(GD&TĐ) - Khởi nguồn từ Viện công nghệ MIT (Mỹ), cho đến nay mạng lưới các trường đại học áp dụng CDIO trên thế giới đang ngày càng tăng lên. Từ năm 2008, mô hình đào tạo CDIO được nhiều trường ĐH ở Việt Nam tiếp nhận như là một lời giải trong việc cải tiến chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục bậc ĐH. Tuy nhiên, để CDIO trở thành lời giải cho chất lượng giáo dục thì quả là chuyện không đơn giản, nếu không muốn nói, đôi khi phải “hụt hơi”…
Giảm tải hay quá tải?
Một trong những công việc dễ nhận thấy nhất khi áp dụng chương trình đào tạo theo chuẩn CDIO tại các trường ĐH là rà soát, xây dựng lại chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra. Khoa Công nghệ thông tin (CNTT) trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM (KHTN) và Khoa Cơ khí thuộc ĐH Bách khoa TP.HCM là 2 đơn vị đào tạo thuộc ĐHQG-TPHCM được chọn làm thí điểm việc áp dụng mô hình CDIO vào công tác dạy và học từ năm 2010. Chương trình đào tạo tại khoa CNTT (ĐH KHTN) từ 180 tín chỉ (TC) đã giảm xuống còn 140 TC. PGS.TS Lê Hoài Bắc, Phó trưởng khoa CNTT (ĐH KHTN TP.HCM), cho biết: “Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất là lớp học nhỏ lại, chỉ còn 70-80 sinh viên (SV) thay vì số lượng gấp đôi như trước. Mặc dù số tín chỉ giảm nhưng chất lượng đào tạo phải được nâng lên, điều này gây áp lực rất lớn đối với giảng viên (GV) và SV. GV phải thay đổi phương pháp giảng dạy của mình một cách linh động, lấy SV làm trung tâm, một GV phải kèm 2 trợ giảng”. Tuy nhiên để tăng thêm nguồn lực hỗ trợ cho GV thì cũng không đơn giản. PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc - Trưởng khoa Cơ khí ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ: “Khi áp dụng thì thời gian dành cho lớp học tăng gấp đôi nhưng 1 ngày cũng không thể là... 48 tiếng. Muốn thay đổi phương pháp giảng dạy thì phải đánh giá theo quá trình mà 1 GV trên lớp thì không thể nào làm hết các công việc như: phải theo dõi SV, phải chấm bài cho SV… và nguồn trợ giảng cũng không biết lấy từ đâu…”.
Sinh viên ĐHQG TP.HCM đang thực nghiệm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm |
Sau năm học đầu tiên “vận hành” mô hình CDIO, nhóm thực hiện đề án khoa CNTT (ĐH KHTN TP.HCM) đã tiến hành khảo sát trên 317 sinh viên học theo mô hình, phương pháp mới. Kết quả, trên 70% sinh viên tham gia khảo sát đánh giá giảng viên dạy theo chương trình CDIO nhiệt tình trong công tác giảng dạy… Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy chỉ có 40,38% sinh viên “đồng ý” khi được hỏi có “hoàn toàn theo kịp tiến độ học tập”. Còn khi được hỏi “khối lượng học tập phù hợp với năng lực” cũng chỉ có 41,32% sinh viên tham gia khảo sát “đồng ý”. Nhiều sinh viên cho rằng chương trình học, bài tập về nhà khá nặng nên ít có thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa, một số môn học có quá nhiều đồ án trong một học kỳ. Điều này khiến sinh viên bối rối cảm thấy quá tải với lượng kiến thức được giảng dạy và các bài tập cần phải thực hiện khá dày đặc.
Năm học 2012-2013, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã triển khai áp dụng chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO cho tất cả sinh viên từ khóa 2012 chỉ với 150 TC. Quyết định này được cho là một bước đột phá bởi lẽ đây là trường sư phạm kỹ thuật đầu tiên trên cả nước áp dụng đào tạo theo hướng mô hình này. Trên thực tế cho thấy, để giảm số tín chỉ từ 185 xuống còn 150 tín chỉ (giảm 18,92%) là một điều không đơn giản.
Chương trình 150 TC được xây dựng theo hướng tiếp cận CDIO đòi hỏi cả người dạy và người học phải thật sự nỗ lực vì bản thân số giờ lên lớp ít đi. Một trưởng khoa của trường cho biết: “Cái khó của khoa là GV chưa thật sự đủ lực cả về chuyên môn lẫn phương pháp sư phạm để hướng dẫn SV tự học; giảng dạy còn quá tẻ nhạt, cộng thêm vào đó là giáo trình đúng chuẩn chưa có nên SV hoàn toàn lúng túng khi học. Bên cạnh đó, SV còn quá thụ động, chỉ biết im lặng lắng nghe mà không thắc mắc bất cứ điều gì. Càng làm cho GV tự mãn hơn về kiến thức và phương pháp của mình…”.
SV Lê Xuân Dũng, khóa 12 (khoa Cơ khí chế tạo máy - ĐH SPKT TP.HCM), chia sẻ: “Chương trình mới học nặng hơn so với chương trình cũ, vì những môn ở chương trình cũ phải học chia làm hai kỳ, ví dụ môn học Đại cương Vật lý 1 và 2 chương trình cũ học 2 kỳ - một kỳ 3 TC, một kỳ 2 TC trong khi tụi em thì gộp lại thành một môn Vật lý 1. 3 TC mà khối lượng kiến thức vẫn không thay đổi làm tụi em phải cố gắng rất nhiều để theo kịp tiến độ”.
Khó nhất vẫn là con người và kinh phí
Một điều không thể thiếu trong việc triển khai, vận hành chương trình đào tạo theo chuẩn CDIO là nguồn kinh phí. Theo PGS.TS Lê Hoài Bắc, tổng chi phí xây dựng đề án và vận hành chương trình đào tạo theo mô hình CDIO của Khoa CNTT (ĐH KHTN TPH.CM) là 50 tỷ đồng. Sau khi vận hành thử nghiệm 2 năm thì chi phí tốn gần 10 tỷ đồng. Ở ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, TS Nguyễn Tiến Dũng - trưởng phòng Đào tạo, cho biết: “Để hoàn tất và đưa vào vận hành chương trình đào tạo của cả trường theo hướng tiếp cận CDIO thì chi phí khoảng 2 tỷ đồng”. Một thành viên trong ban CDIO của ĐH KHTN TP.HCM nói vui rằng với khoảng chi phí 2 tỷ để làm cho cả trường thì chúng ta làm cái gì đó chứ không phải CDIO.
PGS. Nguyễn Hữu Lộc – Trưởng khoa Cơ khí (ĐH BK TP.HCM), cho rằng: “Cốt lõi vấn đề là năng lực của GV và cơ sở vật chất. GV có chịu thay đổi phương pháp giảng dạy hay không, có đầu tư cho công tác nâng cao chất lượng đào tạo hay không, là cả một quá trình vận động. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phải hội đủ điều kiện cho SV trải nghiệm, có không gian cho SV tự học, có chỗ cho SV làm ra các sản phẩm… là rất khó. Một vấn đề cũng cực kỳ quan trọng là với mức học phí cũng như thù lao hiện nay mà để GV toàn tâm toàn ý dạy theo CDIO là điều không đơn giản, vì nhu cầu con người ngày càng cao mà thu nhập từ nhà trường thì không theo kịp.
Một giảng viên đầu ngành của ĐH SPKT TP.HCM cho rằng bất ổn đang diễn ra, đó là: “Những người chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai mô hình này là lãnh đạo các khoa nhưng hiểu biết của các vị về CDIO chưa đầy đủ. Do hiểu biết hạn chế nên việc triển khai xây dựng chương trình chưa phù hợp. Một số đề cương môn học của ngành CNTT viết rất cảm tính, việc thêm vào hoặc loại bỏ các khối kiến thức cũng rất tùy tiện. Chương trình CDIO phải xây dựng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, vì vậy công tác khảo sát để xây dựng mục tiêu sẽ mất rất nhiều thời gian và tiền bạc nhưng kinh phí trường chi trả cho mỗi khoa khoảng 10 triệu đồng/CT đào tạo của một ngành (khoảng vài chục môn học) là chuyện như đùa vậy…”.
Hiện nay, một số trường ĐH khác như Thái Nguyên, Duy Tân, An Giang, Bình Dương, Lạc Hồng, Nha Trang, CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Nha Trang... cũng đang trong qua trình tìm hiểu hoặc đã bắt tay vào xây dựng chương trình đào tạo mới theo mô hình CDIO. Tuy nhiên, với điều kiện nguồn kinh phí, nguồn cơ sở vật chất, nguồn nhân lực của các trường như hiện nay thì để theo đuổi CDIO có khi phải… hụt hơi.
CDIO là gì? CDIO (Conceive – hình thành ý tưởng; Design – thiết kế ý tưởng; Implement – thực hiện; Operate – vận hành), là phương pháp luận giáo dục (hay mô hình giáo dục khung) được đề xuất bởi một nhóm gồm 4 trường Đại học, dẫn đầu là MIT, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học cho các ngành kỹ thuật. CDIO ra đời vào cuối thập niên 1990 và đã có những phát triển vượt bậc trong nhiều năm qua. Cho đến nay, đã có tổng cộng hơn 60 trường Đại học trên thế giới đang áp dụng phương pháp luận tiên tiến này. (Theo PGS.TS Lê Hoài Bắc – ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) |
Một vấn đề cũng cực kỳ quan trọng là với mức học phí cũng như thù lao hiện nay mà để GV toàn tâm toàn ý dạy theo CDIO là điều không đơn giản, vì nhu cầu con người ngày càng cao mà thu nhập từ nhà trường thì không theo kịp. PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc (ĐH Bách Khoa TP.HCM) |
Lam Phương