"Trái đắng" đầu đời

"Trái đắng" đầu đời

(GD&TĐ) - Quan niệm về tình dục ngày càng thoáng trong khi kiến thức về sức khỏe sinh sản lại hạn chế nên không ít bạn trẻ đã nếm “trái đắng”. Điều đáng nói ở chỗ, không ít bạn trẻ là sinh viên trường y cũng mơ hồ về các biện pháp tránh thai cũng như phòng chống bệnh lây truyền qua đường tình dục.

20% ca nạo phá thai là trẻ vị thành niên

Thống kê  mới đây của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, mỗi năm cả nước có khoảng 1,2 triệu đến 1,6 triệu ca nạo phá thai, trong đó 20% ở lứa tuổi vị thành niên và tỷ lệ phá thai to là hơn 10%, gặp nhiều nhất ở học sinh, sinh viên. Hệ lụy của việc nạo phá thai sớm là vô sinh, khoảng 10% cặp vợ chồng vô sinh và có xu hướng ngày càng tăng. Nguyên nhân do cả vợ và chồng đều là 40%.

Còn theo khảo sát của  bác sĩ Nguyễn Duy Tài, Trưởng bộ môn Phụ sản (ĐH Y - dược TP HCM) tại bệnh viện Hùng Vương,  bệnh viện Từ Dũ và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM,  tỷ lệ vị thành niên có thai ngoài ý muốn gia tăng theo từng năm. Năm 2008 là 2,15%, năm 2009  tăng lên 2,45%. Trong nhóm vị thành niên có thai ngoài ý muốn trên, độ tuổi bắt đầu có quan hệ tình dục trung bình là 14 (sớm hơn nhiều so với con số trong điều tra quốc gia về thanh niên và vị thành niên lần 2 - 2010 là 18,1 tuổi, còn trước đó 5 năm là hơn 19 tuổi).

Trang bị kiến thức đầy đủ về SKSS sẽ giúp các bạn trẻ vững bước vào đời Ảnh minh họa: Xuân Tùng
Trang bị kiến thức đầy đủ về SKSS sẽ giúp các bạn trẻ vững bước vào đời  Ảnh minh họa: Xuân Tùng

Không chỉ có vị thanh niên nhận “trái đắng” mà sinh viên  các trường CĐ, ĐH cũng nhiều lần “vỡ kế hoạch”. Theo nghiên cứu của ThS Trần Văn Hường và cộng sự tại trường Đại học Sao đỏ (tỉnh Hải Dương) trên 417 sinh viên,  có tới 23,1% sinh viên  có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Một thông tin đáng lưu ý là  có tới 53%  sinh viên  không sử dụng các biện pháp tránh thai. 

Tư tưởng thoáng + Thiếu kiến thức

Là nhận định của ThS Nguyễn Thị Phương Yên (Trung tâm Nghiên cứu Giới& Gia đình, Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ) về  thanh niên hiện nay. Theo ThS Yên, mặc dù chuẩn mực văn hóa truyền thống chưa chấp nhận nhưng trên thực tế hành vi quan hệ tình dục trước hôn nhân vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở giới trẻ. Nguyên nhân do thanh niên hiện nay đã đồng nhất tình yêu với tình dục, coi đây là lựa chọn của cá nhân chứ không phải là tiêu chuẩn để đánh giá nhân cách, đạo đức như trước đây.

Để làm rõ hơn nhận định của mình, ThS Yên đã khảo sát trên 200 thanh niên tuổi từ 16 - 25 tại Long An và TP HCM. Kết quả cho thấy  có 11,8%  thanh niên đã từng quan hệ tình dục. Số thừa nhận đã hoặc đang sống chung với người yêu, tức "sống thử" trước hôn nhân là 6,4%.  Về quan hệ tình dục trước hôn nhân, có 40,2% thanh niên cho rằng có thể chấp nhận được việc một cô gái có quan hệ tình dục với người yêu của cô ta mặc dù họ chưa cưới nhau. Trong lần quan hệ tình dục đầu tiên (đối với những thanh niên thừa nhận đã có quan hệ tình dục), chỉ có 45,8% sử dụng biện pháp tránh thai. Nguyên nhân do   61,5% nói rằng không sẵn sàng, 15,4% do quá say không làm chủ được bản thân và 15,4% không thích. Điều này cho thấy  việc tìm hiểu về các biện pháp tránh thai và cách thức áp dụng không phải là mối quan tâm của các bạn thanh niên. Bên cạnh đó, một số bạn trẻ dù quan hệ tình dục thường xuyên nhưng không dám mang bao cao su trong người vì “sợ người nhà nói đi chơi gái bậy bạ”.

Thanh niên quan hệ tình dục ngày càng sớm là điều không thể phủ nhận, không thể cấm đoán. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để các em có kiến thức để bảo vệ mình trước nguy cơ mà hành vi trên gây ra, điều này, phụ thuộc rất nhiều vào gia đình, nhà trường và xã hội. Theo đó, người lớn, đặc biệt là cha mẹ cần phải chấp nhận thực tế, trau dồi kiến thức để chia sẻ và đồng hành với trẻ, ThS Yên khuyến cáo.

Hoài Thu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.