"Làm mới" một bài giảng văn

"Làm mới" một bài giảng văn

(GD&TĐ) - Tiếp nhận một tác phẩm văn học nếu chỉ có kiến thức thì vẫn chưa đủ, mà sự cảm thức còn đòi hỏi phải có một con đường đi phù hợp với từng văn bản, nhất là các bài thơ đã được “đóng đinh” trong lòng bạn đọc. Đây là một thử thách cho các GV bộ môn khi dạy một tác phẩm thơ, nếu không sự thành công vẫn nằm ngoài tầm tay khi đứng trên bục giảng.

1. Để đưa HS đến với bài thơ Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp được chọn giảng trong chương trình lớp 9, cô giáo Mai Thị Hoa - GV dạy bộ môn Ngữ văn Trường THCS Cửu Long, Q. Bình Thạnh (TP.HCM) đã quay về với đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu: “Tác phẩm Lục Vân Tiên đã khép lại phần Văn học trung đại mà chúng ta đã đi qua. Hôm nay, các em sẽ bước sang phần Văn học hiện đại, trong đó có những tác phẩm ghi lại chặng đường đấu tranh đầy cam go của dân tộc, với những con người “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Họ sẵn sàng dứt áo ra đi theo tiếng gọi của non sông và đã dựng nên tượng đài bất hủ trong thơ ca về người chiến sĩ Cách mạng và đẹp nhất là tình đồng chí keo sơn gắn bó, sát cánh bên nhau trong bài Đồng chí của Chính Hữu”. Lời giới thiệu như một chiếc cầu nối giữa thời kỳ văn học trung đại với hiện đại để giúp người học có nhận thức và cái nhìn đúng đắn giữa quá khứ và hiện tại. 

Ở phần phân tích văn bản, GV đã giúp người học định hình lại những kiến thức trong SGK bằng những ý chính do các em tổng hợp. Đây cũng là cách làm của GV bộ môn trong xu hướng đổi mới phương pháp giảng dạy, thay vì phải đọc - chép cho cả lớp như trước đây. Tuy nhiên, trong cái tổng thể vẫn có những nét riêng cho mỗi thi phẩm, khi cô giáo yêu cầu cách đọc diễn cảm bài thơ về tình đồng đội. Điều này cũng thể hiện rõ hơn, khi chúng tôi xem lại hướng dẫn cách đọc cho HS trong giáo án của GV: “Cách đọc chậm rãi, rõ ràng diễn đạt để diễn tả tình cảm ấm áp của đồng đội”. Cẩn thận hơn cô Hoa còn lưu ý: “HS đọc chậm hơn và cao hơn trong 3 dòng thơ cuối để khắc họa biểu tượng đẹp về người lính cách mạng”. Như vậy theo giáo học pháp, đọc hiểu văn bản cũng là con đường đầu tiên để tiếp nhận tác phẩm. 

Nếu theo phương pháp cũ, GV có thể trình bày chi tiết cách phân đoạn của văn bản như trong giáo án đã chuẩn bị sẵn. Tuy nhiên để phát huy tính tính cực của HS, giúp cho các em có dịp động não, GV đã đưa ra câu hỏi yêu cầu các nhóm chia đoạn bài thơ dựa vào những mạch cảm xúc chính, đó là sự “đơm hoa kết trái” tình cảm ngoài mặt trận của những người nông dân mặc áo lính thời kỳ sau 1945. Nếu trong 3 dòng cuối là biểu tượng của tình đồng chí thì ở phần trọng tâm là những xúc cảm chân thành, thể hiện đậm nét tình đồng đội giữa gian nguy. Ngoài những câu hỏi đơn giản dành cho đối tượng trung bình trở xuống : “Em hiểu gì về hai chữ đồng chí?” vì đã có chú thích trong SGK, GV còn đưa ra những yêu cầu cao hơn, khi đặt ra một số câu hỏi cho HS khá giỏi như: “Em hãy cho biết phương thức biểu đạt của bài thơ?” Tuy nhiên, để mở rộng kiến thức và không gian bài thơ cô Mai Thị Hoa đã có thêm những chú thích rõ ràng hơn cho các em hiểu về khái niệm cũng như sắc thái biểu cảm của một từ Hán - Việt: “Đồng chí là những người cùng chung chí hướng, lí tưởng và đây là cách xưng hô của những người trong cùng một đoàn thể cách mạng. Đó là tình cảm mới, quan hệ mới giữa người với người trong kháng chiến,tình cảm gắn bó sẻ chia được gửi vào hai tiếng ‘Đồng chí’ thân thương”.

2. Để giúp các em đi vào bài học một cách tự nhiên, GV còn đặt ra câu hỏi có tính chất tu từ mà không cần các em phải trả lời: “Trong kháng chiến, tình cảm đó được hình thành như thế nào? Chúng ta cùng theo dõi đoạn thơ đầu để hiểu sâu hơn tình cảm đó”. Đây chính là lời trò chuyện của hai người bạn thân cùng một chiến hào trong thời máu lửa chung cảnh ngộ, cùng giai cấp đã xây nên nền tảng vững chắc cho cơ sở tình cảm cao đẹp và rất đáng trân trọng. Thành ngữ: “Nước mặn đồng chua”, cụm từ: “Đất cày lên sỏi đá” đi vào lời thơ đã tạo nên sức mạnh về sự gợi tả cảnh ngộ tương đồng của người chiến sĩ. Các từ ngữ khác như: xa lạ, quen nhau, súng bên súng, đầu gối bên bên đầu.. được GV gạch chân giúp HS hiểu sâu hơn giá trị của nghệ thuật khắc họa hình ảnh qua từ ngữ. Cùng với cặp từ: anh- tôi, đôi người, hình ảnh súng - đầu càng tô đậm sự tri kỷ của 2 con người từ các miền quê khác nhau nhưng cùng một chiến tuyến. Đó chính là điểm gặp gỡ của lòng yêu nước và sự hội tụ lý tưởng người anh hùng. Xúc động hơn là hình ảnh thể hiện rất đậm đặc sự sẻ chia trong gian khó: “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ”. Không chỉ xoáy sâu vào giá trị nội dung, GV còn dẫn đường cho các em đi tìm giá trị nghệ thuật bài thơ qua các biện pháp tu từ như: nhân hóa, hoán dụ (giếng nước gốc đa nhớ người trai làng) câu đặc biệt (đồng chí!). 

Phân tích thơ cũng phải có điểm dừng nhất là khi người cảm thụ gặp được ánh sáng phát ra từ một vài câu là “điểm nhãn” của cả bài thơ. Đối với bài này cũng vậy. Bằng biện pháp nghệ thuật đặc tả, câu: “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” đã trở thành một câu thơ hay, đầy ấn tượng, vừa gợi hình lại vừa gợi cảm. Câu thơ như có sức mạnh về sự hòa quyện của hai con người, hai con tim làm ấm áp thêm tình yêu giai cấp, tình cảm cách mạng. Chính đó là “động lực” đẩy tình cảm lên cao trào ở những dòng thơ cuối. Sự kết hợp giữa yếu tố hiện thực (súng) và chất lãng mạn (trăng) đã tôn thêm vẻ đẹp bình dị nhưng cao cả của hình tượng người chiến sĩ. Có thể nói đây là giây phút thăng hoa kì diệu của tâm hồn nhà thơ làm cho bài thơ cất cánh bay cao và hình tượng người lính chống Pháp, anh bộ đội cụ Hồ sống mãi với lịch sử. Để giúp HS hiểu “sâu tận đáy lòng” vẻ đẹp và ý nghĩa sâu xa của câu thơ đầy sáng tạo: “Đầu súng trăng treo”, GV phải có một bản lĩnh vững vàng về cách cảm thụ và lượng thông tin truyền đạt chuẩn mực mới chuyển tải hết được hồn của câu thơ và cả bài thơ. Làm được điều này, GV đã khẳng định những thành công của mình trong một tiết học về phân tích và cảm nhận một bài thơ về lòng yêu nước và tình đồng đội chân thành và vô cùng cảm động. 

PV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ