Quyền thần đoản mệnh

GD&TĐ - Tính từ khi Uy Mục (Lê Tuấn) lên ngôi (1505) đến khi Mạc Đăng Dung đoạt ngôi vua Lê Cung Hoàng (1527) là hơn 20 năm đầy biến động, chiến loạn.

Một họa phẩm được in trong cuốn “An Nam lai uy đồ sách”. Minh họa: ST.
Một họa phẩm được in trong cuốn “An Nam lai uy đồ sách”. Minh họa: ST.

Trong thời loạn thế, việc nhìn nhận, đánh giá các nhân vật lịch sử rất khó chính xác; vả lại chính bản thân họ cũng chứa đầy mâu thuẫn. Chính sử xưa vẫn gọi những người giết vị “vua lợn” Lê Tương Dực là nghịch thần.

Tướng quân Trịnh Duy Sản cũng bị coi là “nghịch thần” theo sử cũ và là người khởi đầu cho nạn quân phiệt, quyền thần phế, lập ngôi vua của thời Lê Mạt.

Thực tế, sát hại vua xấu là vì nước, vì dân; hơn nữa phế vua, Duy Sản đưa tôn thất nhà Lê lên ngôi chứ ông không hề tiếm vị. Tiếp sau ông, các quyền thần phân chia lực lượng, tranh giành lãnh thổ và quyền lực quyết liệt, gây chiến tranh không ngớt, khiến nhân dân điêu linh, thiên hạ thực sự đại loạn: Các đại thần mỗi người một bụng, chia bè cánh đánh giết lẫn nhau, còn các hoàng đế trở thành những con rối trong tay họ.

Trịnh Duy Sản là danh tướng, quyền thần cuối thời Lê sơ trong lịch sử Việt Nam, người làng Thủy Chú, xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, Việt Nam. Theo gia phả, ông là cháu nội công thần khai quốc nhà Hậu Lê Trịnh Khắc Phục, về vai vế ông là cậu của vua Lê Tương Dực. Do công lao phò tá đối với vua Tương Dực (Lê Oanh), nên sau khi lật đổ vua Lê Uy Mục (1509), vua Tương Dực đã phong tước Mỹ Huệ Hầu cho Trịnh Duy Sản thống lĩnh quân binh phòng chống phản loạn.

Năm 1511, Trần Tuân nổi dậy ở Sơn Tây thế rất mạnh, Duy Sản lúc đầu bị thua, nhưng không nao núng, nhân đêm tối, tập hợp được 30 người chủ yếu là thân binh đột kích vào thẳng trong trại, đâm chết Tuân tại bàn trà. Mừng quá, Trịnh Duy Sản sai lính đốt ba tiếng pháo làm hiệu, cánh quân đến tiếp ứng của Nghĩa quốc công Nguyễn Văn Lang tràn tới đánh giết.

Quân Trần Tuân tan vỡ, Duy Sản được tấn phong tước Nguyên Quận Công, Chưởng quản Cẩm y vệ. Từ năm 1512 đến năm 1515, Trịnh Duy Sản tiếp tục dẹp tan các cuộc tạo phản ở Nghệ An, Tam Đảo (Vĩnh Phúc), nên uy vọng thêm lớn.

Tướng lĩnh có thế sánh ngang Trịnh Duy Sản là Nguyễn Văn Lang bị ốm chết nên chẳng còn ai đủ sức tranh giành với ông nữa, từ đó ông dần tỏ ý kiêu căng, cậy thế trong triều đình hơn. Bộ tướng Trịnh Hạnh và các tướng tâm phúc tâng bốc ví ông như quyền thần Tào Tháo thời Tam Quốc, còn vua cũng như Hiến đế nhà Hán. Ông không nói gì nhưng vuốt râu mỉm cười.

Sau mấy năm trị vì, vua Tương Dực lúc đầu cũng có vài đóng góp, muốn cố gắng vực dậy đất nước như: Ban hành chính sách giáo hóa dân chúng, răn bảo quan lại, thận trọng hình phạt, tổ chức thi cử tuyển chọn người giỏi...

Sau đó, Tương Dực bỏ bê việc nước, ăn chơi sa đọa, nghĩ ra nhiều trò tiêu khiển quái đản, không nghe lời phải, nhục mạ đại thần khiến triều đình chia nhiều phe phái, thiên hạ loạn ly. Lê Tương Dực sai nhà kiến trúc tài năng Vũ Như Tô chủ trì việc xây điện Cửu Trùng cao 9 tầng, rộng thênh thang gồm tới 100 nóc gần hồ Tây.

Vua còn cho đào một con sông từ Cửu Trùng đài dẫn tới sông Tô Lịch với yêu cầu sông đào phải quanh co như giải lụa xanh để tăng thêm vẻ diễm lệ của kinh kỳ. Quân dân làm trong mấy năm trời không xong, hao tổn tiền của, chết hại nhiều người, khắp nơi oán thán.

Vua lại cho đóng chiến thuyền, cùng mỹ nữ khỏa thân chèo, rong chơi trên hồ Tây; hứng chí đòi các cung nhân của triều trước vào cung để gian dâm. Do dâm loạn như thế, nên sứ nhà Minh khi trông thấy vua, bảo rằng Tương Dực có tướng lợn; cộng thêm lối sinh hoạt bê tha, rượu chè của vua đồn ra ngoài nên dần dà dân chúng gọi ông là Vua lợn (Trư vương). Nhân lực trai tráng trong 13 đạo cả nước được thay phiên nhau điều về để đào sông, xây thành.

Cuối năm 1514 ngân khố chỉ bằng một phần hai năm trước, nhưng nhà vua vẫn cố đẩy mạnh công trình. Sang tháng Giêng năm 1515, sức người và tiền bạc quốc khố cạn kiệt, mùa màng thất bát... nhưng quan lại địa phương vẫn thúc ép tập hợp dân phu, khiến nông dân cùng khổ, tức nước vỡ bờ.

Nhiều nơi như Sơn Tây, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa... hào kiệt đã lãnh đạo dân tình nổi loạn. Trịnh Duy Sản huy động quân đội đàn áp mạnh mẽ nhưng xem chừng khó dứt điểm, ông quyết định vào cung can vua dừng xây Cửu Trùng đài và bỏ đào sông...

Không ngờ vua Tương Dực nổi giận không nghe, lại càng sa vào tửu sắc, bỏ bê chính sự. Nhiều đêm, vua tiếp tục cùng cung nữ trần truồng uống rượu, bơi thuyền trên hồ Tây. Vua còn đột ngột giết chết 15 vương công, tôn thất để dằn mặt những người khác ý.

Trịnh Duy Sản bức xúc liên tục can ngăn, lại nghĩ mình là rường cột quốc gia, cữu cữu của vua nên lời can mạnh đã xúc phạm đến tự ái của vua. Vua quát lên rằng, ông là kẻ quyền thần phạm thượng, láo xược bèn sai tả hữu lôi ông ra phạt 30 trượng.

Về nhà nằm đắp thuốc, Duy Sản đau và nhục nên hận vua lắm. Tối đó thái sư Lê Quảng Độ đến thăm, hai người đều bàn kín với nhau rằng Tương Dực cũng hèn kém, bạo cuồng như Uy Mục, cần sớm phải diệt trừ.

Sau trận đòn, Trịnh Duy Sản không được vua tin như trước, dù ông vẫn là quản lĩnh đạo quân Kim Ngô và Cẩm y vệ. Đêm 6/4/1516, mượn cớ chuẩn bị đánh giặc Trần Cảo mới nổi lên vùng phía Đông, đang xâm phạm gần kinh thành, Duy Sản tập hợp quân tinh nhuệ Kim Ngô ở bến Thái Cực rồi tiến vào nội đô đốt phá cung điện.

Nhà vua nghe tin có giặc vội cùng một số cấm vệ đến hồ Chu Tước cách điện Kính Thiên gần 100 thước để xem xét. Thấy Duy Sản chỉ huy quân Kim Ngô án ngữ, vua hỏi quân giặc ở đâu thì Duy Sản cười giọng rất lạ. Vua biết gặp nguy, lập tức quay mình bỏ chạy, lúc đó còn có mấy người do nội vệ Nguyễn Vũ đi theo nhưng không đủ sức hộ vệ.

Tùy tướng thân tín của Duy Sản là Trịnh Hạnh tuốt kiếm đâm vua chết. Trời sắp sáng, khắp nơi trong hoàng thành đầy các đám cháy, khói lửa nghi ngút. Nghe tin dữ về chồng, Khâm Đức hoàng hậu của vua Lê Tương Dực, đã nhảy vào lửa tự sát lúc rạng sáng.

Duy Sản giết vua Tương Dực xong, chủ trì lập Lê Y (11 tuổi) là chắt vị vua tài giỏi Lê Thánh Tông lên ngôi, lấy vương hiệu Chiêu Tông. Sau khi hợp lực với các tướng khác, Duy Sản tấn công Trần Cảo, buộc Cảo phải phá vây chạy về mặt Đông, Duy Sản hộ giá vua trở lại Thăng Long chính thức khai triều.

Tháng 8/1516, vua phong Trịnh Duy Sản nắm quyền tiết chế các doanh thủy bộ, quản lãnh vùng Hải Dương. Tháng 11 năm đó, Duy Sản làm bài hịch văn được diễn Nôm để kích động tinh thần tướng sĩ trực chỉ Chí Linh đánh Trần Cảo.

Nhưng ở kinh thành có bọn tướng lĩnh cậy công nổi lên cướp bóc, giết người vô tội, Duy Sản giận lắm bèn cử nghĩa tử Trần Chân, mãnh tướng của mình mang bớt quân về dẹp loạn. Từ biệt cha nuôi, Trần Chân dự cảm có điều chẳng lành, ngoảnh nhìn lại, nước mắt chứa chan.

Biết tin, Trần Cảo vội mang quân công kích, Duy Sản xông pha cùng tướng sĩ giáp trận với địch, bọn xung kích của Cảo ùa tới sát Duy Sản, mấy tướng tâm phúc của ông ra sức chống đỡ, tướng Trịnh Hạnh trúng cả tên và mấy nhát đao gục xuống, Duy Sản đau xót quá vội rút quân về.

Chiếm được lợi thế, Cảo tiếp tục khiêu chiến, Duy Sản muốn báo thù cho Trịnh Hạnh và tướng sĩ của mình nên cương quyết cầm đao lên ngựa, các tướng ra sức can ngăn nhưng ông gạt mọi người ra, tự làm tiên phong dẫn quân ra cự địch.

Bọn Cảo cử kỵ binh khiêu chiến còn chủ lực phục binh hai bên đường núi Chí Linh, đợi Duy Sản lọt vào trận địa, quân Cảo ùa ra, đánh tan quân Duy Sản, tướng Nguyễn Thượng thấy Duy Sản bị bắt vội cầm gươm chạy tới cứu cũng bị bắt nốt. Quân Cảo đem Duy Sản và Nguyễn Thượng về căn cứ ở Vạn Kiếp khao quân rồi xử tử cả 2 người.

Cuộc đời của vị quyền thần Trịnh Duy Sản chấm dứt như vậy đó. Mưu sĩ của Mạc Đăng Dung sau một số lần quan sát Trịnh Duy Sản đã nhận xét về Duy Sản như sau: “Tóc dựng đứng, cứng cỏi tính tình, mình hổ tay vượn, lượn nơi quyền thế, chế định việc nước, rước khó vào mình” và kết luận về Duy Sản: “Tính nóng vội, tối hãm quầng mắt, đặt cược mạng sống, chống chọi khó lâu”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ