"Trao quyền phụ nữ: Cơ hội và Thách thức trong khởi nghiêp"

"Trao quyền phụ nữ: Cơ hội và Thách thức trong khởi nghiêp"

(GD&TĐ) - Là tên Hội thảo quốc tế do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với Viện Pacific Century (Hoa Kỳ) khai mạc sáng nay (18/10) tại Hà Nội.

Các tham luận đều nhấn mạnh vai trò, đóng góp quan trọng của phụ nữ trong xây dựng xã hội hiện đại
Các tham luận đều nhấn mạnh vai trò, đóng góp quan trọng của phụ nữ trong xây dựng xã hội hiện đại

Với mục đích tăng cường và nâng cao trao đổi học thuật và chia sẻ kinh nghiệm về trao quyền cho phụ nữ trên toàn thế giới, Hội thảo đã quy tụ  các chuyên gia nghiên cứu quốc tế, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu tại Việt Nam, lãnh đạo doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các công ty truyền thông.

Được chia làm 5 phiên chính, mỗi phiên bao gồm 2 bài thuyết trình tham luận chính và phần thảo luận mở, Hội thảo đã làm rõ các nội dung, ngày nay, người phụ nữ trong xã hội được trao quyền để tham gia đầy đủ các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực, giúp xây dựng nền kinh tế mạnh hơn, đồng thời đạt được mục tiêu quốc tế về phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng.

Khu vực tư nhân đóng vai trò rất quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Nghiên cứu gần đây chứng minh rằng sự đa dạng về giới giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn nhằm tạo ra sự đồng thuận giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể. Tuy nhiên, để tích hợp được tài năng, kỹ năng và nhiệt huyết của phụ nữ từ vai trò điều hành cho tới xưởng sản xuất và chuỗi cung ứng, đòi hỏi phải có hành động và chính sách rõ ràng.

Do tầm quan trọng của trao quyền phụ nữ và sự cần thiết của kỹ thuật, công cụ và thực tiễn cho việc trao quyền đó, những nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ - được phát triển thông qua sự hợp tác giữa UN Women và Liên Hiệp ước toàn cầu của UN đã được thiết kế để cung cấp những hướng dẫn thực tế cho doanh nghiệp và khu vực tư nhân làm thế nào để trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc, thị trường và cộng đồng. Những nguyên tắc này sẽ hỗ trợ các công ty trong việc rà soát các chính sách và việc thực hành hiện có hoặc thành lập các chính sách mới để thực thi trao quyền cho phụ nữ.

Từ đó đã thống nhất các nguyên tắc chính trong trao quyền phụ nữ gồm có: Thiết lập lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao về bình đẳng giới; Đối xử bình đẳng với tất cả phụ nữ và nam giới tại nơi làm việc; Đảm bảo sức khỏe, an toàn và phúc lợi của tất cả người lao động nam và nữ; Thúc đẩy giáo dục, đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho phụ nữ; Thực hiện phát triển doanh nghiệp, chuỗi cung ứng và tiếp thị giúp trao quyền cho phụ nữ; Thúc đẩy bình đẳng thông qua các sáng kiến ​​và sự ủng hộ của cộng đồng; Đánh giá và báo cáo công khai về tiến trình đạt được bình đẳng giới.

Gần đây, số lượng phụ nữ Việt Nam giữ các vai trò lãnh đạo, điều hành, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp, tổ chức tăng lên đáng kể. Họ đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng bất bình đẳng giới, nghèo đói và thất nghiệp vẫn còn tồn tại trong cộng đồng. Do đó, trao quyền cho phụ nữ là một vấn đề đáng quan tâm đối với các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách.

Hiên Kiều

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ