Nhà giáo Trần Huy (tranmaihoaithy@gmail.com) hỏi: Tôi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm và được ký hợp đồng thử việc lần đầu với một trường THCS, hưởng lương ngạch giáo viên THCS, mã số 15a202, mức lương 85%, bậc 1/10, hệ số 2,1, có đóng bảo hiểm XH và thực hiện đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ khác theo hợp đồng đã ký với lãnh đạo nhà trường( Có văn bản phê duyệt bổ sung nhân sự của Trưởng phòng GD&ÐT).
Nay tôi đã tự túc đi học liên thông và có bằng Ðại học. Hè tôi vẫn được nhận lương. Vào năm học mới tôi vẫn được ký hợp đồng lại với nhà trường.
Tôi xin nhờ tòa soạn giải đáp giùm tôi một số thắc mắc như sau: Tôi có được nâng bậc lương theo bằng hay không? Nếu có thì vào thời gian nào và thủ tục ra sao? Những giáo viên có cùng trường hợp như tôi có được truy nhận lương kể từ thời điểm có bằng đại học hay không?
* Trả lời:
Theo Điều 32 Luật Viên chức quy định: Khi đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu, viên chức có thể được chuyển sang vị trí việc làm mới nếu có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm đó.
Việc lựa chọn viên chức vào vị trí việc làm còn thiếu do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
Khi chuyển sang vị trí việc làm mới, việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng làm việc hoặc có thay đổi chức danh nghề nghiệp được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 28 và Điều 31 của Luật này.
Căn cứ vào quy định nêu trên, sau khi bạn tốt nghiệp đại học nếu nhà trường có nhu cầu người có trình độ đại học đối với môn học mà bạn đang dạy thi bạn có thể được chuyển sang vị trí làm việc mới.
Khi chuyển sang vị trí việc làm mới, việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng làm việc hoặc có thay đổi chức danh nghề nghiệp được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 28 và Điều 31 của Luật này.
Cụ thể như sau :
Theo khoản 1 Điều 28 Luật Viên chức quy định : Trong quá trình thực hiện hợp đồng làm việc, nếu một bên có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng làm việc thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc. Khi đã chấp thuận thì các bên tiến hành sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan của hợp đồng làm việc. Trong thời gian tiến hành thoả thuận, các bên vẫn phải tuân theo hợp đồng làm việc đã ký kết. Trường hợp không thoả thuận được thì các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết hoặc thoả thuận chấm dứt hợp đồng làm việc.
Còn tại Điều 31 Luật này quy định về bổ nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp như sau :
- Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện theo nguyên tắc : Làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm đó; Người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó.
- Việc thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện thông qua thi hoặc xét theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.
- Viên chức được đăng ký thi hoặc xét thay đổi chức danh nghề nghiệp nếu đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu và đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
- Chính phủ quy định cụ thể quy trình, thủ tục thi hoặc xét, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp của viên chức; phân công, phân cấp việc tổ chức thi hoặc xét, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp của viên chức.
Các bộ, cơ quan ngang bộ được giao quản lý nhà nước về các lĩnh vực hoạt động của viên chức chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ quy định cụ thể tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; điều kiện thi hoặc xét thay đổi chức danh nghề nghiệp của viên chức.