Tham gia lễ giới thiệu dự án có bà Naula O’Brien – Phó đại sứ Đại sứ quán Ireland, đại diện của trường Đại học Sư Phạm, Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn cùng đại diện của các trung tâm, mái ấm đang cung cấp các dịch vụ/hoạt động hỗ trợ NKT tại Tp. HCM và đông đảo các bạn sinh viên khuyết khuyết tật đang học tại các trường trên địa bàn thành phố.
Dự án nhằm mục đích tạo ra những dịch vụ hỗ trợ sinh viên khuyết tật tốt nhất. Đến thời điểm hiện tại, đây là dự án hỗ trợ sinh viên khuyết tật đầu tiên tại Tp Hồ Chí Minh, được tổ chức bài bản và có sự phối hợp giữa các trường Đại học (Dự án thí điểm tại trường Đại học Khoa học xã hội - Nhân văn và trường Đại học Sư Phạm Tp. HCM).
Qua 10 năm hoạt động thông qua các hình thức hỗ trợ khác nhau, DRD vẫn nhận thấy hầu hết sinh viên khuyết tật vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức khi tham gia học tập tại các trường ĐH, CĐ như: cơ sở hạ tầng không thuận tiện, thủ tục xin miễn giảm học phí, miễn giảm môn học phức tạp, thiếu các phương tiện, công cụ để tìm các tài liệu bằng chữ nổi hoặc âm thanh, hoặc thiếu sự kết nối với các nhà tuyển dụng trong việc thực tập hoặc xin việc.
Nhiều trường ĐH, CĐ tại Việt Nam hiện giờ vẫn chưa có dịch vụ dành riêng hỗ trợ sinh viên khuyết tật, khiến cho nhiều sinh viên gặp nhiều khó khăn, rất nhiều trường hợp phải bỏ nửa chừng dù khả năng học tập rất tốt.
Mục tiêu tổng thể của dự án nhằm nâng cao năng lực cho sinh viên khuyết tật, tăng cường sự tham gia và đóng góp đầy đủ của các bạn vào xã hội một cách bình đẳng như những công dân khác thông qua việc thiết lập các điều kiện thiết yếu, các trợ giúp giảng dạy, dụng cụ hỗ trợ học tập chưa có sẵn trong ngành giáo dục nhưng lại cần thiết cho sinh viên khuyết tật. Để có thể đạt được mục tiêu trên một cách hiệu quả, DRD sẽ tiếp tục ứng dụng mô hình hỗ trợ dựa vào quyền; ứng dụng công tác xã hội và phát triển dựa vào nguồn lực cộng đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Naula O’Brien – Phó đại sứ đại sứ quán Ireland - cho biết: “Hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam tham gia bình đẳng vào cộng đồng và nhận ra khả năng tiềm ẩn của họ là một mục tiêu quan trọng của Irish Aid tại Việt Nam. Irish Aid tin rằng trao quyền có nghĩa là tạo ra một môi trường hòa nhập không rào cản đối với người khuyết tật; có nghĩa là tiếng nói của người khuyết tật được lắng nghe và có những điều chỉnh hợp lý thì sẽ tạo được sự thay đổi mạnh mẽ từ phía người khuyết tật và cộng đồng. Không có bất kì ai bị lãng quên hay không được nhìn nhận đúng với giá trị của mình”
Còn bà Lưu Thị Ánh Loan – Quyền giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) - chia sẻ: “Trong quá trình làm việc và tiếp xúc với sinh viên khuyết tật, chúng tôi đồng cảm với những thách thức của các em từ việc tiếp cận lớp học hằng ngày đến việc tìm tài liệu học tập, thi cử, và ngay cả rèn luyện các kỹ năng xã hội nhằm giúp các em có nhiều cơ hội việc làm khi ra trường.
Xuất phát từ những nhu cầu này, chúng tôi thiết kế dự án “Tiếp cận giáo dục cho sinh viên khuyết tật,” với mong muốn tăng cường sự tham gia của sinh viên khuyết tật không chỉ trong môi trường giáo dục mà còn tham gia các hoạt động xã hội. Các em sinh viên khuyết tật là những người biết rõ nhu cầu, thách thức của mình để chia sẻ với bạn bè và giảng viên. Đồng thời, chia sẻ hướng giải quyết phù hợp với thể trạng của mình.”