Quy hoạch nuôi tôm theo hướng đảm bảo tính liên kết

GD&TĐ - Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp bàn về tình hình sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu tôm của cả nước và kiểm tra, khảo sát một số mô hình nuôi tôm tại tỉnh Bạc Liêu.

Quy hoạch nuôi tôm theo hướng đảm bảo tính liên kết

Tôm nước lợ là sản phẩm có vị trí đặc biệt quan trọng đối với ngành nông nghiệp với giá trị kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm trên 3 tỷ USD, tạo ra việc làm cho khoảng 2 triệu lao động, đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội nước ta. Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long là khu vực chiếm tỷ trọng chủ yếu về nuôi tôm, với hơn 94% về diện tích và khoảng 84% về sản lượng.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, nuôi trồng tôm tại các địa phương vẫn còn nhiều tồn tại như cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, công tác giám sát vùng nuôi chưa được quan tâm đầy đủ; việc dự báo cân đối cung cầu, kiểm soát chất lượng, lưu thông con giống sản xuất vẫn còn hạn chế, đầu tư cơ sở hạ tầng cho ao nuôi nhiều vùng chưa đáp ứng với yêu cầu kỹ thuật; sản xuất còn manh mún, nhiều cơ sở nhỏ lẻ, công tác tổ chức lại sản xuất, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác trong nuôi tôm gắn với chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới vẫn còn chậm...

Để khắc phục toàn diện những vấn đề tồn tại trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch về con tôm theo hướng đảm bảo tính liên kết vùng, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển bền vững tôm nước lợ đến năm 2025, định hướng 2030 theo hướng từng bước hình thành ngành công nghiệp sản xuất tôm với công nghệ cao và tôm sinh thái hiệu quả và phát triển bền vững. Rà soát hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến con tôm, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định. Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, nuôi trồng tôm nước lợ, kiên quyết xử lý các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Phát triển tôm nước lợ phù hợp thực tế từng địa phương

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương, rà soát, xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển tôm nước lợ cho phù hợp thực tế của từng địa phương và ứng phó biến đổi khí hậu; phối hợp với các địa phương xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, có giải pháp tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất giải pháp huy động các nguồn lực (bao gồm vốn ODA) để xây dựng và thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển tôm nước lợ; tham mưu báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung nguồn lực thực hiện Đề án tổng thể và Quy hoạch nuôi tôm nước lợ trong kế hoạch trung hạn 2016-2020.

Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, bổ sung các đề tài, nhiệm vụ khoa học, tập trung vào các khâu: chọn tạo, gia hóa giống tôm tăng trưởng, sạch bệnh, kháng bệnh; công nghệ thức ăn nuôi tôm; giải pháp kiểm soát môi trường và dịch bệnh, xử lý chất thải; công nghệ chế biến; xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại.

Có cơ chế vay vốn ưu đãi

Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước, các tổ chức tín dụng có cơ chế vay vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp, hộ, người nuôi tôm.

Bộ Tài chính nhanh chóng triển khai chính sách về bảo hiểm nông nghiệp, trong đó có bảo hiểm thủy sản; phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư bố trí vốn ngân sách cho các dự án nuôi và sản xuất giống tôm tập trung, các đề tài, nhiệm vụ khoa học ưu tiên.

Bộ Công Thương tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu tôm Việt Nam, mở rộng thêm thị trường cho ngành tôm.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh căn cứ tiềm năng, điều kiện thực tế và chiến lược phát triển của địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phát triển nuôi tôm, xác định rõ các mô hình phù hợp để thu hút nguồn lực thúc đẩy phát triển ngành tôm.

Đồng thời tổ chức thực hiện tốt việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong đó tăng cường tổ chức liên kết (hợp tác xã, tổ hợp tác), xây dựng các mô hình sản xuất thủy sản, trong đó có tôm, theo chuỗi; xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ phục vụ hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy sản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ