Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục – ĐH Đà Nẵng có nhiệm vụ: Tổ chức các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục cho các cơ sở giáo dục thuộc các cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân và các chương trình giáo dục của các trường; Cung cấp các dịch vụ tư vấn thực hiện cải tiến chất lượng sau kiểm định chất lượng cho cơ sở giáo dục; Triển khai hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ dảm bảo chất lượng của cơ sơ giáo dục đại học, TCCN và đội ngũ kiểm định viên; Tư vấn, tập huấn nâng cao hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của các cơ sở giáo dục và TCCN để đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục; Thực hiện các dự án, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ về lĩnh vực đánh giá chất lượng giáo dục, đảm bảo đánh giá chât lượng; Thiết lập quan hệ và tham gia các tổ chưc kiểm định chất lượng giáo dục của khu vực và quốc tế.
Phát biểu tại Lễ công bố quyết định thành lập và cấp phép hoạt động cho Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục – ĐH Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Việc đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) là một hoạt động quan trọng không thể thiếu trong kế hoạch đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học theo tinh thần của Nghị quyết 29”.
Theo phân tích của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, các cơ sở giáo dục đào tạo ĐH phải công khai chất lượng chương trình đào tạo và cơ sở đào tạo để cho người học, nhà tuyển dụng và xã hội biết để tham gia hoạt động tuyển dụng SV tốt nghiệp. Nhưng phổ chất lượng của giáo dục không phải là đồng nhất mà dao động từ tối thiểu có thể chấp nhận được và ở những mức cao hơn tùy theo năng lực các nhà trường.
Chính vì vậy, cần có sự phân biệt rõ ràng, công khai, minh bạch bằng cấp của các trường; trường nào chất lượng cao, chất lượng thấp, đủ tiêu chuẩn, không đủ tiêu chuẩn đều phải công bố cho xã hội biết.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc công nhận chứng chỉ, văn bằng để trao đổi SV giữa các nước cần phải có thước đo chung; nếu không được kiểm định bằng những tiêu chí chung được thế giới công nhận thì rất khó để chuyển đổi. Với việc ra đời Cộng đồng kinh tế ASEAN, để đáp ứng yêu cầu thị trường nhân lực chung của khối, Bộ GD&ĐT đã xây dựng khung chương trình quốc gia để có sự tương tích chuẩn đào tạo trong khu vực nhằm thuận lợi trong trao đổi SV, công nhận chứng chỉ, văn bằng.
Ở góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: Việc kiểm định chất lượng giáo dục là yêu cầu bắt buộc và cũng là cơ sở để phân tầng, xếp hạng các cơ sở đào tạo trong cả nước để nhà nước có những chính sách đầu tư, hỗ trợ cần thiết theo yêu cầu, chất lượng đào tạo nhân lực.
Hiện nay, cả nước có 203 học viện, trường ĐH; 207 trường CĐ và 142 trường TCCN đã hoàn thành việc đánh giá trong. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, đây là cơ sở quan trọng để thực hiện đánh giá ngoài và kiểm định chất lượng.
“Sắp tới, các trường đều phải qua KĐCLGD, Bộ GD&ĐT sẽ có chế tài để buộc các trường thực hiện KĐCL, nếu không sẽ bị từ chối rất nhiều quyền lợi khác. Trong bối cảnh công khai chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế như hiện nay, các trường không KĐCLGD khó mà tồn tại được vì người học và nhà tuyển dụng sẽ quay lưng với chương trình đào tạo và sản phẩm đào tạo của trường. Chính vì vậy, KĐCLGD vừa là quyền lợi của nhà trường, vừa là yêu cầu bức bách của sự đổi mới của ngành” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.
Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành tiêu chí Bộ kiểm định cơ sở đào tạo, sắp tới đây, trong năm 2017, sẽ tiếp tục ban hành tiêu chí Bộ kiểm định các chương trình đào tạo.
Hiện nay cả nước có hơn 3.000 chương trình đào tạo đang đào tạo ở các trường nhưng mới chỉ có 61 chương trình đào tạo đã được kiểm định với các đơn vị kiểm định quốc tế. Số lượng các chương trình đào tạo cần được kiểm định là rất lớn. Mới chỉ có 5 trường ĐH được kiểm định trong số 250 trường ĐH, 450 trường CĐ trong cả nước.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga lưu ý: “Bộ GD&ĐT đã làm hết sức khẩn trương nhưng cũng thận trọng vì mới mẻ. Bộ sẽ công khai tất cả danh sách các trường đã được kiểm định để xã hội, người học và nhà tuyển dụng được biết. Trong bối cảnh cạnh tranh tuyển sinh và tuyển dụng gay gắt như hiện nay, các trường cần lưu ý đầu tư cải thiện điều kiện CSVC của mình cho đầy đủ, đảm bảo các tiêu chí kiểm định sao cho đạt yêu cầu”.
Với các Trung tâm kiểm định, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh, cần cân nhắc khi cấp giấy chứng nhận cho một chương trình đào tạo, một cơ sở đào tạo bởi “đây là quyết định rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của một trường, vì vậy phải cẩn trọng, đạt là đạt mà không đạt là không đạt, không có sự du di”.
PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Phó GĐ ĐH Đà Nẵng, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục – ĐH Đà Nẵng - cam kết sẽ hoạt động theo đúng tôn chỉ công bằng, trung thực, chất lượng, chuyên nghiệp và uy tín.