"Chống giặc nội xâm" - bài học về xây dựng Đảng hiện nay

"Chống giặc nội xâm" - bài học về xây dựng Đảng hiện nay

(GD&TĐ) - “Chỉ một năm sau ngày Tết Độc lập 2/9/1945, ngày 27/11/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 223 về việc “Xử phạt đối với tội đưa hối lộ cho công chức, tội công chức nhận hối lộ, biển thủ công quĩ hoặc của công dân”. 

Sắc lệnh 223 là Đạo luật chống tham nhũng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ra đời chỉ trước Ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 chưa đầy một tháng. 

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng chỉnh đốn Đảng chính là gạn đục, khơi trong làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh
"Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng chỉnh đốn Đảng chính là gạn đục, khơi trong làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh"

Điều đó nói lên sự cấp bách của vấn nạn chống tham nhũng mà Bác Hồ gọi là “giặc nội xâm” trước nguy cơ giặc ngoại xâm đang rập rình ngay trước cửa. Trong có ấm, ngoài mới êm, nếu nội bộ không trong sạch, không được làm sạch, thì làm sao tập trung toàn lực chống ngoại xâm đi tới thắng lợi? Bài học mà Bác Hồ chỉ ra cho toàn Đảng, toàn chính quyền và toàn dân rất cụ thể, rất rõ ràng: “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng… chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn… thành thử có mắt mà không thấu suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững, kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ mà tham ô, lãng phí. Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí.” Những cảnh báo cách đây hơn nửa thế kỷ của Bác Hồ mà cứ như Bác đang nói chuyện ngày hôm nay! Cứ như Bác đang nhìn thấu những chuyện đau lòng xảy ra ngày hôm nay gây ra bởi “quốc nạn” tham nhũng, lãng phí, và bắt đầu từ gốc của nó là bệnh quan liêu, giấy tờ, xa rời dân của các cấp chính quyền, của những người vẫn tự xưng mình là “đầy tớ của nhân dân”. 

Cứ mỗi khi chúng ta có dịp nghiền ngẫm những lời căn dặn của Bác, mỗi khi ta thật tình tiếp thu, suy nghĩ về những lời dạy đó, chứ không phải làm qua chuyện “theo phong trào”, ta lại phát hiện ra những điều mới mẻ kỳ lạ từ những lời nói rất dung dị, bình thường của Bác Hồ. Ngay từ khi mới giành được chính quyền, Bác Hồ đã cảnh báo ngay về “nạn giặc nội xâm”- là tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Dùng từ “nội xâm” thật đích đáng, và có lẽ ngày càng đích đáng, khi nhiệm vụ của Nhà nước bây giờ không phải là giành chính quyền hay xây dựng chính quyền trong những ngày “trứng nước” như xưa nữa, mà là xây dựng một Nhà nước pháp quyền đủ mạnh, đủ công khai và minh bạch để mọi công dân, dù làm việc gì, dù ở cương vị nào cũng phải tuân thủ pháp luật và hoàn toàn thấy yên tâm, thấy thoải mái trong việc tuân thủ pháp luật. Cứ vào lúc nào và với bất cứ ai tự cho mình cái quyền “đứng trên pháp luật” để hành xử từ việc nhỏ tới việc lớn, thì chừng đó, “giặc nội xâm” không chỉ là hiểm họa, mà thực sự đã thành tai họa nhãn tiền. 

“Ai cũng biết vụ tham nhũng của đại tá Trần Dụ Châu trước đây. Khi phát hiện một đại tá tham nhũng, Bác Hồ đã kiên quyết xử lý. Vụ này báo chí không vào cuộc, vì đại tá lúc đó to lắm, nhưng Bác Hồ ra lệnh phải tường thuật trên Báo Cứu Quốc và Đài Tiếng nói Việt Nam đầy đủ, tỉ mỉ về vụ án này. Lúc đó Báo Cứu Quốc đăng 6 kỳ, trong đó 4 kỳ đăng trang nhất kèm xã luận.” Bác muốn người dân phải được biết về vụ việc này. Quyền được thông tin của người dân đã được người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đặc biệt tôn trọng. Bài học về việc chống lại “giặc nội xâm” của Bác Hồ đến lúc này vẫn mang tính thời sự.

Hiện nay, trước tình hình tham nhũng và những tệ nạn xã hội ở nước ta có chiều hướng gia tăng, ôn lại những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, chống tham ô, lãng phí, quan liêu càng thấy rõ ý nghĩa sâu xa, tầm quan trọng và tính thời sự những chỉ dẫn của Người. Tuy chúng ta không bắt gặp những từ “tham nhũng” trong các tác phẩm của Người, nhưng đối chiếu với Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 của Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29-11-2005, có hiệu lực từ ngày 1- 6 -2006 có nêu: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó mà vụ lợi”, cùng những hành vi tham nhũng nêu trong Luật này phù hợp với những nội dung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là tham ô, lãng phí, quan liêu.

Qua các kỳ Đại hội, Đảng ta đã thẳng thắn kiểm điểm và chỉ rõ một trong bốn nguy cơ, đó là tệ quan liêu và tham nhũng: “Tình trạng tham nhũng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, gây bất bình và làm giảm lòng tin trong nhân dân”. Thật vậy, nạn tham nhũng kéo dài, ngày càng diễn biến phức tạp, quy mô ngày càng lớn, tính chất ngày càng nghiêm trọng trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe dọa đến sự sống còn của chế độ ta. Điều quan trọng hơn là từ thực tiễn kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta muốn cảnh báo về hậu quả xã hội nguy hại của nó.

Tham nhũng, lãng phí, quan liêu ngoài những tổn thất và thiệt hại to lớn về kinh tế còn gây nên những thiệt hại về chính trị, xã hội khó lường. Điều tệ hại hơn, các tệ nạn này đang làm tha hóa cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền; làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; làm mất đi mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với quần chúng nhân dân; làm cho các chủ trương, chính sách bị sai lệch dẫn đến chệch hướng và làm tiền đề của mọi sự mất ổn định xã hội; là điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch, gây mất ổn định chính trị, thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Đối với kẻ thù, nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu là cơ sở và mục tiêu để chúng công kích, bôi xấu chế độ ta, làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước ta. Đúng như điều mà Lênin trước đây đã cảnh báo về nguy cơ của một đảng cầm quyền chính là ở chỗ đánh mất mối dây liên hệ với quần chúng, rằng “nếu có cái gì làm tiêu vong chúng ta thì chính là những tệ nạn đó”.

Trong nhiều năm qua, Đảng ta đã có những chủ trương, phương hướng chỉ đạo nhằm đấu tranh chống tệ nạn này có hiệu quả. Nhà nước cũng ban hành hàng loạt văn bản pháp luật quy định cụ thể về chống tham nhũng, lãng phí, nhưng nhìn chung hiệu quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí chưa cao. Nhận thức ra tính chất nguy hại của tệ nạn này, Đảng ta đã có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cuộc đấu tranh này là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. 

Thiết nghĩ, các cấp ủy và tổ chức Đảng, đặc biệt là cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu các cơ quan đơn vị phải nhận thức sâu sắc tính cấp thiết, lâu dài, phức tạp và khó khăn của cuộc đấu tranh này, có quyết tâm chính trị cao, phải thực sự tiên phong, gương mẫu trong trận chiến với thứ “giặc nội xâm” đấu tranh kiên quyết, kiên trì, liên tục có hiệu quả từ Trung ương đến cơ sở, trong Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. 

  Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng chỉnh đốn Đảng chính là gạn đục, khơi trong làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, “thật sự trong như pha lê, mạnh như thác lũ” như Bác Hồ từng chỉ rõ, để phục vụ nhân dân, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Mọi hoạt động xây dựng Đảng trong mọi thời kỳ cách mạng của Đảng đều không ngoài mục đích trên.         
Trần Thông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.