Quyết định nhọc nhằn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

GD&TĐ - Ngày 16/7, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự luật an ninh mới, cho phép quân đội Nhật Bản có thể tham gia chiến đấu ở nước ngoài. Đây là chiến thắng chính trị to lớn của Thủ tướng Shinzo Abe và là sự kiện nổi bật trong chính sách hòa bình của Nhật Bản sau chiến tranh.

Quyết định nhọc nhằn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Mặc dù nhận được sự phản đối quyết liệt ở cả trong nước lẫn ngoài nước, nhưng không ít các chính trị gia, các nhà phân tích cho rằng, quyết định mang tính lịch sử của Nhật Bản góp phần củng cố hòa bình ở khu vực và trên toàn thế giới trong giai đoạn phức tạp như hiện nay.


Một quyết định vội vã?

Theo Reuters, ngày 16/7, chỉ sau 1 ngày khi Ủy ban đặc biệt của Hạ viện thông qua dự luật an ninh mới, Hạ viện Nhật Bản đã chính thức thông qua dự luật quan trọng này. Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu thông qua dự luật trên, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định tình hình an ninh xung quanh nước Nhật ngày càng trở nên nghiêm trọng và việc thông qua dự luật này là rất cần thiết để bảo vệ người dân Nhật Bản và ngăn chặn nguy cơ chiến tranh.

Quyết định thông qua dự luật an ninh mới của Nhật Bản mà tư tưởng chủ đạo là cho phép quân đội nước này tham chiến ở nước ngoài đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của phe đối lập cũng như
người dân Nhật Bản.

Chủ tịch đảng Dân chủ - đảng đối lập lớn nhất ở Nhật Bản, ông
Okada Katsuya cho rằng dự luật thể hiện sự thay đổi hoàn toàn chính sách an ninh của Nhật Bản. Cũng theo lời ông Okada Katsuya thì dự luật bị ép buộc phải thông qua, trong khi chưa được thảo luận rộng rãi và thấu đáo. Không ít các nhà phân tích khẳng định
rằng Thủ tướng Shinzo Abe đã dựa vào thế áp đảo ở Hạ viện của đảng Dân chủ Tự do để “đẻ non” một dự luật gây tranh cãi.

Còn nhớ, theo kết quả điều tra xã hội học mới đây, số người Nhật phản đối dự luật an ninh mới cao hơn ủng hộ. Theo hãng tin NHK,
ngày thứ Tư (15/7), khoảng 1.000 người tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội với các biểu ngữ như “Không phá vỡ điều 9 hiến pháp”, “Nhật Bản không bao giờ tham gia chiến tranh” để phản đối việc thông qua dự luật an ninh.

Sau khi bỏ phiếu thông qua tại Hạ viện, dự luật an ninh mới của Nhật sẽ được chuyển tới Thượng viện Nhật để tiếp tục thảo luận và bỏ phiếu thông qua. Trong trường hợp Thượng viện không bỏ phiếu thông qua dự luật sẽ phải tổ chức bỏ phiếu lần 2 tại Hạ viện. Nếu 2/3 số nghị sĩ tại Hạ viện ủng hộ, dự luật an ninh mới của Nhật Bản sẽ chính thức được thông qua. Theo dự kiến, Thượng viện Nhật sẽ xem xét dự luật này vào tháng 9 tới.

Phản ứng của dư luận thế giới 

Với hàng tít “Shinzo Abe đã không học được bài học từ sai lầm của ông ngoại”, tờ “Nezvisimaya Gazeta” (Nga) khẳng định Abe muốn nước Nhật sẽ đóng một vai trò quan trọng trên trường quốc tế.

Theo nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản (Viện Viễn Đông - Nga) Victor Pavlyatenko, Shinzo Abe tiếp tục công việc của cha mình (Shintaro Abe - Ngoại trưởng Nhật Bản giai
đoạn 1982 – 1986 - ND) và làm sống lại ước mơ của mình - biến Nhật Bản thành một cầu thủ quan trọng trên trường quốc tế cả về kinh tế, chính trị và quân sự.

Với chính sách này, lần đầu tiên Abe đưa ra chiến lược an ninh quốc gia, thành lập Hội đồng An ninh quốc gia, làm thay đổi các quy tắc xuất khẩu vũ khí, tổ chức thông qua Quốc hội đạo luật về bí mật nhà nước và cuối cùng, đưa ra vấn đề về phòng thủ tập thể.

Theo Pavlyatenko thì trong vấn đề “phòng thủ tập thể”, chính phủ đã thất bại trước sự phản kháng của người dân Nhật Bản. Trong bối cảnh ấy, Shinzo Abe bị cáo buộc là độc đoán, chỉ số tín nhiệm của ông giảm rõ rệt. Trên báo “Asahi” số ra thứ Hai (13/7), chỉ số không tán thành với Thủ tướng Nhật tăng từ 5% - 42%, trong khi chỉ có 39% ủng hộ.

Một cựu chiến binh người Nhật dự đoán rằng, Shinzo Abe có thể đi theo “vết xe đổ” của ông ngoại Nobusuke Kishi - Thủ tướng Nhật Bản trong những năm 1957 - 1960 - bị buộc phải rời nhiệm sở ngay sau khi ký Hiệp ước Hợp tác và an ninh giữa Nhật và Mỹ. Có vẻ như Shinzo Abe không học thuộc bài học lịch sử - Nezavisimaya Gazeta nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ