Trước đó, trực tiếp trình bày tờ trình dự án và thêm nhiều lần đứng lên giải trình, Viện trưởng Trần Quốc Vượng đều nêu rõ nội dung sửa đổi chỉ tập trung vào hai nội dung chính là phân loại và điều động, biệt phái kiểm sát viên.
"Mục đích duy nhất của chúng tôi là nâng cao hiệu quả hoạt động chứ không để giải quyết chế độ vì lương kiểm sát viên đã rất cao rồi…" - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Hữu Thể nhấn mạnh. |
Dự án đề nghị bỏ quy định phân loại kiểm sát viên gắn với từng cấp kiểm sát như pháp lệnh hiện hành và phân định thành thứ bậc khác nhau để mỗi cấp kiểm sát có nhiều loại kiểm sát viên. Theo đó, sẽ có bốn loại kiểm sát viên gồm: Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, kiểm sát viên cao cấp, trung cấp và sơ cấp. Cơ cấu kiểm sát viên ở mỗi cấp cũng có sự thay đổi theo hướng ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể có có kiểm sát viên sơ cấp và viện kiểm sát cấp huyện có thể có kiểm sát viên cao cấp.
Tán thành với đề xuất phân loại kiểm sát viên, song cơ quan thẩm tra - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội – cho rằng ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao không nên có các loại kiểm sát viên khác.
Chủ nhiệm Uỷ Ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, tổ chức bộ máy của cơ quan tiến hành tố tụng phải luôn gắn với chức danh để thực hiện quyền năng pháp lý. |
Hàng loạt câu hỏi và băn khoăn đã được đặt ra ngay từ đầu phiên thảo luận. Cũng như khi bàn về dự án sửa Pháp lệnh thẩm phán, liên tục “chất vấn” từ đầu đến cuối vẫn là Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận và Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng.
Chủ nhiệm Uỷ Ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận kiên trì quan điểm tổ chức bộ máy của cơ quan tiến hành tố tụng phải luôn gắn với chức danh để thực hiện quyền năng pháp lý, nên cách lý giải như cơ quan soạn thảo là “không được”, chưa kể một số quy định trái luật.
Dẫn ra nhiều điểm chưa phù hợp khác, ông Thuận “tóm lại" là "chưa thể sửa được”. Còn nếu liên quan đến chính sách, chế độ thì có thể kiến nghị để xem xét trước.
Biết là anh em cũng khó khăn, lương thấp nhưng so với mặt bằng thì không thấp lắm, vì vụ trưởng của Văn phòng Quốc hội lương chỉ 2,8 còn kiểm sát viên là trên 6 phẩy, vị Trưởng ban Dân nguyện tiếp lời. Ông Vượng cũng chỉ ra nhiều điều không ổn nếu sửa theo đề xuất của ban soạn thảo.
Đại diện cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đều tái khẳng định: việc phân loại kiểm sát viên như dự án là không trái luật và không vi hiến.
Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Hữu Thể cũng nhấn mạnh rằng, việc sửa đổi pháp lệnh lần này không nhằm đề xuất chế độ vì chưa nói kiểm sát viên mà kiểm tra viên lương đã rất cao rồi.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng, có thể lương kiểm sát viên chưa tương xứng nhưng chưa đặt ra ở đây. Việc sửa đổi pháp lệnh không phải hoàn toàn do chế độ mà do ngạch bậc chưa phù hợp.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước phát biểu: đồng chí nào cũng có lý cả, chỗ nào “lách” được thì nên “lách”, để sửa cho phù hợp vì nếu chờ sửa Luật tổ chức Viện kiểm sát thì phải sang Quốc hội khóa 13.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình cũng đề nghị nếu sửa thì chỉ nên có ba ngạch kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trung cấp và sơ cấp.
Viện trưởng Trần Quốc Vượng cho rằng, để phù hợp từng câu từng chữ thì khó, nhưng sau khi nghe các ý kiến góp ý thì đề nghị phân thành ba loại kiểm sát viên (không có kiểm sát viên cao cấp) và cho phép mỗi cấp có nhiều loại kiểm sát viên. Và, đề nghị Ủy ban Thường vụ chấp nhận giải pháp cấp bách như vậy để tạo điều kiện cho ngành hoạt động.
Cũng giống như dự án sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân, dự án này sẽ còn được sửa đổi, bổ sung trình UNTVQH trong phiên họp khác.
Quang Anh