(GD&TĐ) - Năm 2013, Bộ GD&ĐT đang rà soát các ngành đào tạo ĐH thuộc tất cả các cơ sở giáo dục ĐH trong cả nước. Dự kiến sẽ rà soát khoảng trên 2.000 ngành đào tạo trình độ ĐH. Ông Bùi Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại.
Như vậy là Bộ GD&ĐT kiên quyết “nói không” với những cơ sở đào tạo không đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu để đảm bảo chất lượng, thưa ông?
Bùi Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) |
Ông Bùi Anh Tuấn: Đúng vậy, nếu trong quá trình rà soát, cơ sở đào tạo nào không đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu để đảm bảo chất lượng theo quy định thì bước 1 sẽ phải dừng tuyển sinh và nếu không có biện pháp khắc phục thì bước 2 là thu hồi quyết định giao nhiệm vụ mở ngành đào tạo.
Năm học 2010 - 2011, Bộ GD&ĐT đã tiến hành rà soát các chương trình đào tạo tiến sĩ và đến đầu năm 2013, Bộ đã ra quyết định dừng 57 chương trình đào tạo của 27 trường ĐH, học viện và viện nghiên cứu. Năm 2012, bắt đầu triển khai rà soát các chương trình đào tạo thạc sĩ và đến cuối năm 2012, Bộ GD&ĐT đã quyết định dừng tuyển sinh 161 ngành/chuyên ngành đào tạo thạc sĩ không đáp ứng yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định.
Năm nay, dự kiến trên 2.000 ngành đào tạo trình độ đại học thuộc tất cả các cơ sở giáo dục ĐH trong cả nước sẽ được rà soát. Theo kế hoạch, công việc này sẽ tiếp tục trong năm 2014 với đối tượng là các ngành đào tạo trình độ cao đẳng.
Ngoài động thái quyết liệt này, Bộ GD&ĐT có thêm giải pháp gì để đảm bảo chất lượng giáo dục?
Thực tế cũng cho thấy việc đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng trong đào tạo có ý nghĩa quan trọng, quyết định tới chất lượng đào tạo. Để đảm bảo thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định, Bộ GD&ĐT đã tiến hành rà soát, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng tập trung vào điều kiện đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất. Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ GD&ĐT có giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng.
Thêm nữa, một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo chất lượng giáo dục là thực hiện kiểm định. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã hoàn hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác kiểm định và đang triển khai kế hoạch xây dựng một số trung tâm kiểm định độc lập. Bộ GD&ĐT cũng khuyển khích các trường đại học nghiên cứu, áp dụng tiêu chuẩn kiểm định của AUN (Asean University Network).
Khuyến khích các trường đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao |
Một thực trạng tồn tại hiện nay là nhiều ngành nghề đã dư thừa lao động, bên cạnh đó, có những ngành nhu cầu nhân lực rất cao, thậm chí có ngành cần đào tạo đón đầu. Bộ GD&ĐT có giải pháp gì để tạo sự cân bằng nhân lực cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực đi trước một bước so với phát triển kinh tế?
Trong quy hoạch mạng lưới các trường cũng điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo theo tỷ lệ phần trăm hợp lý như đối với các ngành nghề kinh tế, xã hội, công nghệ kỹ thuật, y, dược, sư phạm.
Trong quá trình điều hành thực tiễn, Bộ GD&ĐT đã có những giải pháp cụ thể trong việc mở ngành của các trường ĐH, CĐ, có định hướng trong mở ngành mới, đồng thời có cảnh báo xã hội về thực tế thừa, thiếu nhân lực trong từng lĩnh vực.
Ví dụ như việc cảnh báo liên tục nguy cơ thừa nhân lực của các khối ngành kinh tế, tài chính - ngân hàng, kế toán - kiểm toán thực hiện từ năm 2011 đã đạt được hiệu quả nhất định trong nhận thức của lãnh đạo các trường và của xã hội. Từ năm 2011 - 2013, số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các khối ngành này có xu hướng giảm liên tiếp khoảng 10% mỗi năm. Đồng thời GD&ĐT đã thông báo dừng mở mới các ngành kinh tế, tài chính - ngân hàng, kế toán - kiểm toán, khuyến khích các trường đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực để mở các ngành thuộc khối công nghệ, kỹ thuật, nông - lâm, thủy sản, xây dựng...
Để việc chuẩn bị nguồn nhân lực đi trước một bước so với phát triển kinh tế, Bộ GD&ĐT cũng triển khai đề án đào tạo nguồn nhân lực cho một số ngành nghề đặc thù để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai hoặc đáp ứng nhu cầu của xã hội. Ví dụ như đào tạo nhân lực ngành năng lượng nguyên tử, ngành thương mại điện tử, ngành công trình biển, ngành hộ sinh...
Bộ GD&ĐT cũng có chủ trương hỗ trợ, tạo điều kiện cho một số trường đại học phát triển ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng, của một số khu kinh tế. Ví dụ như hỗ trợ Trường ĐH Hà Tĩnh phát triển ngành đào tạo về kỹ thuật, công nghệ, kinh tế... đào tạo nhân lực cho khu kinh tế Vũng Áng; hỗ trợ một số trường đại học xây dựng và phát triển ngành thương mại điện tử,...
Đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo là yếu tố quan trọng hàng đầu trong giáo dục đại học |
Bên cạnh những công việc cụ thể nói trên, liệu có cần đến những giải pháp đặc biệt để tạo sự đột phá?
Bộ GD&ĐT cũng có giải pháp tạo sự đột phá trong từng lĩnh vực, ngành nghề cụ thể. Sự thành công của những ngành này kéo theo sự tiến bộ của các ngành khác và có sức lan toả rộng trong toàn bộ hệ thống.
Một số trường đã được thí điểm đào tạo kỹ sư chất lượng cao hay các chương trình đào tạo chất lượng cao từ nhiều năm qua. Những chương trình này cũng được cho phép thu học phí cao hơn so với các chương trình đào tạo thông thường khác.
Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai thực hiện chương trình tiên tiến. Hiện nay, cả nước có 35 chương trình tiên tiến được thực hiện ở 23 trường ĐH. Các chương trình tiên tiến được xây dựng và tổ chức đào tạo dựa vào chương trình và cách thức tổ chức đào tạo của các trường đại học của một số nước tiên tiến trên thế giới. Bên cạnh việc đào tạo, đề án chương trình tiên tiến còn hỗ trợ cho các trường tiếp nhận công nghệ đào tạo, chuyển giao cho các trường, khoa, ngành đào tạo khác.
Hiện đang triển khai 2 dự án xây dựng và phát triển trường ĐH xuất sắc (Trường Đại học Việt Đức, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội). Hai trường đại học này được triển khai và đi vào hoạt động theo mô hình đại học đạt trình độ quốc tế với sự trợ giúp của chính phủ và các trường đại học của Đức, Pháp.
Mô hình “Giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng - Profession Oriented Higher Education - POHE” cũng được triển khai tại 8 trường đại học lớn trên cả nước với nguồn tài trợ từ Chính phủ Hà Lan đang nhận được hưởng ứng lớn từ phía doanh nghiệp. Mặc dù, chương trình ban đầu chỉ được xây dựng cho một số ngành cụ thể theo hướng tăng cường năng lực thực hành đáp ứng với nhu cầu sử dụng lao động ngay sau khi tốt nghiệp. Ngoài 8 trường là đối tượng thụ hưởng của Chương trình, hiện nay cũng đã có 10 trường khác đã học tập mô hình này để phát triển các chương trình đào tạo của nhà trường.
Cuối cùng, bên cạnh việc rà soát để chấn chỉnh, Bộ GD&ĐT có biện pháp nào để giúp đỡ các trường?
Bộ GD&ĐT không chỉ tập trung vào kiểm tra, rà soát, mà còn rất quan tâm đến đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý trong các trường. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang thực hiện đề án đào tạo giảng viên đạt trình độ tiến sĩ (Đề án 911) cho các trường trong cả nước không phân biệt trường công lập hay ngoài công lập. Đề án có mục tiêu cụ thể để số lượng giảng viên đạt trình độ tiến sĩ sẽ được nâng lên từ con số 10% ở giai đoạn hiện tại đến 23% vào năm 2020.
Bộ cũng quan tâm và khuyến khích các nhà trường đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, thực hiện chuyển giao công nghệ đào tạo, nâng cao năng lực của các nhà trường.
Hiếu Nguyễn (thực hiện)