Là giáo viên, đồng thời là Bí thư Đoàn trường nhiều năm và được giao nhiệm vụ tổ chức các giờ chào cờ, thầy Lê Đình Thắng (Trường THPT Triệu Sơn 2 – Thanh Hóa) chia sẻ: Quy trình tổ chức tiết chào cờ là quy trình phối hợp, đảm bảo tính logic giữa hoạt động của giáo viên và học sinh.
Quy trình này gồm 3 bước: Bước chuẩn bị, bước tiến hành, bước đánh giá kết quả. Mỗi bước có nội dung hoạt động cụ thể cho đối tượng tham gia vào tiết chào cờ, giữa các bước có mối liên hệ mật thiết với nhau tạo nên sự thống nhất trong việc tổ chức tiết chào cờ có hiệu quả.
Bước chuẩn bị
Khác với tiết sinh hoạt lớp, việc chuẩn bị cho tiết chào cờ có nhiều lực lượng khác nhau. Trong đó, Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, bí thư đoàn trường là những thành phần giữ vai trò chủ chốt trong quá trình chuẩn bị cũng như tiến hành chào cờ.
Ban giám hiệu lập kế hoạch cho tiết chào cờ trong một tháng. Bí thư đoàn trường phối hợp để tổ chức các hoạt động xen kẽ với các hoạt động của nhà trường tránh chồng chéo, trùng lặp.
Kế hoạch đó phải chỉ rõ hoạt động của từng tiết chào cờ trong tháng phân công lực lượng chuẩn bị và nội dung chuẩn bị. Trên cơ sở đó thông báo cho hội đồng sư phạm biết kế hoạch để mỗi giáo viên chủ nhiệm cũng như các đối tượng liên quan nắm được phần việc của mình.
Bản kế hoạch bao gồm:
Nội dung: Nội dung của từng tiết chào cờ phải thể hiện nội dung giáo dục chủ điểm của tháng, là phần hoạt động của tháng theo đúng kế hoạch đã xây dựng. Tuy nhiên từng tiết cần xác định rõ nội dung cơ bản trọng tâm vầ nội dung khác nhằm tăng tính đa dạng và hấp dẫn học sinh.
Biện pháp thực hiện: Sắp xếp trình tự các nội dung sẽ thực hiện trong tiết chào cờ mà thực chất đó là chương trình của tiết sẽ diễn ra trong thực tế.
Người thực hiện: Trên cơ sở nội dung chương trình đã vạch ra, Ban giám hiệu cùng Bí thư Đoàn trường phân công từng công việc cho những thành viên có trách nhiệm.
Khi phân công cần làm rõ công việc cho học sinh, công việc cho giáo viên, thành phần khác. Sự phân công rõ ràng cụ thể sẽ làm tăng thêm tính hiệu quả của tiết chào cờ.
Thời gian: Tiết chào cờ đầu tuần thường tiến hành vào tiết đầu tiên của buổi sáng ngày thứ hai hàng tuần. Để đảm bảo thời gian và nội dung thì cần cụ thể thời gian cho từng hoạt động một cách rõ ràng.
Cơ sở vật chất: Chuẩn bị sân khấu sạch sẽ, bàn ghế cho giáo viên, ghế ngồi cho học sinh, âm thanh loa đài…
Tiến hành tiết sinh hoạt dưới cờ
Tiết sinh hoạt dưới cờ được tiến hành với những công việc: Tập hợp học sinh, ổn định, chỉnh đốn hàng ngũ, trang phục…, tất cả trong tư thế nghiêm trang chuẩn bị chào cờ.
Nghi lễ chào cờ bắt đầu bằng việc chào cờ, hát quốc ca. Việc hát quốc ca yêu cầu tất cả học sinh đều phải hát, không bật băng hay cho một vài học sinh trong đội nghi lễ hát.
Sau đó là tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu, chương trình của tiết chào cờ.
Tiến hành nội dung cơ bản của tiết chào cờ như sau: Từng nội dung người được phân công tiến hành và đảm bảo sát với thời gian dự kiến.
Việc trình bày phải mạch lạc, cụ thể đủ nghe. Giáo viên cần bám sát lớp trong suốt thời gian diễn ra chào cờ. Đội ngũ trực tuần, theo dõi nhắc nhở việc giữ trật tự.
Nhận xét tiết chào cờ
Cuối tiết chào cờ nên dành ít phút để nhận xét ý thức tham gia của học sinh và sự chuẩn bị của những người có trách nhiệm. Nội dung nhận xét cần ngắn gọn cụ thể khách quan.
Một số mô hình tiết chào cờ
Thầy Lê Đình Thắng cho biết, có nhiều mô hình tiết chào cờ khác nhau. Mỗi mô hình mang dáng vẻ riêng của nó tùy thuộc vào nội dung và hình thức hoạt động.
Từ thực tế năm học vừa qua tại Trường THPT Triệu Sơn 2, thầy Thắng khái quát một số mô hình tổ chức tiết chào cờ ở trường như sau:
Chào cờ - nhận xét thi đua tuần , biểu diễn các tiểu phẩm về ATGT, Tệ nạn xã hội, bạo lực học đường...;
Chào cờ - nhận xét thi đua – giáo dục về tình bạn, tình yêu, hôn nhân và gia đình...;
Chào cờ - nhận xét thi đua tuần qua và thi đố vui tìm hiểu về truyền thống nhà trường, về ngày nhà giáo Việt Nam;
Chào cờ - nhận xét thi đua , nghe nói chuyện truyền thống nhân dịp 22-12;
Chào cờ - nhận xét thi đua, trao đổi, trò chuyện về tệ nạn ma túy, HIV/AIDS;
Chào cờ - nhận xét thi đua, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh;
Chào cờ - nhận xét thi đua – tìm hiểu về người phụ nữ Việt Nam xưa và nay;
Chào cờ - nhận xét thi đua – giáo dục hướng nghiệp, tư vấn mùa thi cho học sinh khối 12;
Chào cờ - nhận xét thi đua tuần, thi tìm hiểu kiến thức các môn học;
Chào cờ - nhận xét thi đua, trao đổi, trò chuyện về vấn nạn bạo lực học đường;
Chào cờ - nhận xét thi đua, kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...