"Còn sống còn đóng góp cho Giáo dục"

"Còn sống còn đóng góp cho Giáo dục"
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu tại buổi Lễ
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu tại buổi Lễ

Vâng, tất cả mọi sự đóng góp dưới nhiều hình thức khác nhau, đó chính là sự gửi gắm lòng yêu thương và tin tưởng. Mỗi chúng ta đều có trách nhiệm đền đáp xứng đáng với lòng yêu thương và tin tưởng đó.

Chúng tôi chỉ xin giới thiệu một vài gương mặt tiêu biểu:

Bà Nguyễn Thị Hội
Bà Nguyễn Thị Hội

Bà Nguyễn Thị Hội, 79 tuổi, ở số 28 tổ 7 Thanh Nhàn, Hà Nội: “Chừng nào tôi chưa chết thì tôi còn đóng góp cho giáo dục”

Các con gái đều đã đi lấy chồng và ở riêng, bà sống một mình với quán nước chè, rồi tăng gia thêm…Bản tính hay lam hay làm, bà chẳng chịu ngồi yên một lúc nào, và không chê việc bao giờ. Từ một công nhân hè đường, bà về mất sức.

20 năm nay, bà Hội tích cóp những đồng bạc lẻ từ việc bán nước hàng ngày, từ việc chăn nuôi, và cả từ việc đi mài dao thuê cho nhà mổ lợn mỗi tháng 120.000đ nữa, để tháng này một chỉ, tháng sau hai chỉ vàng, góp dần lại, gửi tiết kiệm. Con cái hỏi vay bà không đồng ý, nhưng cũng không nói rõ ý định của mình.

Thế rồi, đến khi đủ 130 triệu đồng, bà mang về quê ở thôn Bội Khê, xã Minh Tiến, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ để xây trường mẫu giáo, làm đường nghĩa trang, góp vào quỹ khuyến học của quê hương…Bà nói chân thành: Tôi năm nay đã sắp 80 rồi, nhưng tôi sẽ còn tiếp tục tích cóp để góp cho giáo dục ở quê mình, khi nào chưa chết thì tôi còn làm…

Anh Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Hoa Hồng (Phú Thọ): “Tôi chỉ muốn góp một phần trách nhiệm của mình vào sự nghiệp trồng người”

Anh Nguyễn Tiến Dũng
Anh Nguyễn Tiến Dũng

Ngay từ khi Công ty mới thành lập, doanh số chưa nhiều nhưng anh đã rất lưu tâm đến những việc đóng góp cho giáo dục dù chỉ với những hạng mục đơn lẻ như sân trường, cổng trường, hàng rào…Dần dần khấm khá lên, anh cùng công ty góp kinh phí xây nhà ở cho giáo viên, xây 2 phòng học mầm non ở 2 xóm mỗi phòng trị giá 50 triệu đồng.

Và rất nhiều công trình khác cho giáo dục mà công ty anh làm với trị giá lên đến 8,4 tỉ. Năm 2007 anh đã được nhận kỷ niệm chương và năm nay được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Anh tâm sự: Làm các công trình giáo dục, đi đến nhiều vùng khó khăn của tỉnh, anh thấy giáo dục mình còn khổ quá, giáo viên và học sinh vẫn còn phải vất vả.

Anh cho rằng đóng góp cho giáo dục là trách nhiệm chung của mọi người và anh muốn góp một phần trách nhiệm nhỏ nhoi của mình, chứ không có mong muốn gì hơn.

Bà Lê Bích Thắng ở Thụy Khuê, Hà Nội: “Tôi muốn không ai phải thất học vì nghèo, để có ích cho mình, cho gia đình, cho xã hội”

Bà Lê Bích Thắng
Bà Lê Bích Thắng

Quê Hoằng Hoá (Thanh Hoá), gia đình có truyền thống cách mạng và nho giáo nên bà Hằng cùng với cả dòng tộc Lê Xuân luôn có ý thức chăm lo cho sự học ở quê hương cũng như ở nơi sinh sống.

Bà đã cùng gia đình và huyện Hoằng Hoá lập nên Quỹ khuyến học Lê Xuân Lan (tên bố chồng) và nhiều quỹ khác. Nhiều năm nay, từ nguồn Quỹ lên đến hơn 2 tỉ đồng, bà và gia đình đã tài trợ cho các cháu khó khăn, cơ nhỡ được đến trường đi học. Hiện bà và gia đình đang góp 520 triệu để xây dựng Trung tâm GD-ĐT tin học của Trường tiểu học Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá.

Điều đáng quý là tất cả số tiền gần 3 tỉ đó hoàn toàn là từ sức lao động của bà và các thành viên trong gia đình dành dụm mà có, không cất trong rương trong hòm mà mang ra làm từ thiện, trong đó có phần lớn đóng góp cho giáo dục.

Ông Nguyễn Văn Thuyết, 79 tuổi, ở thị trấn Chơn Thành, tỉnh Bình Phước: “Tôi luôn ấp ủ lời Bác dạy là cố gắng làm điều tốt giúp ích cho đời”

Sinh ở Hà Nội, quê Thái Bình nhưng ông Thuyết đã phải sống một cuộc sống thăng trầm suốt từ Bắc vào Nam và cuối cùng định cư ở Bình Phước. Được gặp Bác Hồ từ năm 1947, khi mới 16 tuổi, ông luôn nhớ lời Bác là lớn lên cháu phải làm việc tốt giúp ích cho đời.

Ấp ủ lời dặn này, chăm chỉ làm ăn, ông tích cóp được một số tiền và đến năm 2009, ông quyết định góp để xây 8 phòng học kiên cố mỗi phòng 50m2 cho trường mầm non Sao Mai ở Chơn Thành với đầy đủ trang thiết bị, đường nước sạch, cổng, cây xanh…Công trình đã được khởi công ngày 3-4-2009 và đã bàn giao ngày 8-12-2009, với tổng số tiền tài trợ lên đến 2,4 tỉ đồng. Tấm lòng vàng của lão nông Nguyễn Văn Thuyết đã được Chủ tịch nước biểu dương nhiệt liệt.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ ông Nguyễn Văn Thuyết (ngoài cùng bên trái )
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ ông Nguyễn Văn Thuyết (ngoài cùng bên trái )

Ông Paul Finnis, Giám đốc Tổ chức Saigon Children’s Charity: “Vì trẻ em, đó là mục đích lớn lao mà tổ chức của chúng tôi theo đuổi”

Ông Paul Finnis
Ông Paul Finnis

Thành lập năm 1992, suốt 17 năm nay, tổ chức SCC luôn hướng các hoạt động của mình đến trẻ em thông qua các dự án xây dựng trường học và cung cấp các điều kiện học tập, xây dựng các trung tâm dạy nghề, cấp học bổng cho trẻ em nghèo.

Trung bình mỗi năm, SCC đã tài trợ khoảng 1 triệu USD cho các dự án trên. Trong năm 2010, SSC cũng đã lên chương trình cho các dự án và các vùng dự án của mình với tổng số kinh phí tối thiểu là gần 1 tỉ đồng.

Ông Paul Finnis cho biết: Quỹ hỗ trợ trẻ em do Tổ chức SCC thu hút từ những tấm lòng hảo tâm của những người nước ngoài sống tại Việt Nam và ở trên thế giới, huớng đến trẻ em Việt Nam, đặc biệt là trẻ em nghèo.

Nguyễn Thị Trâm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ