Ra mắt tập truyện ký về hồi ức những ngày chiến đấu trên đất thép

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 24/4, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức buổi ra mắt và tọa đàm về tác phẩm “Tôi được sống” của tác giả Nguyễn Ngọc Hiến.

Tác phẩm "Tôi được sống" của tác giả Nguyễn Ngọc Hiến.
Tác phẩm "Tôi được sống" của tác giả Nguyễn Ngọc Hiến.

Đạo diễn, thương binh Nguyễn Ngọc Hiến, nguyên Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu (TPHCM), sinh năm 1942, quê ở Quảng Ngãi.

Ông là cựu học sinh miền Nam khóa đầu trên đất Bắc. Trưởng thành tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ông đã 2 lần vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu ở chiến trường khốc liệt, vùng Đất thép Củ Chi.

Thông tin tại buổi ra mắt, nhà văn Trầm Hương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cho biết, “Tôi được sống” gồm 3 phần: Phần ký gồm 10 bút ký đầy chi tiết sinh tử ở chiến trường những năm tháng khốc liệt, đặc biệt ở vùng Củ Chi “đất thép” với nhiều chi tiết sống động.

Phần truyện gồm 3 truyện ngắn nói về những hy sinh, nghĩa tình đồng đội, phảng phất tình yêu trong trẻo của những thanh xuân chiến trường, nghĩa tình đồng bào vì sự nghiệp chung mà hy sinh cả ngôi nhà của mình, gian lao mà đầy lạc quan, vững niềm tin vào ngày chiến thắng….

Khách mời giao lưu tại buổi ra mắt sách.

Khách mời giao lưu tại buổi ra mắt sách.

Phần hồi ức về học sinh miền Nam gồm 5 câu chuyện và trích đoạn Nhật ký vượt Trường Sơn, một bài thơ “Hãy kể mãi về Trường Sơn” và rất nhiều hình ảnh tư liệu minh họa- những bức ảnh có thể nói như tư liệu bảo tàng về chiến tranh.

Cuộc chiến đấu của các chiến sĩ và nhân dân trên đất lửa Củ Chi, Tây Ninh trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt được kể lại chi tiết, sống động trong tác phẩm. Một phần của lịch sử ở lại trong trang viết của đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến.

Theo chia sẻ của tác giả Nguyễn Ngọc Hiến, những năm tháng công tác và chiến đấu ở chiến trường gian khổ ác liệt, bản thân được chứng kiến và được trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng của chiến sĩ và nhân dân Việt Nam. Hàng ngàn chiến sĩ du kích cán bộ và nhân dân đã hy sinh. Đội du kích xã An Tịnh thời kỳ năm 1970 lúc tác giả về đó viết bài đã hy sinh hết, không còn một ai.

Tác giả Nguyễn Ngọc Hiến nhấn mạnh: “Chúng tôi được nhân dân che chở để bám trụ và cứu sống khi bị thương. Công ơn trời biển và thầm lặng đó của các mẹ, các chị, của chiến sĩ và nhân dân miền Nam ngày ấy cần được mãi ghi nhớ, tri ân”. Đó cũng là lý do khiến ông cầm bút viết hồi ký ở tuổi 80.

Nhận xét về tác phẩm, nhà văn Hoài Hương (Hội Nhà văn TPHCM) cho biết: “Với lối viết mộc mạc, chân phương, “Tôi được sống” mang chất tư liệu bảo tàng rất “sống” và “nóng”. Tác phẩm ngồn ngộn chi tiết về một góc cuộc chiến cam go, quyết liệt ở vùng Đất Thép Củ Chi trong chiến tranh mà lâu nay, có ít tác phẩm đề cập đến”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ