Quyết định của FED đã được hầu hết các nhà tài chính thế giới dự đoán từ trước; nhiều chuyên gia nói tín hiệu này cho thấy FED có thể tăng lãi suất trong tháng 12. FED nhiều lần tuyên bố rằng khi nào bắt đầu tăng lãi suất cho vay thì sẽ tăng một cách từ từ.
Các ngân hàng trung ương dùng lãi suất thấp như một bàn đạp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và lãi suất tăng lên cũng giống như một chiếc phanh giữ cho nền kinh tế không bị rơi vào tình trạng lạm phát cao hoặc giá trị chứng khoán ảo.
Quyết định của FED được đưa ra sau cuộc tranh luận của giới lãnh đạo của Ngân hàng Nhật Bản, định chế đề ra chính sách cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Giới chức Ngân hàng Nhật Bản điều chỉnh nỗ lực chống tình trạng giảm phát bằng cách tăng tốc tăng trưởng kinh tế.
Chương trình phức tạp này tập trung nhiều đến các mức lãi suất dài hạn cực kỳ thấp và tiếp tục nỗ lực tạo điều kiện dễ dàng cho dân vay vốn khởi nghiệp kinh doanh hay mua nhà.
Giới chức ngân hàng trung ương ở Washington, Tokyo và nhiều nơi khác đang đối mặt với tình trạng trì trệ tăng trưởng toàn cầu và thương mại quốc tế, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Chủ tịch FED Janet Yellen cho hay, quyết định giữ nguyên lãi suất của cơ quan này không phản ánh sự thiếu tự tin trong nền kinh tế. Nguyên nhân khiến FED chần chừ trong việc nâng lãi suất là do kinh tế Mỹ vẫn còn một số yếu kém và FED cần nhận thấy nhiều tín hiệu tích cực hơn chứng tỏ nền kinh tế phục hồi hoàn toàn, như tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,9% và tỷ lệ lạm phạt tăng dần tới ngưỡng mục tiêu 2%.
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - cho biết, FED tin tưởng kinh tế Mỹ tiếp tục đà phục hồi trong Quý III/2016 và ngân hàng này không loại trừ khả năng tăng lãi suất trước cuối năm nay.
Lần nâng lãi suất gần đây nhất của FED là tháng 12/2015, và đó là động thái nâng lãi suất đầu tiên trong gần một thập niên. Hiện lãi suất cơ bản ở Mỹ trong khoảng từ 0,25 - 0,5%.