợp và không thể thực hiện được. Quy định này dẫn đến tình trạng giáo viên phải làm việc vượt định mức, trong khi ngân sách địa phương khó đáp ứng việc chi trả tăng giờ cho giáo viên. Cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT khẩn trương xây dựng văn bản và ban hành hướng dẫn khung danh mục vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc mới để địa phương thực hiện.
Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ chỉnh sửa định mức giáo viên/lớp được quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT để phù hợp với việc triển khai đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế của từng vùng, miền.
Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 106/2020/NĐ-CP, Chính phủ giao thẩm quyền cho Bộ Nội vụ ban hành danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung và vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập. Các Bộ quản lý viên chức chuyên ngành chỉ hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý. Do đó, việc ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 16 cần căn cứ vào hướng dẫn về danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung và vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ của Bộ Nội vụ. Tại thời điểm hiện nay, Bộ Nội vụ chưa ban hành hướng dẫn nêu trên.