"Truyện ngắn trong lòng bàn tay"

"Truyện ngắn trong lòng bàn tay"
Năm 2005 Nhà xuất bản “Giperion” lần đầu tiên cho ra mắt cuốn “Truyện ngắn trong lòng bàn tay” của nhà văn Nhật Bản nổi tiếng, giải thưởng Nobel văn học 1968 Kavabata Iaxunari (1899-1972). Những truyện ngắn ông viết trong suốt cả đời mình đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận. ở Nhật người ta gọi ông là “kho báu vật”. Những kiệt tác của Kavabata góp phần giúp cho cả thế giới nhận biết con người sinh ra trong lòng nền văn hoá Nhật là như thế nào.
Các nhà thơ Nhật thường chú trọng sự ngắn gọn, súc tích. Những bài thơ cực ngắn đã chinh phục cả thế giới. Cũng như vậy bằng những truyện ngắn mini Kavabata đã bổ sung thêm vào thi ca “sự đong đếm văn xuôi” trên những bàn tay ấm áp của mình, làm sống động hàng trăm số phận đan cài, giao thoa lẫn nhau để làm nên một Nhật Bản, đất nước không thể không yêu thương, mến mộ. Nhà văn đã gọi văn từ Nobel của mình là “nét đẹp bẩm sinh Nhật Bản”. Quả vậy, di huấn để lại vĩnh viễn với thời gian của Kavabata là tình yêu và cái đẹp. Truyện ngắn của ông móc nối với nhau tạo ra một vòng tròn thấm đầy không gian sống đượm buồn, long lanh sắc màu tình yêu và cái đẹp.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc chùm truyện ngắn trích từ cuốn sách nói trên.
Nhà tiêu của ông bụt
Đã lâu lắm rồi, năm ấy vào mùa xuân ở vùng Araxiama thuộc Kioto…Các quý bà, quý cô thuộc các gia đình dòng dõi, những nàng kỹ nữ và cả những cô gái làm tiền về đây thưởng thức cảnh hoa anh đào nở.“Xin thứ lỗi, chúng tôi có thể vào nhà đi nhờ vệ sinh được không ạ?” – Khách lễ phép hỏi người phụ nữ má ửng hồng đang đứng cạnh ngôi nhà quê kệch xiêu vẹo, trống trải của mình. Họ đi vào trong và - ôi, thật là ghê sợ! – Họ thấy “chỗ ấy” được quây bằng những tấm chiếu cũ, rách bươm. Mỗi khi có làn gió xuân thổi đến, chúng lại phất phơ, run rẩy. Nhìn cảnh tượng đó các quý bà thủ đô lạnh toát cả người. Có tiếng trẻ con khóc trong nhà vẳng ra.Thấy cảnh bất tiện mà những vị khách thủ đô phải chịu đựng, anh nông dân chủ nhà quyết định xây một nhà vệ sinh nhỏ có treo biển đề : “Nhà vệ sinh thu tiền. Ba xu một lần”. Mùa hoa Anh đào nở năm ấy nhà vệ sinh thắng đậm, chủ tích cóp được món tiền khá lớn.Anh nông dân hàng xóm ghen ăn tức ở, thấy thế bèn bảo vợ: “Thằng cha Khatikhêi phất to nhờ có cái nhà vệ sinh. Mùa xuân này mình cũng làm một cái hoành tráng hơn hẳn nhà nó”. Người vợ đáp: “Kế hoạch của anh không ăn thua đâu. Tất nhiên mình có thể mở phòng mới, nhưng người ta đi trước, khách quen rồi, không khéo nhà mình đã nghèo lại nghèo thêm ấy chứ”.- Thế là em không hiểu rồi. Phòng vệ sinh của chúng ta sao lại bì với cái chuồng xí hôi thối nhà ấy được. Em phải biết rằng, dân thủ đô chuyện này người ta kỹ tính, cầu kỳ lắm. Anh sẽ thiết kế một phòng vệ sinh có phong cách kiến trúc kiểu phòng trà. Cột kèo lên hẳn Kitaiama đặt làm, Iôxino làm xấu lắm. Giữa trần nhà đóng một cái móc tạo dáng đẹp để treo sợi sích và một bình trà. Em thấy ý tưởng tuyệt vời chứ? Các cửa sổ nhỏ ta làm thấp, ván sàn bào nhẵn. Trên tường treo cây cảnh mua từ Satxum về, đây đó đắp phù điêu trang trí. Cửa làm bằng gỗ trắc bá diệp, mái lợp gỗ bá hương, bậc tam cấp lát đá hoa cương Kuram. Bờ giậu xung quanh bằng tre. Cạnh chậu rửa anh sẽ trồng một cây thông. Khi ấy kể cả các xảo thủ trà đạo nổi tiếng Xenkê, Enxu, Uraku, Khaiami… tất tần tật chúng mình coi khinh hết.Vợ nghe chồng nói lòng đầy thắc thỏm lo ngại. Lát sau mới hỏi: “Thế mình định thu phí bao nhiêu?”.Anh chồng ra sức chạy vạy, lo toan và gần đến mùa hoa Anh đào nở thì dựng xong “lâu đài” của mình. Anh nhờ sư cụ nổi tiếng chữ tốt viết cho một biển tên chuẩn mực “Nhà vệ sinh thu phí, tám xu một lượt”.Nhưng các quý bà thủ đô không ai dám bỏ ra ngần ấy tiền để vào nhà vệ sinh này, mặc dù nghe nói nó rất “tráng lệ”.Trước cảnh tình đó người vợ giận dữ đấm tay, đạp chân lên tường xuống sàn nhà mà đay nghiến chồng: “Anh thấy chưa, tôi nói có sai đâu. Anh phá tán vào đấy bằng hết tiền của chúng ta rồi! Bây giờ lấy gì mà sống hở trời?”.- Em chớ có nóng vội! Ngày mai anh sẽ thu xếp ổn thoả hết. Rồi em xem, khách sẽ rồng rắn xếp hàng đông như kiến ấy chứ! Sáng mai em dậy sớm hơn mọi khi, chuẩn bị sẵn đồ ăn đi đường cho anh. Trong khi anh đang trên đường hành hương, khách sẽ đến nhà ta đông như trảy hội cho mà xem.Anh chồng hí hửng trước mưu kế của mình. Sáng hôm sau mãi gần tám giờ, muộn hơn mọi khi anh mới dậy. Treo hộp cơm lên cổ xong anh nhìn vợ buồn rầu nói: “Mình ạ, suốt đời mình vẫn đay nghiến tôi là thằng cu ngơ cu ngẩn, toàn nghĩ những chuyện khờ khạo, nhố nhăng. Hôm nay tôi sẽ cho em biết tay. Tôi sẽ đi khỏi đây và khách sẽ đến vô thiên lủng. khi nào hố phân đầy, thì mình treo bảng báo tạm đóng cửa rồi gọi lão hàng xóm Đzirôkheô sang dọn cho”.Người vợ quá ngạc nhiên không nói gì. Không hiểu anh ấy đi đâu nhỉ? Chắc là ra thành phố, vừa đi vừa rao “Nhà vệ sinh thu phí đây! Xin mời quý khách đến thăm!”.Trong lúc đang nghĩ miên man như thế chị vợ đã thấy có một cô gái đến thả tám xu vào hộp đựng tềin rồi đi vào nhà vệ sinh.Lát sau cả một đoàn đông, lũ lượt theo nhau thả tiền vào hộp. Chị vợ chỉ còn biết trố mắt ra nhìn. Chẳng mấy chốc chị phải đóng cửa, gọi người hàng xóm sang giúp. Ngày hôm ấy chị ta thu được tám trăm xu và năm lần ông hàng xóm phải sang thu dọn đỡ. “Thế mới tài! Lần đầu một ý tưởng của anh ấy đã thành công mỹ mãn. Anh ấy đâu chỉ là người chồng bình thường, mà là ông Bụt thiêng của ta đấy!” Người vợ phấn khởi đi mua chai Sakê và ngồi chờ chồng về. Nhưng bất hạnh thay! – Lát sau người ta khiêng cái xác không hồn của anh vào nhà.“Người ta tìm thấy anh ta trong nhà vệ sinh của Khatikhêi, anh ta chết vì tội thống phong”.Thì ra sáng nay sau khi thả ba xu vào hộp tiền nhà hàng xóm, anh liền đi thẳng vào phòng vệ sinh, khoá trái cửa lại. Mỗi khi có ai đi đến gần, anh lại bắt đầu ho đánh tiếng. Phải cố rặn ho suốt ngày như thế, giọng anh khản đặc lại, đến khi mặt trời lặn thì hoàn toàn kiệt sức,  chân tay co quắp không thể cử động được nữa.Biết chuyện người dân thủ đô bàn tán với nhau:- Tiếc thay cho một người thanh tao, tinh tế như thế mà phải sớm đứt đoạn, lìa đời!.- Một bậc thầy về phong cách kiến trúc phòng trà đạo không thể tìm ra được nữa.- Một kiểu tự vẫn đẹp chưa từng có ở Nhật Bản.Mọi người đều hoà đồng với những lời tụng ca đó.
                                    Đỗ Quyên dịch từ Tiếng Nga
  Chuyện về một người đàn bà
Vị thiền sư có cái đầu như quả bí ngô hỏi võ sĩ đạo trẻ tuổi vừa bước vào đền qua cửa chính rằng:- Khi võ sĩ đến đây có thấy đám cháy không?- Dạ thưa thầy, con có thấy ạ. ở đó có một người đàn bà khóc than nức nở, thương xót người chồng bị chết cháy. Thảm thương thay cho bà ta.- Ha-ha-ha! Tiếng khóc vờ vịt vớ vẩn đấy mà.- Dạ thưa thầy sao thế ạ? - Ta muốn nói là người đàn bà ấy thực lòng đang sướng rơn người vì chồng nàng không còn trên cõi đời này nữa. Ta cho rằng trong chuyện này có một người đàn ông khác can dự vào. Nàng đã chuốc rượu chồng say bí tỉ rồi gọi người tình đến đập vỡ đầu chồng sau đó phóng hoả đốt nhà phi tang. Ta cho rằng, sự việc đã diễn ra như thế.- Đó chỉ là chuyện thêu dệt thôi ạ!- Hoàn toàn không phải thế. Tiếng khóc của bà ta…- Tiếng khóc của bà ta làm sao ạ? - Đôi tai của con người không có gì khác đôi tai Phật..- Hừm…Nếu thiền sư nói đúng, thì người đàn bà này là loài quái vật hiện hình.Võ sĩ đạo nét mặt cau có, chạy ra khỏi đền. Một lát sau anh ta vội vã quay lại.- Thưa thầy…- Con định nói gì thế?- Thưa, con đã cho một nhát kiếm trừng trị…- Ha-ha-ha! Thì ra thế…- Vâng, con đã giết người đàn bà đó. Nhưng vừa rút kiếm ra con bỗng nghi ngờ lời thầy nói. Trước mắt con, người đàn bà hai tay ôm ghì lấy xác chồng cháy thui khóc thương vật vã. Nhìn thấy thanh kiếm tút trần, nàng vội chìa tay về phía con nói : “Ông định giết tôi phải không? Phải đấy, xin ông hãy cho tôi đi cùng với nhà tôi nhé? Xin đội ơn, đội ơn ông!” Bà ta đã nhận cái chết với một nụ cười trên môi.- Đúng, cần phải như thế.- Nghĩa là sao ạ?- Khi ta quan sát, nàng khóc giả. Khi võ sĩ đến, nàng khóc thật. - Xem chừng dù là nhà sư nhưng thầy vẫn thích đùa cợt?- Có thể như vậy, thưa võ sĩ, tai võ sĩ không phải là tai Phật.- à, thế ra vì mi mà ta làm ô nhục thanh kiếm của ta! Giờ mi bảo ta phải làm gì tiếp đây?- Hãy cho phép tôi rửa vết nhơ này cho kiếm. Mời võ sĩ rút kiếm ra khỏi bao.- Để phạt bỏ “quả bí” rỗng tuyếch ra khỏi cổ mi à?- Võ sĩ làm điều đó khiến thanh kiếm của ngài càng ô nhục hơn.- Vậy thì…- Xin chớ vội, võ sĩ hãy trao thanh kiếm cho tôi.Võ sĩ đạo miễn cưỡng trao thanh kiếm cho nhà sư. Cầm thanh kiếm trong tay, nhà sư bỗng thét to lên một tiếng “hê!” rồi lấy hết sức bình sinh ném nó về phía bia mộ gần đó. Tiếng kiếm bay rít lên trong gió, cắm phập vào ngôi mộ. Từ tấm đá nắp mộ rỉ ra một dòng máu tươi.- Cái gì vậy?- Đó là dòng máu của người chồng bị giết chết.- Máu của người chồng à?- Không, đây là máu của chị vợ anh ta.- Hả?! Này nhà sư, mi định tra tấn ta bằng trò ma thuật gì thế?- Không, không có gì là ma thuật cả. Nấm mộ này từ xửa từ xưa đã chôn cất những người chồng bị chết cháy tương tự như nạn nhân hôm nay. Võ sĩ đạo bỗng thấy ớn lạnh khắp người.- Thưa thầy! Thanh kiếm hiển hách này đã được các cụ tổ ngày xưa truyền lại cho con cháu ngày nay trong dòng họ, vì vậy…- Vậy thi nên rút nó ra sẽ tốt hơn.Võ sĩ đạo gật đầu và đưa tay ra cầm lấy chuôi kiếm. Nhưng khi anh ta rút thanh kiếm về phía mình thì phiến đá nắp mộ bỗng cựa mình, nứt toác, rơi xuống đất, tiếng lưỡi gươm bị bẻ gẫy vang ngân. Trong nháy mắt, một lớp rêu xanh phủ kín chỗ đá nứt, không còn thấy ngay cả những vết xước trên đó.- A…ha! Kỳ diệu thật!Đôi chân võ sĩ đạo khuỵu xuống ngay nơi đang đứng. Anh đưa mắt nhìn thanh kiếm gãy.Còn nhà sư thì vừa bước thong dong trở về đền vừa nói:- Đã đến giờ tụng kinh rồi.
Đỗ Quyên theo “KOLO”.RU
Chuyện về một khuôn mặt chết
“Vào đi con. Rồi con sẽ thấy chuyện gì đã xảy ra với nhà con. Ôi, nó muốn gặp con lần nữa biết chừng nào!”Bà mẹ vợ lật đật dẫn chàng rể vào phòng. Những người đang ở bên giường người quá cố quay lại về phía chàng.“Con lại nhìn mặt nó đi”, - bà  mẹ vợ vừa nói vừa định nhắc miếng vải che mặt người quá cố.Thật bất ngờ với chính cả bản thân mình, anh nói: “Mẹ đợi cho một lát. Con có thể ở lại một mình để vĩnh biệt nhà con được không ạ?”Bố mẹ đẻ, anh chị em ruột người quá cố chấp nhận lời yêu cầu của chàng với sự thông cảm sâu sắc. Họ lặng lẽ rời khỏi căn phòng và đóng cửa lại.Chàng nhắc miếng vải che mặt.Khuôn mặt người quá cố hiện rõ vẻ đớn đau trước lúc chết. Hai má hõm sâu, những chiếc răng nhô ra từ cái miệng khép hờ. Mầu răng xám sỉn chết chóc. Hai mí mắt cứng dại, đồng tử như dính vào chúng. Trên vầng trán hằn rõ vẻ đau khổ lúc hấp hối.Người chồng ngồi bất động hồi lâu, đưa mắt nhìn khuôn mặt thê thảm của vợ từ trên xuống dưới. Anh đưa hai bàn tay run rẩy ra định khép kín cặp môi khép hờ lại. Nhưng thật vô ích. Dù làm đi làm lại mãi những động tác ấy, cuối cùng những nếp nhăn cứng dại vẫn chỉ giãn ra một chút gọi là. Anh cảm thấy nối khiếp sợ hội tụ lại trên đầu mút những ngón tay. Anh vuốt trán vợ, những mong xoá vợi đi sự căng thẳng lúc lâm chung. Lòng bàn tay anh ấm lên.Và rồi anh lại ngồi bất động để ngắm nhìn khuôn mặt biến dạng của người quá cố.Bà mẹ vợ và cô em giá út bước vào. “Tầu xe đi lại vất vả, mệt mỏi anh ăn tạm chút gì rồi đi nghỉ nhé?”.Bà mẹ bỗng bật khóc.“Linh hồn người ta quả là linh thiêng, bí hiểm. Con gái mẹ chẳng thể nào nhắm mắt hẳn được, nó mong đợi anh về. Thật kỳ lạ! Anh chhỉ ngó qua một chút, khuôn mặt nó giờ đây trông thanh thản hẳn. Mọi sự thế là tốt lành. Con gái mẹ được yên lòng”.Cô em vợ đưa cặp mắt trong sáng, đẹp thánh thiện lặng nhìn khuôn mặt dại đờ của người anh rể và nức nở khóc.

Một mối tình mãnh liệt
Hắn yêu vợ thật mãnh liệt và nghĩ rằng, nàng chết ở tuổi đang xuân là hình phạt mà ông trời dành cho hắn, bởi hắn đắc tội chỉ yêu say đắm có một người đàn bà duy nhất. Hắn tin chắc rằng, nàng chết bởi tình yêu cuồng dại của hắn - đó là nguyên nhân duy nhất, ngoài ra không còn điều gì khác ám ảnh hắn nữa.Từ ngày vợ chết, hắn bắt đầu xa lánh phụ nữ, thậm chí thay cả những thị tì trong nhà bằng nam giới. Không phải hắn ghét bỏ tất cả phụ nữ, không chỉ vì phụ nữ gợi cho hắn nhớ đến người vợ quá cố của mình. Bởi bất kỳ người phụ nữ nào hễ đứng cạnh bên bếp lò là đều khiến hắn thấy mùi cá rán thơm lừng y như vợ hắn còn sống đứng bên bếp thuở nào. Quả thật cái chết của nàng, hình phạt nặng nề vì một mối tình thái quá ấy khi đã trở thành niềm xác tín thì hắn đành chấp nhận sống nốt phần đời còn lại trong đơn côi.Nhưng dù sao trong  nhà hắn vẫn còn có một người là phái nữ sinh sống mà hắn không thể nào tránh được. Hơn thế nữa, trên khắp gầm trời này không thể có ai khác nữa lại giống người vợ quá cố như người này.Đứa con gái hắn mới đây vừa tròn mười lăm tuổi, bắt đầu đi học ở trường nữ sinh.Một buổi tối nọ trời đã khuya lắm rồi mà hắn vẫn thấy phòng con gái sáng đèn. Hắn khe khẽ mở cánh cửa vách ngăn nhìn vào trong và thấy con gái đang ngồi trên sàn hai chân bắt chéo, đầu cúi xuống chăm chú cắt vật gì đó bằng cái kéo nhỏ. Sáng hôm sau, đợi cho con gái vừa bước ra khỏi nhà đi học, hắn tìm thấy chiếc kéo kia và khi bàn tay vừa chạm vào lưỡi kéo sắc, hắn bỗng thấy rùng mình ớn lạnh.Đêm hôm sau trong phòng con gái hắn đèn lại sáng. Hắn lại ghé mắt nhìn qua khe cửa nhỏ. Đứa con gái thu gọn tấm vải phủ giường dưới sàn nhà cuộn lại và mang ra ngoài. Có tiếng vòi nước chảy vọng lại. Lát sau nó bê chiếc bếp than vào phòng, thổi bùng ngọn lửa leo lét cho cháy to lên rồi che tấm vải giải giường lên trên. Với vẻ mặt xa vắng, lạ lẫm nó ngồi xuống sàn nhà, đầu cúi xuống và bật khóc. Nó khóc chán chê xong, lau nước mắt và vừa sụt sịt vừa cắt móng tay ngay trên chiếc vải giải giường. Sau đó nó thu tấm vải lại, những mảnh móng tay cắt ra, rơi xuống bếp bốc lên mùi sừng bị đốt nóng.Hắn ngủ mê thấy người vợ quá cố báo mộng cho con gái biết về chuyện “do thám” đêm  của hắn.Cuối cùng vào một đêm nọ, đứa con gái cầm dao kề vào cổ hắn. Hắn biết điều này sớm muộn sẽ xảy ra và đành chấp nhận với ý nghĩ rằng, đó chính là hình phạt vì tình yêu thái quá của hắn đối với vợ. Nghĩ thế, hắn im lặng nhắm mắt. Khi đã biết chắc chắn rằng, đứa con gái sẽ giết chết kẻ thù của mẹ mình, hắn bình thản đợi lưỡi dao sắc lạnh cứa vào cổ.
Đỗ Quyên dịch từ tiếng Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ