Quy định cộng điểm ưu tiên đừng để lạc hậu, máy móc

GD&TĐ - Chế độ cộng điểm ưu tiên tuyển sinh vào lớp 10 đang được nhiều địa phương áp dụng vào thực tế một cách máy móc...

Thí sinh Hải Dương tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập, hệ không chuyên năm học 2023 - 2024. Ảnh: Thế Anh
Thí sinh Hải Dương tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập, hệ không chuyên năm học 2023 - 2024. Ảnh: Thế Anh

Tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2023 - 2024, nhiều địa phương áp dụng chế độ ưu tiên cộng điểm cho con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 và con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Theo các đại biểu Quốc hội, quy định này đã lạc hậu và máy móc.

Đối tượng chưa sát thực tế

Ngày 31/3/2023, Sở GD&ĐT Hà Nội phát hành Văn bản về việc hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023 - 2024. Theo Phụ lục văn bản hướng dẫn, một trong những đối tượng được áp dụng chế độ ưu tiên cộng 1,5 điểm là: Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Tương tự, tại mục “Chế độ ưu tiên” của Kế hoạch tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2023 - 2024 (Ban hành kèm theo Quyết định số 526/QĐ-UBND ngày 16/3/2023 của UBND tỉnh Nam Định) nêu: Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thuộc đối tượng được cộng 2 điểm khi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập không chuyên.

Cũng với đối tượng này, tỉnh Hải Dương quyết định cộng 3 điểm ưu tiên trong tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023 - 2024.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định đối tượng ưu tiên như trên không còn phù hợp thực tiễn nên có phần lạc hậu, máy móc. Bà Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Dương cho biết: “Trước hết phải khẳng định, quy định không sai nhưng thừa và không còn phù hợp. Dường như các địa phương đang áp dụng máy móc”.

Đại biểu đoàn Hải Dương phân tích, học sinh thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023 - 2024 thuộc độ tuổi từ 14 - 15; trong khi các sở GD&ĐT lại tính đến cả đối tượng con của người hoạt động cách mạng trước năm 1945. Với những người này, nếu còn sống thì nay cũng gần 100 tuổi và con họ ít nhất cũng thuộc những người “xưa nay hiếm”.

Theo đại biểu Quốc hội đoàn Hải Dương, các địa phương lý giải: Quy định trên áp dụng từ Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ GD&ĐT về quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Mục đích của thông tư nhằm rà soát và đảm bảo quyền lợi cho tất cả trường hợp thí sinh, không bỏ sót bất kỳ ai.

Tuy nhiên, sau hơn 9 năm triển khai thực hiện, các địa phương vẫn áp dụng vào thực tế một cách máy móc; không cần biết các đối tượng áp dụng chính sách có còn phù hợp hay không. Điều này, vô hình trung gây ra những phản ứng trái chiều trong dư luận. “Đây là sự cẩu thả của địa phương, không tính toán, chọn lọc phù hợp” - bà Nguyễn Thị Việt Nga nói.

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài

Cần rà soát, điều chỉnh

Ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng, đối tượng thí sinh là con của người hoạt động cách mạng trước năm 1945 thuộc nhóm thiểu số; thậm chí không có và quá xa so với thực tế hiện nay.

Do vậy, các địa phương và cấp có thẩm quyền cần xem xét điều chỉnh, không nên máy móc áp dụng; ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải cập nhật thường xuyên, nhằm bảo đảm các quy định của chính sách phù hợp với tình hình thực tế và được áp dụng phổ biến cho đại chúng.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề nghị, các địa phương rút kinh nghiệm khi xác định đối tượng ưu tiên sao cho hợp lý. Chẳng hạn như, những tỉnh, thành phố không có học sinh sinh sống ở biên giới, hải đảo thì không nên đưa vào đối tượng được cộng điểm ưu tiên. Nếu có thì quy định như vậy thừa, xa rời thực tế.

Đồng quan điểm, bà Hồ Thị Minh – Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Trị trao đổi, với quy định đã lỗi thời thì cần sửa đổi hoặc thay thế. Bộ GD&ĐT, ngành chức năng và các địa phương cần rà soát, đánh giá quy định về cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh vào lớp 10. Hiện có quy định không còn phù hợp nhưng nhiều địa phương vẫn áp dụng máy móc. Do đó, cần có đợt rà soát tổng thể những văn bản đã ban hành cách đây từ 10 năm để chỉnh sửa, bổ sung và cập nhật kịp thời thực tiễn.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) - cho hay, thông tư quy định các đối tượng được cộng điểm ưu tiên được ban hành năm 2014.

Khi đó, ban soạn thảo muốn bao quát tất cả các đối tượng; trong đó tính cả con đẻ, con nuôi hợp pháp của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Ví dụ người tham gia hoạt động cách mạng từ những năm 15 tuổi nhưng đến 60 - 70 tuổi, thậm chí nhiều tuổi hơn mới nhận con nuôi. Như vậy, vẫn có thể con thi vào lớp 10 khi bố mẹ nuôi ở độ tuổi khoảng 90.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, chính sách có tính thời điểm, cách đây 10 năm, mọi việc hoàn toàn khác; đến khi đối tượng không còn sẽ bãi bỏ. Tuy nhiên, cần tính đến độ trễ nhất định nhằm đảm bảo quyền lợi cho người đáng được hưởng chế độ ưu tiên và không để bỏ sót một ai.

Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT không quy định mức điểm ưu tiên cụ thể là bao nhiêu. Việc này sẽ do sở GD&ĐT địa phương quyết định. Thông tư được ban hành cách đây gần 10 năm. Do đó, Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch rà soát, xem xét; nếu có những quy định không còn phù hợp thì sẽ điều chỉnh.

Thí sinh thi vào lớp 10 thường là 15 tuổi, ông Phạm Văn Hòa – Đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Tháp đặt vấn đề: Có trường hợp nào con cái của những người hoạt động cách mạng trước năm 1945 nằm trong độ tuổi này không? Theo đại biểu, thực tế những người hoạt động cách mạng trước 1945 đến thời điểm này tuổi đã cao, không còn đủ sức khỏe để nhận con nuôi, con đẻ càng không có.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ