Quy hoạch mạng lưới cơ sở GD Đại học: Tương lai nào cho trường cao đẳng?

GD&TĐ - Do chỉ đào tạo giáo viên mầm non nên những năm trở lại đây, các trường cao đẳng sư phạm giảm mạnh về quy mô, hoạt động gặp nhiều khó khăn.

Giờ học trên giảng đường Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. Ảnh: NTCC
Giờ học trên giảng đường Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. Ảnh: NTCC

Trước thực trạng trên, dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đưa phương án phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên; trong đó có sắp xếp, tổ chức lại trường cao đẳng sư phạm.

Tinh gọn mạng lưới đào tạo

Theo dự thảo báo cáo tổng hợp Quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện cả nước có 20 trường cao đẳng sư phạm, 18 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên. Với các trường cao đẳng sư phạm, do chỉ đào tạo giáo viên mầm non nên quy mô giảm, hoạt động gặp nhiều khó khăn.

TS Trương Đình Thăng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị cho biết, nhà trường được Bộ GD&ĐT giao khoảng 100 chỉ tiêu/năm, tổng quy mô sinh viên cao đẳng sư phạm mầm non đang đào tạo là 300. Với quy mô này thì khó phát triển tốt.

10 năm trước, nhà trường luôn duy trì mức 1.500 đến 2.000 sinh viên sư phạm các ngành nghề, chưa kể các loại hình đào tạo khác. Tuy nhiên, khi Luật Giáo dục mới ban hành, trường cao đẳng sư phạm chỉ còn nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non dẫn đến số sinh viên của trường giảm sâu, hoạt động gặp nhiều khó khăn. Các trường cao đẳng sư phạm cùng chung một mối lo về định hướng phát triển, bởi những năm qua nhiều ý kiến về định hướng cho các trường cao đẳng sư phạm nhưng chưa có giải pháp rõ ràng.

“Khó có thể tồn tại với một cơ sở đào tạo chỉ có 1 ngành học. Trường muốn phát triển, chuyển đổi cũng không được vì chưa có định hướng cụ thể. Địa phương cũng lúng túng trong cách giải quyết vì liên quan đến nhiều thứ, từ con người đến cơ sở vật chất…”, TS Trương Đình Thăng cho biết.

Theo dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 của Bộ GD&ĐT, các trường cao đẳng sư phạm sẽ được tổ chức, sắp xếp lại theo phương án như sáp nhập vào một số trường đại học sư phạm hoặc một trường đại học có đào tạo giáo viên trong vùng, một trường đại học tại địa phương. Đến năm 2030, không còn đào tạo giáo viên tại trường cao đẳng sư phạm và trường cao đẳng đa ngành.

Đồng tình với phương án, TS Trương Đình Thăng cho rằng, điều này trả lời được cho câu hỏi “tồn tại hay không tồn tồn tại” mà nhiều năm qua các trường cao đẳng sư phạm trên toàn quốc mong muốn có định hướng rõ ràng để các trường và địa phương thực hiện. Đây vừa là thách thức lớn cho các trường đối với sự tồn tại, nhưng cũng là cơ hội để phát triển.

Theo TS Nguyễn Văn Cường, ĐH Potsdam (CHLB Đức), chủ trương không còn đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng sư phạm và các trường cao đẳng đa ngành phù hợp với đào tạo giáo viên phổ thông, vì Luật Giáo dục (2019) quy định trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên ở các cấp học phổ thông có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.

Tuy nhiên Luật Giáo dục quy định trình độ chuẩn của giáo viên mầm non có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên. TS Nguyễn Văn Cường băn khoăn, nếu quy hoạch theo hướng đào tạo giáo viên mầm non hoàn toàn được thực hiện trong các trường đại học thì có thể dẫn đến chi phí đào tạo cao, hạn chế khả năng đáp ứng nhu cầu về số lượng đối với đội ngũ giáo viên mầm non.

Cần quy hoạch để nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo giáo viên mầm non đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống giáo dục mầm non và đổi mới giáo dục, phù hợp quy định của Luật Giáo dục về giáo viên.

Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị chào đón tân sinh viên K28. Ảnh: NTCC

Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị chào đón tân sinh viên K28. Ảnh: NTCC

Bảo đảm quyền lợi người lao động

TS Nguyễn Văn Cường đặt vấn đề, đối với các trường bị tác động bởi quy hoạch, cần có giải pháp phù hợp để bảo đảm quyền lợi người lao động. Chẳng hạn các chương trình bồi dưỡng nâng cao trình độ hoặc đào tạo bổ sung để người lao động đáp ứng với yêu cầu mới của công việc hoặc các biện pháp hỗ trợ người lao động trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm mới.

Nhận định việc chuyển đổi chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, TS Trương Đình Thăng cho rằng: Nếu sáp nhập vào một trường đại học, yêu cầu trình độ với giảng viên đại học là thạc sĩ trở lên; giảng viên cao đẳng sư phạm chưa đủ điều kiện trình độ đào tạo khó được tiếp nhận. Vì vậy, địa phương cần có trách nhiệm rà soát, tính toán hợp lý để bố trí bảo đảm quyền lợi người lao động.

“Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị đã chuẩn bị tâm lý từ lâu cho cán bộ, giảng viên. Chúng tôi đã làm dự thảo đề án lần 1 về việc sáp nhập vào Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị để thành lập một trường đại học thành viên. Dự thảo định hướng rõ đối với thầy cô không đạt chuẩn dạy đại học sẽ điều động dạy học tại trường phổ thông liên cấp (Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị có một trường phổ thông liên cấp trực thuộc). Trường hợp không được dạy ở trường phổ thông liên cấp, địa phương có trách nhiệm sắp xếp, bố trí để bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ.

Quá trình quy hoạch mạng lưới đào tạo, nên có những phương án khác nhau với các trường đại học có quy mô nhỏ, hoạt động chưa hiệu quả. Nếu các trường này ở khu vực khó khăn, mạng lưới đào tạo cần phát triển thì phải có sự đầu tư, hỗ trợ phù hợp để nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả đào tạo.

Nếu trường ở khu vực có mạng lưới đào tạo mạnh, có thể tính đến biện pháp như sáp nhập, chuyển đổi mục tiêu, tư nhân hóa để cơ sở đào tạo thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. - TS Nguyễn Văn Cường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ