Tham dự Hội thảo có bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội; ông Phạm Xuân Hậu, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Đào Hồng Cường đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đặc biệt, có sự tham gia của đông đảo các nhà đầu tư giáo dục, lãnh đạo các trường giáo dục tư thục ở Hà Nội, Hải Phòng.
Phát biểu tại hội thảo, Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh:
“Chúng ta đã có luật chuyên ngành như Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục Đại học nhưng toàn bộ lĩnh vực giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non, lĩnh vực riêng về nhà giáo chưa có luật chuyên ngành riêng. Vậy quy định trong luật như thế nào để không bị phá vỡ về cấu trúc mà vẫn đảm bảo luật gốc. Đồng thời, những vấn đề liên quan đến quy định về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, học tập suốt đời, giáo dục công - tư…tuy không được cụ thể hóa nhưng phải phản ánh được vấn đề trong thực tiễn cần phải tháo gỡ hiện nay”.
Đại biểu Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội |
Đại biểu Ngô Thị Minh cũng nhấn mạnh "Dự thảo Luật cũng phải tính đến sự công bằng giữa cơ sở giáo dục ngoài công lập và công lập thể hiện khoảng cách gần hơn. Đặc biệt là làm sao thu hút được nhà đầu tư hơn nữa”.
Được biết, trong những ngày vừa qua, ban soạn thảo cũng đang đón nhận ý kiến từ các đại biểu, các đoàn đại biểu Quốc hội xem xét và tiếp thu các ý kiến gửi về. Dự thảo Luật Giáo dục đang trong quá trình chỉnh sửa và sửa đổi, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và đang nhận ý kiến từ các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh. Đến giờ, đã có ý kiến từ 18 đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh gửi về.
"Đến ngày 10/5/2019, chúng tôi phải gửi cho các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sau đó gửi cho các đại biểu Quốc hội chuẩn bị cho kỳ hợp tới”, đại biểu Ngô Thị Minh cho biết.