"Học thật, thi thật tạo động lực trong học tập"

"Học thật, thi thật tạo động lực trong học tập"

(GD&TĐ) - Học thật, thi thật là vấn đề có liên quan mật thiết đến chất lượng giáo dục, đến sự đánh giá năng lực, giá trị của con người trong xã hội. Khi HS học thật, thi thật, các em sẽ nhận thức được ý nghĩa thực sự của việc học, từ đó, sẽ có động lực phấn đấu trong học tập. Xung quanh vấn đề này, GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS Nguyễn Đức Minh – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Thưa PGS, ông quan niệm như thế nào là học thật, thi thật?

- Theo tôi, học thật, thi thật nghĩa là học vì sự phát triển, vì giá trị con người của HS. Để học thật, thi thật, HS phải nhận thức được rằng các em đang học cho mình, học vì sự tiến bộ của chính bản thân các em chứ không phải học vì điểm, học vì sự ganh đua hay học để đối phó với các bài kiểm tra... Khi đã nhận thức được như vậy, các em sẽ có động lực phấn đấu thực sự trong học tập.

Học thật, thi thật có liên quan  mật thiết đến quan niệm đánh giá về một HS. Lâu nay, nhiều người vẫn mặc nhiên cho rằng phải đạt điểm cao mới là giỏi. Ông suy nghĩ thế nào về quan niệm này?

PGS. TS Nguyễn Đức Minh
PGS. TS Nguyễn Đức Minh
 

- Hiện nay, nhiều nơi vẫn đặt nặng việc đánh giá HS theo điểm số. Tuy nhiên, đây chỉ là đánh giá kết quả học tập chứ chưa phải là đánh giá chất lượng GD. Nếu chúng ta chỉ quan tâm đến kết quả học tập (thể hiện qua tỉ lệ tốt nghiệp, tỉ lệ HS khá giỏi...) thì tất yếu sẽ dẫn tới việc chạy theo thành tích. Mà điều này sẽ tạo điều kiện cho học giả, thi giả có điều kiện tồn tại, phát triển. 

Chúng ta đều biết rằng, trong GD, HS không chỉ học trong nhà trường mà còn học ngoài xã hội, thu nhận kiến thức qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Do đó, nếu chỉ đánh giá HS dựa vào kết quả học tập của các em trong trường học là chưa bao quát hết kết quả GD mà các em thu nhận được.

Mặt khác, mỗi người đều có năng lực riêng, nên chúng ta phải đánh giá, nhìn nhận HS ở nhiều góc độ khác nhau, trong đó nhấn mạnh vào những năng lực vượt trội của các em. Trong đánh giá hàng ngày, GV cũng phải cho HS thấy được rằng, giá trị của các em được tôn trọng.

Thực tế, có những em học có thể không xuất sắc, nhưng các em lại có năng lực vượt trội ở một mặt nào đó. Sau này ra đời, nếu các em phát huy được năng lực trội của mình thì các em vẫn có thể thành công trong cuộc sống.

Như vậy, bên cạnh việc đánh giá HS theo chuẩn kiến thức – kỹ năng, chúng ta cần đánh giá HS theo năng lực. Cách thức đánh giá như thế sẽ có tác dụng động viên, khích lệ HS rất lớn, bởi các em sẽ tự tin vào năng lực của mình. Cách đánh giá này cũng giúp GV, HS chủ động, sáng tạo hơn trong hoạt động dạy và học, bởi lúc này, tri thức thực sự là không biên giới.

Vấn đề học thật, thi thật hiện nay còn gặp phải những rào cản gì, thưa PGS?

- GD chịu ảnh hưởng rất lớn từ ngoài xã hội. Do đó, nếu xã hội vẫn còn sử dụng người dựa vào bằng cấp mà không dựa vào năng lực thật, vẫn còn trả lương theo kiểu cào bằng thì không thể loại trừ được chuyện học giả, thi giả.

Mặt khác, lâu nay, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa “giá” và “giá trị”, mà điển hình như quan niệm phải đạt điểm cao mới là học giỏi nêu trên. Khi vẫn còn tồn tại kiểu đánh giá sai lệch như vậy, thì vẫn còn cơ hội cho học giả, thi giả tồn tại.

Học thật, thi thật tạo động lực cho HS phấn đấu trong học tập (Ảnh: Hoàng Đan)
Học thật, thi thật tạo động lực cho HS phấn đấu trong học tập (Ảnh: Hoàng Đan)
 

Vậy, theo ông, cần áp dụng những giải pháp nào để có học thật, thi thật?

- Để có học thật, thi thật, trước hết, cần thay đổi quan niệm của toàn xã hội về vấn đề này. Định hướng giá trị con người là nhiệm vụ của ngành GD. Nhưng để chỉ ra được giá trị đó lại phụ thuộc vào xã hội.

Muốn tác động tới cha mẹ HS để định hướng giá trị đúng, nhà trường cần thông qua chính các em HS – con em của họ. Khi nhà trường đưa ra quan niệm đúng về giá trị cho HS, HS nắm bắt, hiểu rõ về vấn đề đó thì mặc nhiên sẽ trở thành một “tuyên truyền viên” tích cực đối với cha mẹ của mình.

Bên cạnh đó, cần đổi mới khâu kiểm tra, đánh giá. Đánh giá phải có tác dụng động viên, khích lệ HS, giúp các em thấy được những sai sót, lỗi của mình để sửa chữa, phấn đấu. Đánh giá không chỉ đơn thuần là điểm số vì như vậy, HS sẽ không biết mình sai, đúng ở đâu, thậm chí nhiều em sẽ cảm thấy bị áp đặt, từ đó không còn hứng thú học tập. Nếu chỉ là đánh giá chung chung, HS sẽ không biết được những mục tiêu cụ thể mình cần đạt được trong học tập, từ đó sẽ học theo kiểu đối phó.

Đồng thời, kiểm tra, đánh giá phải giúp phân loại được HS, đánh giá đúng năng lực HS, loại bỏ hiện tượng “cào bằng” trong đánh giá, bởi như vậy thì mới có tác dụng nâng cao chất lượng GD. Muốn vậy, khâu ra đề rất quan trọng. Khi đề ra phù hợp với trình độ của HS, đánh giá được đúng năng lực của HS, chứ không phải chỉ nhằm kiểm tra khả năng... học thuộc lòng của HS, thì khi đó, tiêu cực trong thi cử sẽ giảm đi rất nhiều.

Làm thế nào để kiểm tra, đánh giá thực sự có tác dụng động viên, khích lệ HS, thưa ông?

- Muốn đánh giá thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn, GV và HS phải cùng bàn bạc để đưa ra những mục tiêu cụ thể trong học tập, phù hợp với trình độ, năng lực của từng HS, cũng như những tiêu chí đánh giá cụ thể. Từ đó, HS tự xác định mục tiêu, nhiệm vụ cho mình theo từng giai đoạn trong năm học, và dài hơi hơn là trong từng cấp học... Khi bản thân HS thấy mình muốn học, cần phải học thì mới có động lực phấn đấu trong học tập. Nếu đã có những mục tiêu, tiêu chí đánh giá cụ thể, khi được GV nhận xét, đánh giá, HS mới “tâm phục khẩu phục”.

Mặt khác, khi tự mình đạt được những mục tiêu đã đề ra, HS sẽ nhận thức được sâu sắc về sự tiến bộ của mình. Điều này có tác dụng động viên, khích lệ rất lớn đối với các em. Lúc đó, GV sẽ đánh giá HS dựa trên sự tiến bộ của các em, chứ không phải dựa vào điểm số.

Xin cảm ơn ông!

GD kỹ năng sống giúp HS nhận thức được những giá trị thật

GD kỹ năng sống rất cần thiết đối với HS, giúp các em có đầy đủ “hành trang” để vào đời. Tuy nhiên, không thể dạy cho HS tất cả các kỹ năng, mà  chúng ta phải lựa chọn những kỹ năng sống thực sự cần thiết, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, với đặc điểm của HS Việt Nam để giảng dạy trong các trường học.

Được trang bị đầy đủ các kỹ năng sống cần thiết sẽ giúp HS biết đánh giá, nhận biết các giá trị thật, biết tự đánh giá mình và đánh giá người khác... Từ đó, các em sẽ nhận thức được giá trị của bản thân, biết mình đang ở vị trí nào trong xã hội, sẽ có ý thức chối từ những gì không thuộc về mình... Đó cũng là yếu tố rất quan trọng giúp các em biết học thật, thi thật.


 Ninh Kiều (Thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ