Quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục

GD&TĐ - Độc giả hỏi quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Theo quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, trình tự cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài gồm 3 bước: Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cấp quyết định cho phép thành lập, cấp quyết định cho phép hoạt động.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định: “Nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư trong nước và của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập cơ sở giáo dục. Thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư”.

Tuy nhiên, Nghị định không quy định cụ thể thủ tục chuyển đổi từ cơ sở giáo dục Việt Nam sang cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài như thế nào. Hiện, chưa có quy định hướng dẫn trường học thông thường chuyển đổi sang cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài như thế nào? Xin hỏi, có phải xin cấp phép lại về việc thành lập trường, xin cấp phép lại về cho phép hoạt động giáo dục không? (trannam***@gmail.com)

* Trả lời:

Bộ GD&ĐT cho biết, Khoản 3 Điều 31 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục quy định về trình tự cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài gồm 3 bước: Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cấp quyết định cho phép thành lập, cấp quyết định cho phép hoạt động.

Điều 23 Luật Đầu tư năm 2020 quy định về việc “Thực hiện hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài” như sau: Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh; Có tổ chức kinh tế quy định tại Điểm a Khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại Điểm a Khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ”.

Như vậy, chuyển đổi từ cơ sở giáo dục Việt Nam sang cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được căn cứ vào quy định tại Điều 23 Luật Đầu tư.

Mọi ý kiến thắc mắc về chế độ chính sách đối với nhà giáo, bạn đọc gửi về chuyên mục: Hộp thư bạn đọc - Báo Giáo dục & Thời đại: 15, Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Email: bandocgdtd@gmail.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ