"Giặc tới trường, nương nương cũng đánh!"

"Giặc tới trường, nương nương cũng đánh!"

Điểm lại lịch sử, ta thấy xưa có bà Trưng, bà Triệu, thời kì kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có chị Tư Hậu, chị Út Tịch với câu nói bất khuất: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng phải đánh!”… Những câu chuyện, những tấm gương dũng cảm, kiên trinh tưởng chỉ nghe trong truyền thuyết ấy nay lại hiện về trước mắt tôi, ngay trong thời khắc mà cả miền Trung đang oằn mình chống chọi với bão lũ cuồng phong. Tim tôi nhói lên niềm xúc động chân thành, khi tôi viết…

Chúng ta có thể nào bàng quan khi chứng kiến tận mắt những cô giáo trẻ chân yếu tay mềm, lặn lội trong mưa lũ, bão bùng để mang về từng bao cát, và bất cứ thứ gì có thể trong hoàn cảnh này. Để làm gì? - để cứu lấy mái ngói vốn đã sẫm màu vì nắng mưa nghệt ngã, cố giữ cho mái trường thân yêu đứng vững vàng, nguyên vẹn, cho em thơ vui bước đến trường khi trời quang mây tạnh, lúc mưa thuận gió hoà.

Có thể với chúng ta, việc làm đó chẳng có gì đáng bàn, nhưng với các cô - những giáo viên hãy còn “non nớt” về tuổi đời và tuổi nghề thì đây quả thật là điều đáng phải ghi nhận, thậm chí là cả niềm khâm phục, biết ơn!

(Ảnh MH)
Thầy cô cùng bộ đội vệ sinh bàn ghế đón học sinh (ảnh MH)

Hỏi ra mới biết, những cô giáo trẻ này là giáo viên của trường Mần non Phong Thủy, ngôi trường đã từng bị thiệt hại nặng nề sau trận lũ ngày 13/10 vừa qua. Chưa kịp nguôi ngoai với nỗi đau và mất mát cũ, Miền Trung nói chung, Lệ Thủy nói riêng lại phải đối mặt với trận lũ mới.

Chưa hết, ngoài khơi xa, siêu bão Magi - cơn bão được các nhà khí tượng trên thế giới nhận định là cơn bão lớn nhất trong vòng 20 năm trở lại đây lại hùng hổ kéo vào khu vực biển Đông nước ta. Khó khăn chồng chất ckhó khăn, tang thương nối tiếp tang thương. Được sự chỉ đạo sát sao của Ban phòng chống lụt bão huyện nhà, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Phòng GD&ĐT huyện Lệ Thủy, các trường học trên địa bàn toàn huyện đều nêu cao tinh thần cảnh giác, bám trường bám lớp, giảm thiểu đến mức thất nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Trên tinh thần đó, trường Mần non Phong Thủy đã dùng mọi biện pháp có thể làm trong lúc này, huy động toàn bộ lực lượng CB - GV - NV nhà trường, dồn hết cho trường cho lớp. Một khó khăn chung mang tính khách quan là do đặc thù nghề nghiệp nên đa phần lao động của các trường mầm non đều là nữ công. Việc nhà, việc nước dù có khó khăn gì họ cũng cố gắng vượt qua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Lần này, nhiệm vụ của họ có phần không ngang sức nếu không muốn nói là vượt quá sức mình: Đối mặt và tìm cách chống chọi với thiên tai địch hoạ. Dân gian có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Nói vậy không có nghĩa là chúng ta quá đề cao vai trò của nam giới.

Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ đã được khẳng định trên tất cả mọi lĩnh vực cơ mà! Thế nhưng, nhìn nhận ở một khía cạnh nào đó, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, phụ nữ chỉ phù hợp với những công việc nhẹ nhàng, ít tiềm ẩn những mối hiểm nguy. Đằng này, không chỉ là phụ nữ, họ còn là những nữ giáo viên vốn đã quen rồi với phấn trắng bảng đen. Họ cần được chở che, yêu thương hơn là phải gồng mình trong dòng nước dữ, họ cần sự bình an hơn là phải đối mặt với những mối nguy nan luôn rình rập bên mình.

“Bọn em là hậu duệ của bà Trưng bà Triệu mà anh. “Giặc tới trường, nương nương cũng phải đánh” chứ, sợ gì!
“Bọn em là hậu duệ của bà Trưng bà Triệu mà anh. Giặc tới trường, nương nương cũng phải đánh” chứ, sợ gì!

Tôi tự đặt ra cho mình câu hỏi: Động lực nào thúc đẩy các cô giáo yếu mềm kia lao vào những việc làm “tày đình” này? Liệu có phải các cô muốn tự khẳng định mình với những mày râu đang nhởn nhơ đâu đó trên xuồng ghe ấm áo kia không? và rồi cũng tự mình giải đáp: Chắc chắn, trong số các cô giáo ở đây, có cô đã có gia đình, chồng con.

Mái ấm của họ cũng cần lắm bàn tay vun vén cửa nhà trong thời điểm lửa bổng dầu sôi, những đứa con thơ đang cần bàn tay âu yếm của mẹ khi gió rét lùa về… Nhưng, phía trước là ngôi trường thân yêu đang có nguy cơ tốc mái. Nước có thể trở thành “giặc” bạo tàn cuốn đi bao công trình mà các cô đã dày công xây đắp. Rồi các em thơ sẽ biết lấy đâu làm chỗ học hành, vui chơi thoả thích cho bố mẹ chúng yên tâm mà tăng gia lao động sản xuất?...

Vì những lí do cao cả ấy, các cô giáo mầm non chân yếu tay mềm của chúng ta lại vui vẻ lao vào “trận chiến” với nụ cười phơi phới trên môi. Khi chúng tôi lân la hỏi chuyện, tỏ ý ái ngại cho công việc mà các cô đang làm, thì bất ngờ được các cô ném trả câu trả lời nửa đùa nửa thật: “Bọn em là hậu duệ của bà Trưng bà Triệu mà anh. Giặc tới trường, nương nương cũng phải đánh” chứ, sợ gì!

Tôi chợt nghĩ, trong rất nhiều đàn ông chúng ta ở đây hoặc ở đâu đó nữa, có mấy ai sống và hành động theo đúng nghĩa với cụm từ “đàn ông đích thực” hay chưa? - Bỗng dưng tôi thấy mình thật nhỏ bé khi đứng trước hành động đầy “nghĩa khí” của các cô - những giáo viên trẻ của trường Mầm non Phong Thủy.

Cám ơn các cô đã chống giữ mái trường để con em chúng tôi sẽ lại được vui đùa. Hơn hết là cám ơn vì các cô đã để lại đằng sau việc làm hồn nhiên, vô tư của mình một bài học về ý chí và sức mạnh phi thường vốn tiềm tàng trong mỗi người phụ nữ Việt Nam nói chung, nữ giáo viên của giáo dục Lệ Thủy nói riêng!

Lệ Thủy, tháng 10 năm2010

Đỗ Đức Thuần

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ