PGS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp: Hai quy chế thi thể hiện tinh thần trách nhiệm cao
Quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 với nhiều điểm mới có lợi cho thí sinh.
Trước tiên phải khẳng định: Bộ GD&ĐT đã rất cầu thị, cẩn trọng và quyết tâm để chính thức ban hành các quy chế này, đảm bảo sự hài hòa trong yêu cầu đổi mới, vừa tạo được tính ổn định và phát triển, đảm bảo quyền lợi của thí sinh, tạo thuận lợi cho công tác triển khai của các cơ sở giáo dục, cùng nhiều vấn đề khác có liên quan.
Theo quy chế thi chính thức, hạn cuối nhận hồ sơ dự thi là trước ngày 30/4 hàng năm (thay vì ngày 1/4 như Dự thảo) là rất hợp lý, tạo khoảng thời gian đủ để triển khai và thực hiện những quy định mới một cách chu đáo nhất.
Bên cạnh đó, thí sinh được cấp 1 giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển nguyện vọng 1 và 3 giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét nguyện vọng bổ sung. Điều này giúp cho thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển, nhưng quan trọng hơn các trường đại học cũng có nhiều cơ hội để tuyển được thí sinh giỏi vào học.
Việc bố trí lại số lượng và cơ cấu các cụm thi là một quyết định kịp thời và với tinh thần trách nhiệm cao, tháo gỡ được nhiều gút mắc của cơ sở, tạo thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh.
Quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 đã được xây dựng với nhiều nội dung rất cụ thể, tối ưu trong điều kiện hiện nay. Các trường ĐH, CĐ, các cơ sở giáo dục, phụ huynh và học sinh rất ủng hộ các quy chế này.
TS Bảo Khâm - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế): Những quy định mới mang tính kế thừa, thể hiện sự cầu thị
Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy Bộ GD&ĐT vừa công bố thể hiện sự cầu thị, tiếp thu ý kiến của xã hội, theo hướng có lợi cho các phía.
Đơn cử như việc tổ chức cụm thi, quy chế đã có sự tách bạch rõ ràng cụm thi cho các thí sinh dự thi có sử dụng kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ và cụm thi cho thí sinh chỉ dùng kết quả để xét công nhận tốt nghiệp.
Với cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH. Tôi cho rằng, đây là quy định hợp lý, tạo ổn định cả về mặt tâm lý và thuận tiên hơn cho việc tổ chức.
Trước đây, khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo quy chế, tôi cũng đã có ý kiến, lo lắng nếu các cụm thi đều do trường ĐH chủ trì tổ chức, lại tập trung vào một đợt, số lượng thí sinh sẽ quá lớn.
Nay, quy chế đã chia bớt công việc, sự phân công cũng rất tách bạch, tôi cho đây là cách làm đúng. Khi số lượng thí sinh giảm thi thì các trường ĐH cũng sẽ thuận tiện hơn trong việc điều hành cán bộ tham gia kỳ thi.
Có điều, với cách làm này, Ban Chỉ đạo thi trung ương sẽ vất vả vì phải liên hệ với nhiều đầu mối hơn.
Một điểm nữa, việc giữ nguyên thang điểm 10 như quy định của quy chế chính thức cũng thuận hơn cho thí sinh và các trường vì trước đến nay chúng ta đã quen với hệ điểm này. Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là tính phân loại của đề thi như thế nào.
Còn hai điểm nữa tôi thấy hợp lý, đó là trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ, thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi lùi lại đến 30/4 và các thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi.
Việc lùi thời gian nhận hồ sơ là đúng vì phải đến lúc đó, các trường mới có thể có đủ thời gian để chuẩn bị; thí sinh cũng được rộng rãi hơn trong việc lựa chọn các nguyện vọng.
Về đăng ký nguyện vọng, thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi. Trong đó 1 dùng cho xét tuyển nguyện vọng 1.
Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng I, không được đăng ký xét tuyển ở các đợt xét tuyển tiếp theo.
Tuy nhiên, trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác.
Thí sinh dùng 3 bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển các nguyện vọng bổ sung để đăng ký. Kết thúc mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo.
Có thể thấy, với quy định này, Bộ GD&ĐT rõ ràng đã có kế thừa và rút kinh nghiệm tại các kỳ tuyển sinh trước. Thí sinh vừa vẫn có nhiều cơ hội, các trường cũng rất rõ ràng, minh bạch trong xét tuyển. Tôi cho rằng, đây là quy định hết sức hợp lý.