"Cháu nên mặc trang phục của dân tộc mình "

"Cháu nên mặc trang phục của dân tộc mình "
Vương Thị Mín
Bà Vương Thị Mín

Năm 1958, do có thành tích tốt trong chiến dịch tiễu phỉ nên tôi được cấp trên cử đi học lớp tân dược viên do sở Thương mại Khu tự trị  Thái - Mèo mở tại Thuận châu- Sơn la. Ngày đó cơ sở trường lớp hết sức nghèo nàn, trường chỉ là những căn nhà lá đơn sơ, vách được che bằng phên liếp.

Vào Mùa Xuân năm 1959, Trường nghiệp vụ Thương nghiệp Khu tự trị Thái - Mèo được giao nhiệm vụ  xây dựng một phòng triển lãm hàng thương nghiệp của vùng Tây Bắc. Nhờ kết quả học tập suất sắc và lại là học viên người dân tộc, tôi được nhà trường chọn làm thuyết minh viên cho phòng triển lãm.

Phòng triển lãm được chia làm năm gian. Tôi được giao chịu trách nhiệm thuyết minh cho gian hàng trưng bày các loại khoáng sản. Trong đó có cả chất Uraniom quý hiếm chỉ có ở vùng Phong Thổ

Trong những ngày diễn ra triển lãm, bà con các Dân tộc  đến xem rất đông. Ngoài tiếng Thái là Ngôn ngữ  Mẹ đẻ, tôi còn có thể nói thông thạo tiếng Quan thoại, tiếng H’Mông và tiếng dân tộc Giấy. Do vậy, công việc tuy mới mẻ và khá vất vả nhưng tôi đã hoàn thành tốt.

Triển lãm đến ngày thứ ba thì mấy chị em thuyết minh viên chúng tôi được thông báo dọn dẹp gọn gàng mọi thứ để chuẩn bị đón khách đến thăm. Chúng tôi hồi hộp lắm nhưng vẫn không biết Người đó là ai?

Buổi  sáng hôm đó, như thường lệ tôi bắt đầu giới thiệu các mẫu sản phẩm từ quặng cho khách. Bỗng nhiên xung quanh ồn ào hẳn lên và có tiếng ai đó reo lên rất to:

- Bác Hồ đến!

Tôi bất ngờ đứng lặng người, quên cả công việc và muốn cùng chạy ào ra đón Bác. Nhưng tôi xúc động quá, hai chân cứ ríu lại chực khuỵ xuống.

Bác cùng với đoàn đi lướt nhanh qua các gian hàng. Đột ngột, Bác dừng lại ngay chỗ tôi.

Bác cất tiếng ôn tồn hỏi:

- Cháu Dân tộc gì?

Quá  bất ngờ, tôi run run, lí nhí đáp:

- Dạ thưa Bác! Cháu dân tộc Thái ạ!

Bác cười rất hiền và hỏi tiếp:

- Thế tại sao cháu lại cắt tóc ngắn và mặc như  kiểu người Hoa?

Trời  đất ơi! Chắc là tại nơi tôi lớn lên, thường hay sinh hoạt gần gũi với một nhóm cộng đồng người Hoa kiều nên tôi không để ý lắm đến việc mình cắt tóc và mặc giống như một thanh nữ người Hoa. Dường như hiểu được tâm trạng lúng túng của tôi, Bác mỉm cười, giúp tôi trấn tĩnh. Tiếp theo, Bác ân cần dặn:

- Là người Thái, cháu nên mặc trang phục của dân tộc mình cháu nhé!

Tôi  đứng ngây như pho tượng và không hứa được với Bác một lời nào. Bác ân cần xoa đầu tôi, sau đó giơ tay chào thân mật rồi đi tiếp. Mọi chuyện đến cứ như một giấc mơ khiến tôi bàng hoàng không dám tin. Về sau này, tôi vẫn thường tự trách mình sao lúc đó không mạnh dạn xin được chụp ảnh cùng Bác.

Sau khi Bác đi rồi, tất cả mọi người trong phòng triển lãm liền xúm xít lại để cùng chia sẻ  niềm hạnh phúc bất ngờ là đã được tận mắt chiêm ngưỡng hình ảnh của Bác. Anh Hiền (Công an bảo vệ khu triển lãm) nói với tôi bằng giọng rất trịnh trọng:

- Em là người may mắn và sướng nhất đấy! Có ai được Bác dừng lại và trò chuyện như  với em đâu!

Sau lần vinh dự được đón Bác đến thăm, chúng tôi còn may mắn được đón Anh Hùng Núp, nhưng đó lại là một câu chuyện khác.

Cuộc  đời của mỗi con người có biết bao nhiêu là kỷ niệm. Có những kỷ niệm đến rồi lại qua đi trong miền ký ức, nhưng có những kỷ niệm sẽ cùng theo ta theo suốt cuộc đời. Kỷ niệm quý báu về lần được gặp Bác luôn là nguồn động viên tồi trong suốt mấy chục năm qua. Bây giờ, khi Đảng và nhà nước khuyến khích: "Giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc" thì tôi lại càng thấm thía ý nghĩa lời dạy của Bác:

- Là người Thái, cháu nên mặc trang phục của dân tộc mình cháu nhé!

Vương Thị Mín

(Thị xã Lai Châu, Tỉnh Lai Châu)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.