Quyết liệt phổ cập GD, xóa mù chữ

GD&TĐ - Sau nhiều nỗ lực, công tác phổ cập GD và xóa mù chữ ở TP Cần Thơ có nhiều khởi sắc. Để đạt được kết quả này, ngành GD thành phố đưa ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy, học, làm tốt công tác duy trì sĩ số, hạn chế lưu ban bỏ học. Tuy nhiên thành phố cũng xác định quỹ đất để xây dựng trường học và công tác phân luồng HS sau THCS vẫn đang gặp khó…

Quyết liệt phổ cập GD, xóa mù chữ

Phổ cập GD, xóa mù chữ có nhiều khởi sắc

Theo Ban chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập - Chống mù chữ - Phổ cập GD TP Cần Thơ: Năm học 2015 - 2016, thành phố đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn công nhận phổ cập GD, xóa mù chữ theo quy định. Trong đó, 9/9 quận, huyện đạt chuẩn phổ cập GD mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Có 9/9 quận, huyện đạt chuẩn phổ cập GD tiểu học mức độ 2. Trong đó có 5/9 quận, huyện đảm bảo tiêu chuẩn công nhận phổ cập GD mức độ 3. Có 9/9 quận, huyện đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở mức độ 1. 9/9 quận, huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 (trong đó có 5/9 quận, huyện đảm bảo tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2). Thành phố hiện có 453 trường (trong đó có 172 nhà trẻ, mẫu giáo) với hơn 22.600 cán bộ, giáo viên, công nhân viên.

Kết quả hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng trong năm 2016 với 82 trung tâm hoạt động khá trở lên; 3 trung tâm hoạt động trung bình. Trong năm 2016, các Trung tâm học tập cộng đồng đã tổ chức 5.720 chuyên đề với 412.781 lượt người tham dự. Hoạt động của các trung tâm ngày càng hiệu quả, thu hút được nhiều lượt người dân tham gia học tập nâng cao nhận thức và cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ - cho biết: Ngành GD thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên và học tập của HS. Làm tốt công tác duy trì sĩ số, hạn chế lưu ban bỏ học, huy động tối đa HS học tại các trường, lớp chính quy. Đây được xem là khâu then chốt thực hiện xóa mù chữ, phổ cập GD vững chắc. Bên cạnh đó, ngành GD phối hợp chặt chẽ với hội khuyến học, các ban, ngành, đoàn thể huy động các đối tượng bỏ học trở lại các lớp phổ cập. Để đạt kết quả này, nhờ sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở và sự phối hợp hiệu quả giữa các ban, ngành, đoàn thể các cấp. Tạo nên sức mạnh để thành phố thực hiện tốt công tác phổ cập GD, xóa mù chữ. Trong thời gian tới, toàn ngành tiếp tục triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng phổ cập GD, đặc biệt là chất lượng phổ cập bậc THCS.

Sớm tháo gỡ vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập - Chống mù chữ - Phổ cập GD TP Cần Thơ cũng xác định vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như quỹ đất dành cho xây dựng trường học còn nhiều khó khăn; việc điều tra phúc tra trình độ văn hóa nhân dân ở một số địa phương chưa chính xác, còn bỏ sót đối tượng; chưa có biện pháp hữu hiệu trong thực hiện công tác phân luồng HS sau THCS vào học các lớp trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề…

Nói về khó khăn này, bà Lâm Thanh Liễu - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều - cho biết: Quận Ninh Kiều đang gặp khó khăn trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Một trong những nguyên nhân chính là do thiếu diện tích đất; quy mô HS/lớp khá đông. Theo bà Liễu thì quận còn 4 phường: Cái Khế, Xuân Khánh, An Hội, An Khánh chưa có trường THCS. Do đặc thù quận có số dân nhập cư đông, con cái theo cha mẹ làm ăn nên việc huy động HS ra lớp phổ cập còn khó khăn…

Trước những khó khăn, các quận, huyện đã có kiến nghị thành phố hỗ trợ nguồn lực đầu tư trường lớp và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên; đặc biệt là giáo viên làm công tác phổ cập GD và xóa mù chữ. Bên cạnh đầu tư nguồn kinh phí để phát triển mạng lưới trường lớp theo hướng đạt chuẩn, thành phố cần bổ sung trang thiết bị dạy học… Theo bà Trần Hồng Thắm - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập - Chống mù chữ - Phổ cập GD: Đối với việc cung cấp trang thiết bị giảng dạy, thành phố phân cấp quản lý về quận, huyện. Ngành sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn hỗ trợ các địa phương trong kiểm tra công nhận tái chuẩn hoặc công nhận mới trường chuẩn đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, các đơn vị rà soát, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia bồi dưỡng chuyên môn, phục vụ dạy và học...

Để tháo gỡ khó khăn, ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương phối hợp với ngành GD-ĐT tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phổ cập GD, xóa mù chữ. Tăng cường huy động các đối tượng ra lớp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2017. Đặc biệt là triển khai thực hiện các biện pháp giám sát phòng, chống bạo lực học đường và tuyệt đối ngăn chặn, xử lý triệt để không cho tệ nạn ma túy xâm nhập vào trường học. Nhà trường phải chú trọng GD truyền thống, GD đạo đức HS và hạn chế HS bỏ học. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến đến phụ huynh, HS quán triệt nội dung, thời gian, phương thức tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 để đạt hiệu quả cao. Các địa phương đảm bảo tốt vấn đề an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian diễn ra kỳ thi, đặc biệt là không để xảy ra trường hợp bỏ thi do hoàn cảnh khó khăn.

Trao đổi về công tác phổ cập GD, xóa mù chữ trên địa bàn thành phố, ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, Trưởng ban Chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập - Chống mù chữ - Phổ cập GD thành phố - cho biết: “GD&ĐT có vai trò rất quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Thời gian qua, thành phố quan tâm đầu tư lĩnh vực này nhưng nguồn lực có hạn. Do đó đòi hỏi các đơn vị phải huy động mọi nguồn lực, chăm lo cho GD, đồng thời quan tâm chất lượng GD…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ