(GD&TĐ) - Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2013 đang cận kề. Đáp ứng được yêu cầu “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, là mối quan tâm chung của toàn xã hội ở mỗi kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Sau đây là cuộc trò chuyện của báo Giáo dục & Thời đại với GS.TS Trương Bá Thanh.
P.V: Thưa GS, kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2012, nhiều trường gặp phải áp lực trong việc đảm bảo chỉ tiêu đào tạo. Trường Đại học Kinh tế thuộc số ít các trường trong khu vực có sức thu hút đối với thí sinh, duy trì được nguồn tuyển những năm qua. Liệu tiếp tục đối diện với thực trạng chung ở kỳ thi tuyển sinh 2013 sắp đến- nhu cầu các ngành kinh tế gần như bão hòa, nhà trường có lo ngại về áp lực tuyển sinh hay không?
GS.TS Trương Bá Thanh |
GS.TS Trương Bá Thanh: Vừa rồi, Bộ GD&ĐT có khuyến cáo tuyển sinh không nên đi vào những ngành đã có nhu cầu bão hòa, sinh viên đào tạo ra trường khó có cơ hội tìm việc làm. Việc khuyến cáo như thế hoàn toàn đúng.
Tuy nhiên, với Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, không có gì đáng phải lo ngại về đảm bảo chỉ tiêu, vì nhiều năm qua, nhà trường đứng vững nhờ chất lượng chứ không phải nhờ sinh viên. Nếu trường tuyển nhiều thì có thể chỉ tiêu rất lớn, vì từ những thập niên đầu chín mươi, số lượng thí sinh vào trường đã rất đông. Điều đáng lo không phải là về số lượng mà về chất lượng. Trong tuyển sinh, nhà trường luôn quan tâm đến chất lượng, vì phôi có khỏe thì sản phẩm mới tốt.
Gần đây, qua theo dõi, thống kê cho thấy số học sinh giỏi ở các trường THPT phần lớn là trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên vào trường rất nhiều. Sinh viên dù đã trúng tuyển vào trường, nhưng thấy chỗ nào điều kiện, nơi ăn, chốn ở tốt hơn mà thay đổi, trường sẽ cho đi ngay, chỉ giữ lại những sinh viên giỏi. Năm vừa rồi, Trường ĐH Kinh tế có học bổng cho sinh viên giỏi (với số điểm đầu vào 27 điểm), năm này sẽ tiếp tục duy trì việc thực hiện.
Cần nói thêm, trường không chỉ đầu tư chất lượng đào tạo mà còn cung cấp dịch vụ đào tạo cho sinh viên. Sinh viên được coi là khách hàng của dịch vụ đào tạo; càng cung cấp dịch vụ tốt bao nhiêu, càng dễ dàng cho chương trình đào tạo bấy nhiêu, sinh viên càng có có điều kiện để học tập. Nhà trường muốn quảng bá cho sinh viên dịch vụ đào tạo ngang với các nước. Sinh viên có thể làm việc trên mạng mọi nơi, mọi lúc, có thể trao đổi với giáo viên thông qua mạng trực tuyến của nhà trường. Với những lý do đó, chúng tôi tin là điểm chuẩn vào trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng sẽ cao hơn năm trước.
P.V: Một trong những yếu tố tạo nên thương hiệu của nhà trường là chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Theo GS, để đạt được thành tựu đó, khâu nào trong quy trình đào tạo có ý nghĩa quyết định: tuyển dụng, đãi ngộ đội ngũ hay liên kết đào tạo, hay quản lý, tổ chức đánh giá kết quả học tập của học sinh?
Thí sinh dự thi đại học năm 2012 |
GS Trương Bá Thanh: Theo tôi có rất nhiều khâu, trong đó, trình độ, chất lượng đội ngũ (bao gồm cả đức và tài) là khâu quan trọng nhất. Trong tuyển dụng giáo viên, Trường Đại học Kinh tế ưu tiên những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, thủ khoa ở các trường đại học. Quy trình tuyển dụng từ các khoa trở nên công khai, khách quan; đạo đức nghề nghiệp tốt, không bị môi trường kinh doanh cám dỗ.
Gắn với quy trình giảng dạy là khâu đánh giá SV; đánh giá phải thực chất. Các bài thi, kiểm tra phải tổ chức rọc phách, chấm điểm khách quan, nghiêm túc y như tuyển sinh. Chương trình đào tạo của nhà trường gần như 4 năm cập nhật, chỉnh sửa; Hội đồng khoa học đào tạo làm việc liên tục; vấn đề mấu chốt khi cập nhật là thường có liên kết với nước ngoài: liên kết với Canada từ 2007, liên kết với Anh năm 2008 và tiếp đó liên kết với Mỹ. Cán bộ giảng dạy được đào tạo ở các nước nhiều; số lượng Phó giáo sư của nhà trường đạt tỷ lệ cao, tiến sỹ chủ yếu từ nước ngoài về. Phương thức đào tạo rất quan trọng; nhà trường đào tạo kết hợp với mạng trực tuyến, mở rộng liên kết với các doanh nghiệp, chú ý đào tạo các kỹ năng mềm cho sinh viên.
P.V: Có người cho rằng rào cản của nghiên cứu khoa học trong trường đại học hiện nay là sự hạn chế về năng lực chuyên môn, cũng như khả năng ngoại ngữ, tin học của người đứng đầu. Ý kiến của ông như thế nào?
“Khi mở ngành tôi có quan niệm, với một trường lớn phải có đào tạo mũi nhọn và phải bao trùm nhiều ngành, phải biết đào tạo đón đầu những ngành tuy chưa đào tạo nhưng nhu cầu xã hội sẽ có; chấp nhận cả việc người học chưa nhiều, không có lãi, có khi còn phải bỏ chi phí ra. Nhiệm vụ của trường công lập rất quan trọng ở chỗ đó.” |
GS Trương Bá Thanh: Người đứng đầu nếu có chuyên môn sâu hay giỏi ngoại ngữ, tin học thì vẫn tốt hơn, có thể tránh được sai sót có thể xảy ra. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề cơ bản. Không ai có thể nắm bắt tất cả các ngành nghề được; cái chính là phải biết tạo điều kiện cho người được sử dụng làm việc, nói một cách ngắn gọn là phải biết dùng người.
“Khi mở ngành tôi có quan niệm, với một trường lớn phải có đào tạo mũi nhọn và phải bao trùm nhiều ngành, phải biết đào tạo đón đầu những ngành tuy chưa đào tạo nhưng nhu cầu xã hội sẽ có; chấp nhận cả việc người học chưa nhiều, không có lãi, có khi còn phải bỏ chi phí ra. Nhiệm vụ của trường công lập rất quan trọng ở chỗ đó.”
P.V: Kỳ thi ĐH, CĐ 2013 đang đến gần, GS có hiến kế gì cho việc cải tiến tuyển sinh, thi cử hay không?
GS Trương Bá Thanh: Tôi đồng ý với việc xét tuyển chung nhưng nên linh hoạt, có ưu tiên điểm sàn thấp hơn đối với những vùng khó, mặt bằng dân trí thấp. Nơi nào thích tuyển sinh riêng thì vẫn cho, nhưng phải cùng thời gian. Số thí sinh bị hỏng đại học ở nơi này đưa vào nơi khác không chuẩn mà nên đưa vào bậc thấp hơn (cao đẳng). Nên khuyến khích những ngành có tính chất “thợ”, vì đâu phải ai cũng làm thầy được, đào tạo ra một người không đúng tính chất “thầy” sẽ nguy hiểm. Phân luồng rất cần phải làm; buộc học sinh ở năng lực nào thì đào tạo theo năng lực đó. Học sinh trung bình không nên thi vào đại học, nhất là những ngành có yêu cầu cao như Y, Luật liên quan đến con người, cần phải có người giỏi thật để thi vào, chứ nếu người không giỏi mà thi, lỡ đâu may mắn đậu thật là rủi ro cho xã hội.
Xin cảm ơn những ý kiến đóng góp mới mẻ mà thiết thực của GS. Chúc ông và các cộng sự tiếp tục thành công ở mùa tuyển sinh đang cận kề!
Nguyễn Thị Thúy Hồng (Thực hiện)