"Dị Nhân" giữa đại ngàn

"Dị Nhân" giữa đại ngàn
Đinh Píp
Đinh Píp

Người nặng nợ với dân ca Bah Nar

Khó khăn lắm chũng tôi mới gặp được Đinh Píp, trong căn chòi canh rẫy hoang tàn dưới chân núi Dơng sau 2 ngày ông đi rừng trở về. Với vẻ bề ngoài rắn chắc, dạn dày sương gió không ai nghĩ người đàn ông 56 tuổi này là một người đam mê dân ca Bah Nar đến cuồng nhiệt: “Tôi đam mê dân ca của dân tộc mình từ nhỏ, cha tôi cũng là người rất đam mê và am hiểu về dân ca Bah Nar. Năm tôi hơn 10 tuổi, ông đã dạy cho tôi những bài dân ca của dân tộc, những bài cúng Yàng và cách diễn xướng. Lúc đầu tôi cũng không thích lắm, nhưng lâu dần nó đã ăn vào tâm trí của tôi…” Đinh Píp tâm sự.

Con đường đến với “nghệ thuật” của ông không phải từ trường lớp mà từ những lần lê đôi chân trần bé nhỏ cùng cha lên nương, rẫy hay lặn lội săn bắn trong chốn rừng sâu. Bằng trí nhớ của mình, ông ghi lại tất cả những bài dân ca mà cha mình vẫn thường hát. Nên đến năm 18 tuổi, ông đã có thể song tấu cùng cha mình trắng đêm trong những đêm trăng hay các dịp lễ hội của làng…

Sau một thời gian tham gia văn công, ông không chọn cho mình một cuộc sồng ở chốn phồn hoa của thị thành mà trở về với nương rẫy, với mảnh đất nơi mình sinh ra để làm tiếp những hoài bão còn dang dở.

Hơn nửa đời mình, chỉ bằng trí nhớ ông đã đi sưu tầm những bài dân ca của người Bah Nar và ông cũng sáng tác thêm rất nhiều bài mà đến giờ ông cũng không thể nào nhớ hết: “Người Bah Nar mình chăm làm và rất ưa ca hát, sống và gắn bó với đại ngàn hùng vỹ nên có rất nhiều bài dân ca đặc sắc. Mỗi khi lên nương, rẫy người Bah Nar mình vẫn thường hát để quên đi mệt mỏi. Dù đã sưu tầm được rất nhiều bài dân ca, nhưng mình cũng chưa thể nào biết hết được sự phong phú của dân ca dân tộc mình…”.

Một đời nặng nợ với dân ca, ông cũng mang trong mình nhiều âu lo, ông sợ đến một lúc nào đó đời sau sẽ không còn biết đến nền văn hoá của dân tộc mình, vì cùng với sự phát triển của cuộc sống, những đứa trẻ trong làng không còn thích thú với những điệu dân ca của người Bah Nar nữa.

“Ngày trước, mỗi khi trong làng có lễ hội, những người già vẫn thường hát dân ca cho dân làng nghe. Ai cũng thích thú, bên hũ rượu cần mọi người có thể thức trắng đêm để nghe hát… Đã nhiều lần tôi dạy cho bọn trẻ trong làng những bài hát, cách diễn xướng, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Không đứa nào nhớ được trọn vẹn một bài. Có lẽ chúng không còn thích những bài dân ca của dân tộc mình nữa rồi…”  - ông buồn rầu tâm sự.

Sân khấu là… trời đất bao la

Không còn những sân khấu đông khán giả như thời ông còn ở văn công, bây giờ ông chỉ còn biết hát trong những dịp hội họp, hay lễ hội của làng. Nhưng những sân khấu đó cũng không thể nào thoả mãn được điềm đam mê của ông. Nên bây giờ với ông sân khấu lớn nhất chỉ còn là trời đất bao la.

Như để chứng minh lời mình nói, ông hát cho chúng tôi nghe những bài dân ca của dân tộc mình một cách say mê. Điều làm chúng tôi bất ngờ ở người đàn ông này là giọng hát trầm ấm, mang chất hoang dã của núi rừng.

Píp khóc khi nhớ về chuyện ngày xưa
Píp bồi hồi khi nhớ về chuyện ngày xưa

Nếu không được chứng kiến, hay nghe những người dân nơi đây kể lại có lẽ không ai tin được rằng cứ khi nào ở đâu có hội họp hay tập trung đông người Píp cũng xin được hát vài bài dân ca Bah Nar. Như để thoả mãn niềm đam mê, ông vẫn thường hát một mình trên nương rẫy hay những chuyến đi rừng.

Kỷ niệm về thời thơ ấu cùng cha mình luôn hằn sâu trong nỗi nhớ của ông. Nên những đêm trăng, ông thường lang thang đến những nơi ngày xưa ông vẫn thường cùng cha song tấu hay rong ruổi một mình trong rừng vắng để nhớ lại những nơi ông đã cùng cha mình đi qua để hát lại những bài dân ca mà ông được học từ cha mình trong những ngày đầu tiên.

Ông cho biết :“Với tôi, dân ca đã ăn vào máu thịt của mình, tôi sẽ tiếp tục sưu tầm, tiếp tục hát đến khi nào không thể làm được nữa. Sắp tới tôi sẽ còn tìm hiểu về sử thi của dân tộc mình để có thể hiểu hết đời sống tinh thần của cha ông…”.

Gìa làng Đinh Nôk cho biết: “Dân làng mình xem Píp như một người giữ hồn dân ca cho dân tộc mình. Píp đam mê dân ca đến độ có thể hát bất cứ lúc nào và có thể hát suốt đêm. Rất khó để có thể gặp được Píp vì ông thường lang thang ngoài nương rẫy hay trong rừng, nhưng mỗi khi về làng Píp đều cùng với những người già trong làng uống rượu và hát một cách rất say sưa…”.

Bây giờ với ông không còn mơ đến những sân khấu lớn như ngày xưa, ước mơ duy nhất hiện giờ là ông được hát và tiếp tục sưu tầm những bài dân ca của người Bah Nar những mong sẽ truyền lại những gì mình biết cho thế hệ mai sau.

Dù chưa được gọi là nghệ nhân, nhưng với người dân ở trong ngôi làng bé nhỏ trên vùng đất khô cằn này, Píp là một người rất đặc biệt và cũng là người duy nhất thuộc nhiều bài dân ca đến thế. Mọi người vẫn gọi ông là “dị nhân Píp” để nói về cách sống hoang dã của ông và cũng như một lời thừa nhận về sự đặc biệt của Píp, một “bảo tàng sống” đối với nền văn hoá của dân tộc mình.

                                                                                               Bài và ảnh: Lê Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.