Quyền từ chối...

GD&TĐ - Thiếu 0,25 điểm, Ngô Văn Hiếu, cậu học sinh 10 năm cõng bạn đến lớp ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã không trúng tuyển vào Trường Đại học Y Hà Nội theo nguyện vọng 1.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cũng từ đây, có nhiều ý kiến cho rằng, với trường hợp này, Trường Đại học Y Hà Nội nên xét tuyển đặc cách...

Với 28,15 điểm, Hiếu học giỏi. Ước mơ vào giảng đường đại học và học ngành y là phù hợp với học lực của em. Hơn nữa, là nguyện vọng được học ngành y để chữa bệnh cho mọi người cũng như bạn của mình. Cậu cũng muốn cùng bạn “đi tiếp” chặng đường những năm học đại học. Hiếu không muốn xa bạn của mình - đó là mong muốn chính đáng, của một trái tim nhân hậu.

Hiếu cũng không làm đơn xin xét tuyển đặc cách. Những ý kiến đề xuất đặc cách không phải từ mong muốn của Hiếu. Tất nhiên, không trúng tuyển được nguyện vọng 1 Hiếu rất buồn. Nhưng có câu “học tài, thi phận”, không ai có thể trách em, bởi em đã nỗ lực hết sức mình.

Còn việc có được xét đặc cách hay không còn tùy thuộc vào các quy định hiện hành. Như ý kiến của Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội là quy chế tuyển sinh không cho phép đặc cách trong trường hợp này. Vì vậy, nhà trường phải tuân thủ và không được phép làm trái quy chế. 0,25 điểm - có vẻ rất ít nhưng trong tuyển sinh, đó là cơ hội của hàng trăm thí sinh khác.

Mỗi kỳ tuyển sinh, luôn có nhiều trường hợp đặc biệt khác nhau, do vậy, nếu đặc cách cho trường hợp này, sẽ không công bằng với các trường hợp khác. Sau này, Hiếu vẫn có cơ hội vào Trường Đại học Y Hà Nội nếu em thi đỗ vào hệ đào tạo bác sĩ nội trú. Lúc đó, Trường Đại học Y Hà Nội sẵn sàng đón em - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh.

Tạm khép lại những “ồn ào” thời gian qua về việc có nên xét đặc cách hay không, Hiếu đã lựa chọn Trường Đại học Y Dược Thái Bình - với tâm sự: Em rất xúc động và cảm ơn tất cả mọi người, đặc biệt là các thầy cô giáo đã âm thầm lo lắng cho em và có ý định gọi ra Trường Đại học Y Hà Nội để xem có cách nào giúp em.

Quả thực, những ý tốt của thầy cô, em không được biết. Nhưng dù Trường Đại học Y Hà Nội có đặc cách, em cũng xin từ chối. Không nên sử dụng sự nổi tiếng của mình là cõng bạn 10 năm qua để xin vào trường đại học. Vào đại học phải là bằng năng lực của mình. Được xét vào đại học nào em cũng rất hài lòng chứ không phải vì sự nổi tiếng của em với bạn.

Có thể, nếu Trường Đại học Y Hà Nội đồng ý xét đặc cách trong trường hợp này sẽ không có nhiều ý kiến phản đối. Thế nhưng, với ngành học có nhiều đặc thù như ngành y, “đầu vào” chưa nói lên được nhiều. Phía trước là chặng đường 6 năm và dài hơn thế nữa để các em có thể khẳng định được mình... 

Hiếu có quyền từ chối và đã thực hiện quyền từ chối của mình. Tin rằng, với sự nhân hậu, lòng tự tôn của mình, Hiếu sẽ vượt qua tất cả để đi đến đích: Trở thành một bác sĩ giỏi, dù học ở Trường Đại học Y Dược Thái Bình hay Trường Đại học Y Hà Nội. Quan trọng hơn, Hiếu đã tự tạo và nắm bắt được cơ hội cho mình một cách công bằng, sòng phẳng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.