Quy hoạch phân khu xây dựng ĐHQG TP.HCM rộng hơn 600ha

GD&TĐ - Đến năm 2030, quy mô đào tạo dự kiến tại khu quy hoạch ĐHQG TP.HCM là 65.000 sinh viên, với diện tích 643,7ha theo mô hình đô thị đại học hiện đại.

Quy hoạch phân khu xây dựng ĐHQG TP.HCM rộng hơn 600ha

Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM và Bộ Xây dựng vừa công bố Quy hoạch phân khu xây dựng ĐHQG TP.HCM (Điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 ĐHQG TP.HCM).

Quy hoạch sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý, triển khai đầu tư xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất thuộc Khu đô thị ĐHQG TP.HCM nói chung và công tác giải ngân vốn đầu tư phát triển của ĐHQG TP.HCM nói riêng.

Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng ĐHQG TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 790/QĐ-TTg ngày 3/7/2023 trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 được phê duyệt ngày 21/3/2014.

Với tổng diện tích 643,7ha theo mô hình đô thị đại học hiện đại, ĐHQG TP.HCM là một trong những cơ sở giáo dục lớn nhất Việt Nam. Đến năm 2030, quy mô đào tạo dự kiến tại khu quy hoạch ĐHQG TP.HCM là 65.000 sinh viên.

Trong đó, có 7 trường đại học thành viên, 1 viện nghiên cứu khoa học thành viên (Viện Môi trường và Tài nguyên), 2 khoa trực thuộc (Khoa Y, Khoa Chính trị - Hành chính), 1 Phân hiệu tại tỉnh Bến Tre và 27 đơn vị trực thuộc là các tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện, các tổ chức phục vụ đào tạo, dịch vụ, với 38 đơn vị.

ĐHQG TP.HCM bao gồm các khu: Trung tâm Điều hành, Trung tâm Dịch vụ Công cộng, các trường đại học thành viên, các viện và trung tâm nghiên cứu khoa học, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng, Trung tâm Thể dục Thể thao, Ký túc xá Sinh viên, Nhà Công vụ, Công viên Khoa học.

Tại Quyết định số 790/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 3/7/2023 về phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng, ĐHQG TP.HCM đã có một số điều chỉnh quan trọng như bổ sung khu tái định cư 10,03ha trên địa bàn phường Linh Xuân, TP.Thủ Đức để tổ chức tái định cư cho các hộ dân nằm trong khu quy hoạch ĐHQG TP.HCM thuộc địa bàn TP. Thủ Đức.

Bên cạnh đó, tăng chỉ tiêu diện tích sàn trên sinh viên theo quy hoạch năm 2014 từ 15 - 18m2 sàn/sinh viên lên thành 20m2 sàn/sinh viên; cập nhật hạ tầng kỹ thuật một số tuyến đường, công trình trong khu đô thị và một số nội dung liên quan vấn đề xây dựng các hợp phần để phát triển Khu Đô thị ĐHQG TP.HCM...

Đặc biệt, điểm nhấn trong tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan theo quy hoạch phân khu xây dựng ĐHQG TP.HCM vừa được phê duyệt là tăng cường các mảng xanh.

Theo đó, ĐHQG TP.HCM được khuyến khích xây dựng các tổ hợp không gian chức năng theo hướng công trình xây, gắn kết hài hòa với cảnh quan tự nhiên.

Đồng thời, tổ chức không gian theo hướng ưu tiên bố trí các hạng mục công trình giảng dạy, học tập, nghiên cứu, thí nghiệm ở khu vực trung tâm, đáp ứng yêu cầu về không gian học tập, yên tĩnh, bố trí không gian công viên cây xanh, vườn hoa.

Như vậy, việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của ĐHQG TP. HCM. Từ đó, giúp ĐHQG TP.HCM đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bố trí tái định cư sớm có quỹ đất thực hiện các dự án.

Đặc biệt, việc nâng cao các chỉ tiêu diện tích sàn/sinh viên và điều chỉnh các hệ số trong quy hoạch tạo cơ sở, điều kiện để ĐHQG TP.HCM triển khai đầu tư xây dựng các dự án, công trình theo chuẩn mới, quy mô mới, đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất, phát triển ĐHQG TP.HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục hàng đầu châu Á như nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao phó.

Tính đến nay, các quy hoạch được điều chỉnh qua 5 lần, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt, trong lần này, khu ĐHQG TP.HCM đã được điều chỉnh quy hoạch xây dựng phân khu để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Dự kiến, từ cuối năm nay và đầu năm sau ĐHQG TP.HCM triển khai một số công trình hết sức quan trọng.

Trong đó, có hợp phần xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo với quy mô hơn 40.000m2 sàn; xây dựng sân vận động Khu liên hợp Thể dục thể thao; cải tạo sửa chữa một số công trình đã xuống cấp trong Khu đô thị ĐHQG TP.HCM...

Theo Quyết định số 790/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng ĐHQG TP.HCM, mục tiêu lập quy hoạch đáp ứng yêu cầu đào tạo và nhu cầu phát triển ĐHQG TP.HCM theo kế hoạch, chiến lược đã đề ra.

Cùng với đó, phù hợp với quy hoạch đô thị tại TP. Thủ Đức, TP.HCM và TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương; hướng tới xây dựng ĐHQG TP.HCM trở thành hạt nhân của khu sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ