Thực hiện chủ trương đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng, gắn kết với doanh nghiệp, khuyến khích mời được các các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý,.. am hiểu về chuyên môn tham gia vào quá trình đào tạo, thực hành, thực tập; Thông tư quy định: tăng tỷ lệ giảng viên thỉnh giảng trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh từ 5% lên 10% tổng số giảng viên toàn thời gian quy đổi của cơ sở đào tạo theo lĩnh vực trình độ đại học/theo ngành trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (trừ đối với các ngành đào tạo đặc thù thuộc lĩnh vực: Nghệ thuật và các ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ đại học); cho phép xác định giảng viên thỉnh giảng tham gia trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Bên cạnh đó, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đối với các ngành đào tạo ngôn ngữ dân tộc thiểu số Việt Nam thuộc nhóm ngành Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, giảng viên là người dân tộc thiểu số hoặc người có hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa dân tộc thiểu số phù hợp với ngôn ngữ văn hóa dân tộc thiểu số của ngành tham gia đào tạo có được ưu tiên trong xác định chỉ tiêu:
Có bằng tốt nghiệp trình độ đại học, cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số để xác định chỉ tiêu tương ứng hệ số tính chỉ tiêu của giảng viên có trình độ thạc sĩ (đối với giảng viên trợ giảng trong xác định chỉ tiêu đại học); có bằng tốt nghiệp trình độ thạc sĩ cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số để xác định chỉ tiêu tương ứng hệ số tính chỉ tiêu của giảng viên có trình độ tiến sĩ (trong xác định chỉ tiêu đại học), được tính để xác định chỉ tiêu tương ứng với giảng viên có trình độ tiến sĩ (trong xác định chỉ tiêu thạc sĩ, tiến sĩ).
Về cách tính xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT hướng dẫn: Chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học (trừ các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên) được xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo 23 lĩnh vực đào tạo thay thế, quy định việc xác định chỉ tiêu theo 7 khối ngành trước đây để hướng tới nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo, gắn với năng lực đào tạo chuyên môn trong phạm hoạt động nghề nghiệp, khoa học và công nghệ, đồng thời bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99 của Chính phủ.
Hơn nữa, trong 23 lĩnh vực có 22 lĩnh vực đã được quy định trong Danh mục giáo dục đào tạo cấp II thuộc Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân, còn quy định “lĩnh vực khác” (quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư) cho phép các cơ sở đào tạo phát triển các chương trình đào tạo liên ngành đáp ứng nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực.
Chỉ tiêu tuyển sinh đại học vừa làm vừa học đối với lĩnh vực Nghệ thuật và nhóm ngành Đào tạo giáo viên của cơ sở đào tạo được xác định tối đa không vượt quá 50% chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy theo từng lĩnh vực đào tạo (theo từng ngành đào tạo đối với nhóm ngành Đào tạo giáo viên) trình độ đại học của cơ sở đào tạo (quy định trước là 30%).
Để nâng cao chất lượng tuyển sinh đào tạo từ xa, Thông tư đã có quy định cụ thể trong xác định chỉ tiêu đào tạo từ xa trình độ đại học. Trong đó, chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo từ xa trình độ đại học hàng năm của cơ sở đào tạo được xác định theo từng lĩnh vực đào tạo từ xa và tính tối đa bằng tổng quy mô đào tạo từ xa xác định trên cơ sở năng lực đào tạo của từng lĩnh vực, đáp ứng đồng thời các tiêu chí số sinh viên đào tạo từ xa trình độ đại học trên một giảng viên quy đổi theo lĩnh vực đào tạo và tiêu chí số sinh viên đào tạo từ xa trình độ đại học trên một cán bộ quản lý, nhân viên hỗ trợ chuyên trách về đào tạo từ xa theo quy định tại Thông tư, trừ đi tổng quy mô sinh viên đào tạo từ xa trình độ đại học thực tế đang đào tạo tại cơ sở đào tạo và các trạm đào tạo từ xa của lĩnh vực đào tạo tương ứng, cộng thêm số sinh viên đào tạo từ xa trình độ đại học dự kiến sẽ tốt nghiệp trong năm tuyển sinh của lĩnh vực đào tạo đó.