Tôi là giáo viên THCS dạy môn Tin học, có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) 15 năm. Vì hoàn cảnh nên tôi xin nghỉ việc ở thành phố, sau đó về quê thi tuyển viên chức giáo viên Tin học cấp tiểu học.
Tôi tiếp tục đóng BHXH tiếp theo. Tôi hưởng lương giáo viên tiểu học hạng III, bậc 1 như giáo viên mới ra trường. Giờ tôi phải đợi đủ 9 năm sau mới được thăng hạng phải không? (ngocbich***@gmail.com)
* Trả lời:
Việc xác định tổng thời gian giữ hạng (đủ từ 9 năm) để làm căn cứ bổ nhiệm, chuyển xếp từ chức danh nghề nghiệp (CDNN) giáo viên viểu học, THCS hạng II cũ sang CDNN giáo viên tiểu học, THCS hạng II mới còn chưa thực hiện thống nhất ở một số nơi. Một số địa phương yêu cầu 9 năm này phải là 9 năm giáo viên đã đạt trình độ đại học.
Theo quy định sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, điều kiện để giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II cũ được chuyển xếp sang CDNN giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II mới là có tổng thời gian giữ hạng III cũ và hạng II cũ đủ từ 9 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự).
Trong đó, Bộ GD&ĐT không quy định điều kiện về trình độ đào tạo là đại học đối với tổng thời gian giữ hạng này. Do đó, việc một số địa phương yêu cầu 9 năm giữ hạng III cũ và hạng II cũ phải là 9 năm giáo viên đã đạt trình độ đại học là không đúng.
Theo thư bạn viết, hiện bạn đang là giáo viên tiểu học nên việc bổ nhiệm, thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp sẽ phải đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn đối với giáo viên tiểu học.
Bạn có thể tham khảo Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-BGDĐT ngày 21/7/2023 của Bộ GD&ĐT “Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng viên dạy trong các trường tiểu học công lập”. Ngoài ra, bạn có thể liên hệ với phòng GD&ĐT, phòng Nội vụ của địa phương - nơi bạn đang công tác để được hướng dẫn và giải đáp thỏa đáng.
Mọi ý kiến thắc mắc về chế độ chính sách đối với nhà giáo, bạn đọc gửi về chuyên mục: Hộp thư bạn đọc - Báo Giáo dục & Thời đại: 15, Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Email: bandocgdtd@gmail.com