Đây cũng là dịp nhiều mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch trôi nổi thêm cơ hội len lỏi vào thị trường, thách thức lực lượng chức năng…
“Sốt” kit test, thuốc hỗ trợ
Theo tin từ Bộ Y tế, ngày 1/3 cả nước ta ghi nhận 98.762 ca nhiễm mới Covid-19, riêng Hà Nội liên tục vượt mốc 10 nghìn ca/ngày khiến nhiều người dân lo lắng.
Chị Văn Hồng Nhung (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, gia đình có 4 người (2 vợ chồng và 2 con nhỏ), công việc của chị thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều người. Lo ngại mang dịch về cho gia đình, mỗi ngày chị đều test Covid-19.
“Mỗi que test nhanh có giá từ 70 nghìn - 100 nghìn đồng. Hàng ngày, khi đi làm về tôi cũng test để chắc chắn mình chưa bị nhiễm bệnh mới vào nhà. Thành viên trong gia đình cũng test nhanh một lần/tuần...”, chị Nhung nói.
Chị Nhung cho rằng, việc test nhanh là cần thiết vì Hà Nội đang rất nhiều F0 khi mỗi ngày nghi nhận trên 10 nghìn ca, đặc biệt có nhiều nguồn lây từ cộng đồng.
Còn chị Nguyễn Thị Đào - làm việc trên phố Nguyễn Đình Chiều (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, chị không nhớ nổi số tiền chi ra cho việc mua kit test nhanh để kiểm tra mắc Covid-19 hay không.
“Đến hôm nay (ngày 2/3) cả hành chính - quản trị của công ty chỉ có mình tôi là F1. Nếu như trước đây khi tiếp xúc F0 sẽ đi xét nghiệm PCR nhưng nay thì chỉ test nhanh.
Dù đã đeo khẩu trang và thời gian tiếp xúc ngắn nhưng vì lo lắng, tôi thường xuyên test Covid-19 cho mình và gia đình...”, chị Đào chia sẻ.
Theo chị Đào, hiện mỗi lần mua 1 hộp với 25 que test nhanh, cứ gần hết lại mua dự phòng để dùng dần. “Không chủ quan với dịch được, vì vậy test nhanh nếu phát hiện sớm sẽ chủ động cách ly, mặc dù số tiền mua kit test khá tốn kém...”, chị Đào nói.
Ghi nhận của phóng viên tại nhiều quầy thuốc trên phố Ngọc Khánh (quận Ba Đình), Giải Phóng (quận Hoàng Mai), Đa Tốn (huyện Gia Lâm), Quốc Tử Giám (quận Đống Đa)... có khá đông người tìm đến để mua các sản phẩm hỗ trợ, điều trị Covid-19.
Dược sĩ Lê Thị Hà (chủ một hệ thống nhà thuốc ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, những ngày qua số lượng người dân đi mua kit test nhanh tăng cao.
“Có những ngày đỉnh điểm nhà thuốc cung cấp tới 500 kit test cho khách hàng. Với nhu cầu mua kit test cao như vậy thì thị trường sẽ có sự loạn giá và khan hiếm hàng nhất định. Một số người dân có tâm lý lo sợ không có kit test để dùng nên mua rất nhiều để tích trữ. Còn một số người thì không biết cách sử dụng nên đã làm hỏng nhiều kit test, gây ra sự lãng phí...”, Dược sĩ Lê Thị Hà lưu ý.
Chặn hàng trôi nổi
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh và nhu cầu mua kit test, thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 tăng cao đã xuất hiện nhiều mặt hàng trôi nổi trên thị trường.
Ngày 2/3 thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương, lực lượng QLTT vừa phối hợp cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ nhiều mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch.
Cụ thể, tối 1/3, Đội QLTT số 17 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp Đội 4, PC05 (Công an TP Hà Nội) tiến hành kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 29A.071.52 đang dừng đỗ chờ giao hàng trước ngõ 202 Võ Chí Công, Tây Hồ, Hà Nội.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe ô tô có 1.950 que test nhanh kháng nguyên Covid-19, bao bì có chữ nước ngoài. Trị giá lô hàng hóa vi phạm là gần 100 triệu đồng.
Qua xác minh, cơ quan chức năng xác định chủ sở hữu lô hàng hóa trên là bà Hà Thu Hường. Bà Hường khai nhận, đã mua trôi nổi số hàng hóa này trên thị trường về bán kiếm lời và không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó (chiều 28/2), Đội QLTT số 17 cũng phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ 115 Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội do bà Nguyễn Thị Ngân Hà (SN: 1992) làm chủ.
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang kinh doanh các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, có 3.030 sản phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19 - theo lời chủ cơ sở.
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận, bao bì hàng hóa có ghi chữ nước ngoài, không có nhãn phụ là tiếng Việt Nam. Chủ cơ sở kinh doanh chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến số hàng hóa trên.
Chủ cơ sở này khai nhận với lực lượng chức năng, đã thu mua 3.030 sản phẩm “hỗ trợ điều trị Covid-19” trôi nổi trên mạng, về bán kiếm lời.
Theo Đội QLTT số 17, lợi dùng tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhiều đối tượng đã thu mua các sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch như kit test nhanh Covid-19, thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 trôi nổi, không nguồn gốc về bán kiếm lời.
Thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi, thường không có địa điểm kinh doanh cố định. Phương thức giao hàng, nhận hàng ở những nơi khuất dân cư, hoặc gọi giao hàng qua các ứng dụng công nghệ. Điều này gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình nắm bắt, kiểm soát và phát hiện.
Thời gian tới, Đội QLTT số 17 sẽ tiếp tục nắm bắt địa bàn, bám sát diễn biến dịch bệnh để kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi
Mới đây (ngày 1/3), Bộ Y tế có văn bản cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn các hoạt động mua, bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Để tránh việc mua, bán thuốc không có nguồn gốc xuất xứ, Sở Y tế cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho các cơ sở y tế, đơn vị kinh doanh dược và người dân về việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19.
“Các địa phương chỉ đạo hệ thống kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu để giám sát chất lượng thuốc, phát hiện thuốc không đạt chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ và xử lý nghiêm theo quy định, báo cáo kết quả về Cục Quản lý dược…”, Bộ Y tế nêu rõ.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn các hoạt động mua, bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá và bán thuốc.
“Ngoài ra, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kịp thời lập hồ sơ chuyển sang cơ quan công an để xử lý theo quy định…”, Bộ Y tế đề nghị.