* Hạ Long là một vùng vừa có núi vừa có đồng bằng, vừa có biển, vừa có núi. Đây cũng là một trong những khó khăn của địa phương trong công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình. Vậy UBND đã có chỉ đạo như thế nào về công tác này?
- Với Hạ Long (Quảng Ninh) như một đất nước Việt Nam thu nhỏ: có rừng, có biển, có sông ngòi, đồng bằng… Do đó công tác dân số ở Hạ Long được chúng tôi đặc biệt quan tâm, nhất là đối với làng chài và các địa bàn có bà con là người dân tộc thiểu số.
So với trung tâm, thì người dân còn lạc hậu hơn nên công tác dân số phải được được đẩy mạnh, thường xuyên liên tục, gắn với các hoạt động chung của thành phố.
Cụ thể, hàng năm Đảng bộ, chính quyền từ thành phố đến các phường đều có Nghị quyết về công tác dân số. Đồng thời có chỉ đạo cụ thể gắn với tình hình thực tế của từng phường.
Chẳng hạn, với những phường ở trung tâm, hoạt động sẽ khác so với phường ở ngoại ô. Do đó, những vùng này, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) phải vận động, tuyên truyền sâu rộng hơn để thuyết phục người dân thực hiện mục tiêu DS - KHHGĐ, nhưng ở khu vực trung tâm thì công việc này sẽ đơn giản hơn vì người dân đã tự ý thức được.
* Vậy UBND thành phố đã chỉ đạo như thế nào để công tác dân số được lồng ghép với các hoạt động an sinh xã hội khác?
- Công tác an sinh xã hội và công tác dân số đều có chung mục đích đó là: Chăm lo cho người dân và xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp. Vì thế, các hoạt động này đều được phối hợp đồng bộ và triển khai rộng khắp trong toàn thành phố.
Chăm lo sức khỏe cho người dân cũng chính là đảm bảo công tác an sinh xã hội. Do đó, công tác này sẽ được gắn với nhiệm vụ của các đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi và được tổ chức đồng bộ, triển khai rộng khắp đến các cơ sở.
Ông Vũ Hồng Sơn: Công tác dân số ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương |
* Theo ông, công tác dân số có vai trò như thế nào đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương?
- Có thể nói, công tác dân số ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Chẳng hạn dân số tăng, nếu chúng ta không nắm được xu hướng phát triển thì sẽ gây ra hậu quả khó lường.
Ví dụ: Nếu chúng ta không nắm được dân số ở địa phương phát triển như thế nào thì các trường học, bệnh viện, rồi đến các cơ sở hạ tầng sẽ không thể đáp ứng yêu cầu. Còn khi chúng ta đã nắm được vấn đề thì sẽ có chỉ đạo rõ ràng, sát với thực tế của địa phương.
* Được biết, thành phố Hạ Long đã đạt được mức sinh thay thế, tiến tới chú trọng vào mục tiêu phát triển và nâng cao chất lượng dân số. Vậy tới đây, thành phố có kế hoạch cụ thể như thế nào về vấn đề này?
- Hạ Long là thành phố du lịch biển, tới đây sẽ mang đẳng cấp quốc tế. Thế nên việc phát triển cơ sở hạ tầng cũng là thiết yếu trong công tác DS-KHHGĐ. Đặc biệt chăm lo sức khỏe cho cộng đồng dân cư cũng là yêu cầu quan trọng.
* Chúng ta đang trong tình trạng “già hóa” dân số, vậy ông có suy nghĩ gì về thực trạng này?
- Có thể nói, chúng ta đang chuyển từ dân số vàng sang dân số già. Do vậy, từ trung ương đến địa phương đều phải đón nhận thực trạng này. Từng địa phương sẽ phải chia sẻ với trung ương.
Theo đó, các hoạt động phải gắn với công tác an sinh xã hội ngay tại cơ sở. Ví dụ: Chúng ta phải quan tâm hơn nữa và giáo dục thế hệ con cháu chăm lo cho thế hệ người cao tuổi.
Xin cảm ơn ông!