(GD&TĐ) - Các chiến sĩ cảnh sát làm việc trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ là những người phải hội tụ các phẩm chất: có sức khỏe, sự dẻo dai, dũng cảm, khả năng xử lý tình huống nhanh nhạy, và đặc biệt là phải yêu nghề, bởi công việc của họ luôn phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm, gay cấn. Chính vì vậy, công tác đào tạo chuyên ngành phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn có những đặc điểm khác biệt so với các chuyên ngành khác. Xung quanh vấn đề này, GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng, PGS. TS Đỗ Ngọc Cẩn – Hiệu trưởng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy (ĐH PCCC).
Trường ĐH PCCC (ảnh: Internet) |
PV: Phòng cháy chữa cháy (PCCC), cứu hộ cứu nạn là một lĩnh vực rất đặc thù. Vậy, xin ông cho biết những điểm khác biệt trong nội dung đào tạo của Trường ĐH PCCC so với các trường khác?
Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn: Công tác đào tạo trong Trường ĐH PCCC nói riêng, cũng như trong các trường công an nhân dân, và các trường trong lực lượng vũ trang nói chung, luôn nhằm 2 mục tiêu: đào tạo cán bộ có trình độ khoa học kỹ thuật và đào tạo một người lính. Chính mục tiêu thứ hai này làm nên điểm khác biệt giữa các trường trong lực lượng vũ trang với những trường khác.
Để thực hiện mục tiêu đào tạo một người lính, bên cạnh kiến thức, Trường ĐH PCCC rất chú ý đến việc rèn luyện tác phong của người lính cho các học viên, từ tác phong trong sinh hoạt (như phải ăn, ngủ, tập thể dục, nghỉ ngơi, lên lớp… theo giờ giấc, tuân thủ theo thời khóa biểu nghiêm ngặt; phải biết cách gấp chăn màn, sắp xếp đồ dùng, tư trang cá nhân theo quy định thống nhất); đến việc đi lại phải theo đội hình (xếp hàng vào nhà ăn, vào lớp…). Ngay cả những quy định tưởng như nhỏ nhặt về đầu tóc, giày dép, móng chân, móng tay…, học viên cũng phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Đặc biệt, học viên của trường phải rèn luyện theo điều lệnh của lực lượng Công an nhân dân, từ tư thế, lễ tiết, tác phong của một chiến sĩ công an đến việc giữ vững kỷ luật, kỷ cương. Học viên muốn làm gì không đúng quy định phải xin phép (ví dụ xin phép ra ngoài vào giờ nghỉ trưa…) và có sự đồng ý của người có thẩm quyền mới được thực hiện.
Việc rèn luyện của mỗi học viên được đánh giá bằng cách tính điểm để xếp loại theo từng tiểu đội, trung đội (từng lớp). Một học viên xuất sắc vừa phải có điểm học tập giỏi, vừa phải có điểm rèn luyện tốt.
PV: Những chiến sĩ cảnh sát PCCC luôn phải đối mặt với nguy hiểm, xử lý những tai nạn khủng khiếp… Bên cạnh việc trang bị kiến thức, lý luận thì những kỹ năng để SV có thể xử lý tình huống một cách nhanh nhạy được trang bị như thế nào, thưa ông?
Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn: Nghề PCCC, cứu hộ cứu nạn là một nghề rất nguy hiểm và nặng nhọc vì thường xuyên phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm, bất ngờ, gay cấn. Trong đào tạo, học viên phải được rèn luyện các kỹ năng cần thiết để có thể xử lý tốt những tình huống đó, nhằm mục đích giúp học viên sau khi ra trường đảm đương được những công việc được giao phó.
Thứ nhất là rèn luyện về thể lực nhằm tạo cho học viên sức khỏe dẻo dai để học những môn đặc thù liên quan đến những công việc nặng nhọc, nguy hiểm sau này. Chính vì vậy, ngay từ khi học viên mới vào trường, Trường ĐH PCCC đã rất coi trọng việc tổ chức các hoạt động thể dục thể thao cho học viên như bóng chuyền, bóng bàn, bóng đá, bóng rổ… Nhà trường tận dụng mọi địa điểm phù hợp để bố trí làm nơi chơi thể thao cho học viên. Bên cạnh đó, học viên phải tập luyện thể lực, tập võ thuật hàng ngày. Ngoài giờ học chính khóa, trường còn tạo điều kiện cho học viên tham gia các câu lạc bộ thể hình, câu lạc bộ võ thuật ngoài giờ, cũng như khuyến khích học viên tham gia các hoạt động ngoại khóa. Những hoạt động này giúp học viên vận động nhiều hơn, từ đó nâng cao thể lực và dẻo dai hơn.
Cùng với đó, nhà trường tạo điều kiện cho học viên tham gia các cuộc thi về võ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện thể lực hoặc tham gia các cuộc thi chạy đường dài do Bộ Công an, Thành đoàn, quận Thanh Xuân tổ chức. Ngoài ra, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động đột xuất, các báo động, buộc học viên phải hoạt động thể lực, thể hiện sự nhanh nhạy, khả năng ứng phó với tình huống khẩn cấp…
Thứ hai, các hoạt động rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ, liên quan đến công việc sau này của người chiến sĩ cảnh sát PCCC, cứu hộ cứu nạn cũng rất được quan tâm. Học viên của trường phải leo thang, leo dây, vượt chướng ngại vật, bơi lặn giỏi, làm việc được trong môi trường có khói, lửa…
Thứ ba, vấn đề rèn luyện tâm lý khi phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm, khẩn cấp cũng rất quan trọng trong nội dung đào tạo của Trường ĐH PCCC. Trong quá trình giảng dạy, các giảng viên phải tạo ra những tình huống thực tế, hoặc chuẩn bị những thước phim tư liệu để học viên hình dung được về mức độ nguy hiểm, phức tạp, gay cấn của vụ việc, từ đó biết cách xử lý như thế nào… Việc chuẩn bị về tâm lý này phải được đưa vào cả chương trình chính khóa và ngoại khóa của trường.
Lúc đầu, những học viên nhát, yếu bóng vía khi phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm giả định, hoặc khi phải leo lên cao, tụt từ trên cao xuống bằng dây… thì tỏ ra sợ hãi. Tuy nhiên, qua quá trình luyện tập thường xuyên, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tâm lý, dần dần, những học viên đó đã vượt qua được nỗi sợ hãi của mình, hoàn thành được tất cả các yêu cầu của môn học để sau khi ra trường có thể đảm đương tốt công việc của mình.
PV: Trong thực tế, không thấy nữ cảnh sát PCCC nào hoạt động tại hiện trường các vụ tai nạn, các vụ cháy… Phải chăng chính vì sự nguy hiểm cũng như yêu cầu về sức khỏe, sự dẻo dai của nghề mà các nữ cảnh sát PCCC không xông pha thực tế, thưa ông?
Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn: Theo quy định, các trường trong lực lượng Công an nhân dân được tuyển 10% là nữ. Thực tế, nữ học viên của Trường ĐH PCCC cũng khá đông, khoảng 200 trong tổng số hơn 2.000 SV toàn trường, học tập ở hệ ĐH, trung cấp PCCC, cứu hộ cứu nạn. Trong đào tạo hiện nay, trường phân thành nhiều chuyên ngành: phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, trang bị phương tiện kỹ thuật. Đối với các học viên nữ, chúng tôi ưu tiên xếp vào các chuyên ngành phòng cháy bởi các chuyên ngành này nhẹ nhàng hơn, phù hợp với nữ hơn. Sau này ra trường, các em có thể làm việc ở lĩnh vực thanh tra, kiểm tra an toàn PCCC, thẩm duyệt thiết kế, tham mưu, vận động, tuyên truyền, tổng hợp…
Tuy nhiên, đã học ở Trường ĐH PCCC thì dù là nam hay nữ đều phải trải nghiệm những tình huống nguy hiểm của nghề, đều phải tham gia vào những bài học chung mà chuyên ngành nào cũng phải học (khoảng 75% nội dung đào tạo của các chuyên ngành là giống nhau). Qua quá trình đào tạo cho thấy, nhiều học viên nữ khi xông pha thực tế cũng dũng cảm, nhanh nhạy không kém gì các học viên nam.
PV: Đào tạo theo nhu cầu xã hội và đổi mới phương pháp giảng dạy đang là mục tiêu mà các trường ĐH, CĐ trong cả nước hướng tới. Trường ĐH PCCC đã thực hiện những mục tiêu này như thế nào, thưa ông?
Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn: Đào tạo theo nhu cầu xã hội hiện nay đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm và Trường ĐH PCCC cũng không thể đứng ngoài cuộc. Đã từ nhiều năm nay, nhà trường luôn cố gắng đào tạo cho học viên những gì mà xã hội cần, xã hội đòi hỏi chứ không phải dạy những gì mà nhà trường có. Tuy nhiên, để nhiệm vụ đào tạo theo nhu cầu xã hội tại Trường ĐH PCCC đạt được những mục tiêu đặt ra thì cần phải có sự tham gia tích cực của ba lực lượng: người dạy – người học – lực lượng công an các địa phương. Bên cạnh đó, để công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội đạt được hiệu quả thì việc đổi mới phương pháp giảng dạy cũng là một yêu cầu bức thiết được đặt ra.
Trước hết, về phía người thầy, cần tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, lăn lộn với thực tiễn để có thể truyền đạt cho SV những lý luận khoa học, những bài học kinh nghiệm sâu sắc nhất, chuẩn xác nhất. Hiện nay, những giảng viên mới được tuyển dụng của trường đều phải đi thực tế cơ sở ở những đơn vị phù hợp với chuyên ngành mà mình giảng dạy tối thiểu trong một năm.
Ví dụ, những giảng viên dạy các môn chuyên ngành về chữa cháy, CHCN phải tham gia công tác thực tế tại các đơn vị chữa cháy trong một khoảng thời gian nhất định để tích lũy những kinh nghiệm thực tế về nghề, rút ra những bài học từ những tình huống nguy hiểm, khẩn cấp trong thực tế… để sau này truyền đạt lại cho học viên. Những giảng viên không dạy các môn nghiệp vụ cũng phải xuống cơ sở thực tập từ 1 – 6 tháng tùy theo yêu cầu, mức độ công việc. Có như vậy, sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn trong bài giảng của các giảng viên Trường ĐH PCCC mới có thể nhuần nhuyễn, sâu sắc, giúp học viên dễ tiếp thu. Có thể nói, ở những trường ĐH mang tính chất đặc thù như Trường ĐH PCCC, người giảng viên càng cần phải có những trải nghiệm thực tế để có thể truyền đạt đúng mục đích những gì mà xã hội đang cần tới học viên .
Đối với học viên, nhà trường luôn tạo điều kiện cho các em cọ xát thực tế càng nhiều càng tốt bằng nhiều hình thức: mời các cán bộ cơ sở về báo cáo thực tế để học viên nắm được tình hình thời sự ở lĩnh vực, chuyên ngành mà mình đang học, những thông tin, kiến thức thực tế, củng cố những kiến thức đã được học, từ đó có thể vận dụng vào thực tiễn; tích cực đưa học viên đi thực tế, học tập tại thực địa (chẳng hạn khi học về phòng cháy tại nhà máy điện, nhà trường đưa học viên xuống nhà máy điện để giúp học viên hiểu được rõ ràng về những nguy cơ cháy nổ tại nhà máy điện, liên hệ giữa lý thuyết với thực tiễn để không ngừng nâng cao chất lượng học tập, từ đó hiểu được sâu sắc hơn về các giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn phòng cháy nhà máy điện)…
Học viên của Trường ĐH PCCC từ năm thứ 2 phải đi thực tế nghề nghiệp tại các cơ sở trong 2 tháng, từ đó làm quen dần với môi trường làm việc, nghề nghiệp sau này của mình… Học viên năm cuối phải đi thực tập tốt nghiệp trong 6 tháng để trải nghiệm thực tế công việc mà mình sẽ phải thực hiện sau khi ra trường. Trong 6 tháng đó, học viên sẽ phải lăn lộn vào thực tế, tham gia các vụ chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn… không khác gì những chiến sĩ cảnh sát PCCC thực sự.
Một “kênh” nữa giúp học viên PCCC tiếp cận gần hơn với những yêu cầu thực tế trong công việc sau này, hiểu rõ hơn về nghề nghiệp tương lai là thông qua những hoạt động giao lưu, liên kết với các đơn vị chiến đấu trong lực lượng cảnh sát PCCC. Để thực hiện mục tiêu này, những năm gần đây Trường ĐH PCCC đã ký kết triển khai quy chế phối hợp với các đơn vị: Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM toàn diện trên tất cả các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ. Qua việc ký kết này, các học viên của nhà trường sẽ thường xuyên có cơ hội được các cán bộ có kinh nghiệm của cơ sở đến báo cáo thực tế, được tiếp cận với những tài liệu chính xác, có tính thời sự về công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Đồng thời, các cán bộ, giảng viên của trường cũng có thêm cơ hội thâm nhập nghiên cứu, ứng dụng các đề tài NCKH của nhà trường…
Một hoạt động nổi bật thể hiện được sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy của nhà trường, giúp cho công tác giảng dạy – học tập tại trường tiếp cận gần hơn với những nhu cầu thực tế của đời sống xã hội trong thời gian gần đây là sự ra đời của Đội chữa cháy học tập (tháng 6/2012) do Trường ĐH PCCC phối hợp với Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội tổ chức. Đây là một mô hình thực tiễn giúp các học viên có điều kiện vận dụng những kiến thức đã được học vào thực tế, tăng cường kỹ năng trong việc sử dụng các trang thiết bị chữa cháy được trang bị, rèn luyện khả năng nhanh nhạy khi xử lý các tình huống nguy hiểm, khẩn cấp… Chỉ huy của đội là các giảng viên trong trường, thành viên là học viên năm thứ 4, thứ 5.
Đội chữa cháy học tập đã tham gia trực tiếp vào công tác chữa cháy trong một số vụ cháy diễn ra trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua. Nhờ đó, cả giảng viên và các học viên tham gia vào đội đều được tăng cường tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế, đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm bổ ích cho hoạt động giảng dạy, học tập của mình. Hoạt động này được lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân rất hoan nghênh.
Một lực lượng quan trọng góp phần giúp cho nhiệm vụ đào tạo theo nhu cầu xã hội đạt được các mục tiêu đề ra là phía người sử dụng nhân lực (các đơn vị PCCC, cứu nạn cứu hộ ở các địa phương). Do trường đóng trên địa bàn Hà Nội nên nhà trường rất chú trọng phối hợp với các đơn vị PCCC, cứu nạn cứu hộ của Thủ đô, và ngược lại, các đơn vị này cũng rất tích cực tham gia vào quá trình đào tạo của nhà trường. Trường ĐH PCCC thường xuyên mời các đồng chí lãnh đạo Phòng, Sở, cán bộ có chuyên môn sâu tham gia giảng dạy, báo cáo thực tế các chuyên đề cho học viên; Trường và Sở phối hợp tổ chức nhiều hoạt động như các cuộc tập duyệt về phương án PCCC, cứu nạn cứu hộ; khi học viên của trường đi thực tế, thực tập tại cơ sở thì đều được cán bộ của các Phòng, của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội chỉ bảo tận tình.
Như vậy, với sự tham gia tích cực, sự cố gắng của cả ba lực lượng như đã nêu trên, việc thực hiện mục tiêu đào tạo theo những nhu cầu đặt ra từ đời sống xã hội hiện nay của nhà trường đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chính vì thế, học viên của trường sau khi tốt nghiệp, tham gia công tác thực tế tỏ ra rất mạnh dạn, chững chạc, nhiều người có thể bắt tay vào làm việc được ngay.
PV: Thực tế hiện nay cho thấy, công tác đào tạo trong lĩnh vực PCCC, cứu hộ, cứu nạn ở nước ta còn nhiều bất cập. Theo ông, những bất cập này đến từ cơ chế, cơ sở vật chất, hay do nguồn lực, con người?
Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn: Những khó khăn, bất cập trong công tác đào tạo của Trường ĐH PCCC hiện nay không ít. Thứ nhất, môi trường đào tạo của trường quá chật hẹp. Trường có hai cơ sở đào tạo chính: Cơ sở 1 tại 243 Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân – Hà Nội), đào tạo bậc ĐH và sau ĐH, chỉ rộng 3,2 héc-ta, không gian cho học viên tập luyện rất chật hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của học viên. Cơ sở 2 của trường tại xã Hòa Sơn – huyện Lương Sơn – Hòa Bình rộng 6 héc-ta nhưng cơ sở vật chất còn nghèo nàn.
Khó khăn thứ hai là thiếu các phương tiện, thiết bị nghiệp vụ để học viên thực hành. Khi sang tham quan Học viện Phòng vệ dân sự của Singapore, chúng tôi thấy rằng quy mô đào tạo của họ chỉ khoảng 200 học viên một khóa học nhưng có tới 20 xe chữa cháy các loại. Trong khi đó, quy mô đào tạo cả bậc ĐH, trung cấp của Trường ĐH PCCC chỉ tính riêng trong ngành Công an đã khoảng 2.200 học viên nhưng chỉ có 9 xe chữa cháy các loại, trong đó chỉ có 1 xe thang (dùng để chữa cháy cho các nhà cao tầng) và 1 xe cứu nạn, cứu hộ. Do thiếu phương tiện dạy học nên học viên của trường ít được thực hành và chính bản thân các giảng viên cũng gặp nhiều khó khăn khi triển khai công tác huấn luyện thực hành.
Khó khăn thứ ba là chế độ cho học viên của trường rất bất cập. Mỗi học viên được cấp 40.000 đồng/ ngày cho tiền ăn, trong đó mỗi bữa ăn chính (trưa, chiều) là 16.000đ, bữa sáng 8.000đ. Với số tiền như vậy, nhà trường chỉ có thể cố gắng làm sao cho học viên không bị đói, còn những thức ăn “tươi” như thịt, cá chỉ ở mức độ, trong khi học viên của trường phải tập luyện rất nặng nhọc, hao tổn sức lực. Nhà trường mong muốn có chế độ đặc thù cho học viên học tập trong các trường thuộc lĩnh vực nặng nhọc này để học viên có sức khỏe học tập tốt hơn, hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, công tác tuyển sinh của trường cũng gặp nhiều khó khăn hơn các trường trong lực lượng Công an nhân dân vì đây là nghề nguy hiểm, nặng nhọc trong khi chế đãi ngộ không có gì hơn nên các bạn trẻ không mặn mà lắm. Rất may là các trường Công an được Nhà nước bao cấp, người đi học không phải đóng góp, học viên được rèn luyện trong môi trường có kỷ luật chặt chẽ, ra trường lại được bố trí việc làm ngay nên vẫn thu hút được một số lượng học viên nhất định, nhưng chủ yếu là các em học sinh ở các vùng nông thôn.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ninh Kiều (Thực hiện)