Nâng cao chất lượng học tập nhờ chương trình nông thôn mới

GD&TĐ - Chương trình nông thôn mới không chỉ thay đổi diện mạo vùng quê mà còn nâng cao chất lượng học tập, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho học sinh.

Lớp học mới của Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc được xây dựng từ vốn đầu tư của Nhà nước trong chương trình mục tiêu quốc gia.
Lớp học mới của Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc được xây dựng từ vốn đầu tư của Nhà nước trong chương trình mục tiêu quốc gia.

Đầu tư cho giáo dục

Trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam (cũ) nay là TP Đà Nẵng có những bước tiến đáng kể trong việc thực hiện chương trình Nông thôn mới, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục.

Với vai trò là trung tâm phát triển mới, tỉnh đã không ngừng đầu tư vào cơ sở hạ tầng giáo dục, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của học sinh, đặc biệt là ở vùng núi.

Sự chuyển mình này không chỉ mang lại thay đổi về cơ sở vật chất mà còn tạo ra cơ hội mới cho học sinh, giúp các em có thể tiếp cận với nền giáo dục chất lượng hơn.

Một trong những minh chứng rõ nét cho sự đổi thay này là Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (Trà Giáp, Đà Nẵng). Với nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước khoảng 5 tỷ đồng, trường được xây dựng thêm 6 phòng chức năng hiện đại, như phòng máy tính, tiếng Anh, thư viện… Năm học 2024-2025, khối phòng chức năng được nghiệm thu, phục vụ cho việc học tập của học sinh theo Chương trình GDPT 2018.

giam-ngheo-2.jpg
Lớp học khang trang hiện đại.

Ông Nguyễn Bảo Tú – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường có 331 học sinh, trong đó 215 học sinh đồng bào dân tộc như: Ca Dong, Cor, Mường… “Những phòng học này không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập mà còn tạo ra môi trường học tập thân thiện, khuyến khích sự sáng tạo và phát triển toàn diện cho các em. Các phòng chức năng được trang bị đầy đủ thiết bị học tập hiện đại, từ máy chiếu, bảng tương tác đến tài liệu học tập phong phú, giúp học sinh có thể tiếp cận với kiến thức một cách sinh động và hiệu quả hơn”, ông Tú chia sẻ.

Bên cạnh đó, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trà Đốc, Đà Nẵng) cũng nhận được sự đầu tư mạnh mẽ từ Chương trình mục tiêu quốc gia. Năm 2024, trường được đầu tư xây mới 1 khối nhà học và khối nhà bán trú với vốn đầu tư khoảng 10 tỷ đồng.

Cùng với đó, một sân bóng khoảng 1 tỷ đồng được xây dựng khang trang đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh không chỉ học tập mà còn tham gia các hoạt động thể chất, rèn luyện sức khỏe.

giam-ngheo-3.jpg
Khối phòng học và khối nhà ở bán trú cho học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Hiệu trưởng Vũ Hoàng Tâm cho hay: “Trường xây thêm 8 phòng mới và 26 phòng bán trú đáp ứng nhu cầu học tập và ăn ở cho 720 học sinh. Nơi đây đa số học sinh là đồng bào dân tộc nên việc đầu tư xây dựng trường lớp không chỉ giúp các em có nơi học tập tốt hơn mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương. Sân bóng và các khu vực vui chơi được thiết kế hợp lý, tạo ra không gian cho học sinh giao lưu, học hỏi và phát triển kỹ năng xã hội”.

Tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Chương trình Nông thôn mới và các Chương trình mục tiêu quốc gia không chỉ mang lại thay đổi về cơ sở vật chất mà còn giúp cải thiện chất lượng giáo dục, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho học sinh.

Nhờ vào những chính sách hỗ trợ và đầu tư hợp lý, học sinh ở các vùng miền núi giờ đây có thể tiếp cận với nền giáo dục chất lượng hơn, từ đó nâng cao khả năng học tập và phát triển bản thân. Các em không chỉ được học kiến thức mà còn rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm và khả năng tư duy phản biện.

Ngoài đầu tư cơ sở vật chất, chương trình Nông thôn mới còn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Thầy cô được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, giúp họ cập nhật kiến thức mới và phương pháp giảng dạy hiện đại. Điều này không chỉ giúp giáo viên tự tin hơn trong giảng dạy mà còn tạo ra môi trường học tập tích cực cho học sinh.

giam-ngheo-4.jpg
Các trường mới được xây dựng sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh.

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và phong trào thi đua được tổ chức vào sáng 26/6, theo báo cáo tổng kết thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (cũ) giai đoạn 2021-2025, trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có 100% huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản với hơn 160 công trình được đầu tư từ nguồn vốn của chương trình.

Đến nay hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội trên địa bàn các huyện nghèo, miền núi đã thay đổi đáng kể, hệ thống giao thông từng bước được hình thành.

Đặc biệt các công trình giáo dục, y tế từng bước được kiên cố hóa; công trình thủy lợi, nước sạch được đầu tư đồng bộ ở vùng sâu, vùng xa..., góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách cũng như lâu dài trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn, tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản. Đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

giam-ngheo-5.jpg
Xây dựng sân bóng đá tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Cũng tại hội nghị này, ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (cũ) cho rằng, trước yêu cầu mới đặt ra trong bối cảnh triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Trung ương tiến hành rà soát, tái cấu trúc các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phù hợp hơn với mô hình tổ chức bộ máy mới. Tuy nhiên, quan điểm xuyên suốt là không thay đổi mục tiêu chiến lược: Xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát; cơ bản không còn hộ nghèo; bảo đảm môi trường sống an toàn, lành mạnh; phòng, chống có hiệu quả tệ nạn xã hội và tội phạm nguy hiểm ở khu vực nông thôn; nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân.

“Hướng đến một nông thôn hiện đại xanh-sạch-đẹp, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và xu hướng đô thị hóa, đồng thời thu hẹp khoảng cách phát triển giữa đô thị và nông thôn, miền núi của TP Đà Nẵng mới phải ổn định, bền vững. Để đạt được điều đó cần nâng cao vai trò trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu và tác nghiệp trực tiếp. Đặc biệt, những cán bộ thay đổi vị trí công tác nhưng phải tiếp tục nâng cao vai trò, nhiệm vụ trong thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia”, ông Lê Văn Dũng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tây Bắc Iceland là vùng đất trống trơn, chỉ giàu mỗi cỏ và cây bụi. Ảnh: Kelly Cheng Travel Photography

Độc đáo kiểu nhà hòa vào mặt đất

GD&TĐ - Ở Iceland có những ngôi nhà đồng điệu với thiên nhiên đến nỗi nếu không chú ý, bạn sẽ không phát hiện ra, vì cả tường lẫn mái đều là cỏ tươi.